Ngày 15/3 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 31, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong đó có quy định về xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết trong quá trình thẩm tra vẫn còn nhiều loại ý kiến liên quan việc cấm lái xe khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Về ưu điểm, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, quy định này kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
Quy định trên đã được thực tiễn kiểm nghiệm phát huy kết quả tốt. Số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia giảm.
Cấm hành vi trên với mục đích phòng ngừa, làm giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông gây ra, được các nhà khoa học ủng hộ.
Đến nay, quy định cấm trên đã đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”.
Quy định này cũng ảnh hưởng nhất định đến một số hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của một số địa phương.
Việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn cũng làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, từ đó làm ảnh hưởng nhất định các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia của nước ta.
Ưu điểm của quy định này là đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người đã sử dụng rượu, bia được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Quy định này cũng không làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia của nước ta và cả gián tiếp cho nhiều người lao động trong chuỗi sản xuất, kinh doanh.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng đây là nội dung lớn, có tác động đến toàn bộ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, được cử tri và dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.
Căn cứ ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổng hợp và đề xuất 02 phương án sau:
Về quy định đấu giá biển số xe, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, đa số ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện để bổ sung vào dự thảo Luật quy định về đấu giá biển số xe ô tô; có ý kiến đề nghị nghiên cứu mở rộng đấu giá với cả biển số xe tải, xe khách và xe mô tô.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và thấy rằng việc thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả tích cực, chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của chính sách mới này.
Nếu không kịp thời đưa vào dự thảo Luật này mà chờ hết thời gian thực hiện thí điểm, tiến hành tổng kết, báo cáo Quốc hội thì lúc đó phải tiến hành trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung Luật mới được Quốc hội sẽ gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian và ngân sách.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với Phương án 1, vì đưa vào quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp với ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là luật chuyên ngành, sẽ quy định đầy đủ, cụ thể các nội dung về đấu giá biển số xe và tạo nên sự thống nhất với các quy định khác về biển số xe như quản lý phương tiện giao thông đường bộ, cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.
Phát biểu điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các vị Đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (đã có 133 lượt ý kiến phát biểu: 105 ý kiến tại tổ và 28 ý kiến tại Hội trường).
Trên cơ sở ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, số chương giữ nguyên và tăng 08 điều do bổ sung 05 điều mới; gộp 04 điều thành 02 điều; tách nội dung của một số điều thành 05 điều khác.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo.