In bài viết

Cơ cấu, số lượng cấp ủy viên cấp huyện nhiệm kỳ 2025 - 2030 tại Quảng Ngãi

17:34 - 26/09/2024

(Chinhphu.vn) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Hướng dẫn số 18-HD/TU một số nội dung cơ bản về đại hội đảng bộ cấp huyện và đại hội chi, đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Theo đó, đối với cấp huyện cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư gắn với chức danh lãnh đạo khối chính quyền nhiệm kỳ 2026 - 2031 cụ thể như sau:

1. Về cơ cấu cấp ủy

- Căn cứ vào đặc điểm, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đối với những địa bàn, lĩnh vực quan trọng mà cơ cấu nhân sự cấp ủy.

- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị để cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số (tham gia cấp ủy) nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo Đề án số 08-ĐA/TU ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Thực hiện nghiêm cơ cấu 3 độ tuổi đối với cấp ủy cấp huyện và phấn đấu thực hiện: Dưới 42 tuổi từ 10% trở lên (tính cho cả nhiệm kỳ); từ 42 đến 50 tuổi khoảng 40%-50%, còn lại trên 50 tuổi.

- Phấn đấu đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên trong mỗi nhiệm kỳ; trường hợp số lượng cấp ủy viên đủ tuổi tái cử cao hơn thì việc lựa chọn cấp ủy viên tái cử trước hết phải căn cứ vào trình độ, năng lực, có thành tích công tác và sản phẩm cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ, sự tín nhiệm đối với cán bộ (có thể lựa chọn nhân sự thông qua phiếu tín nhiệm từ cao đến thấp của ban chấp hành đảng bộ). Riêng Đảng bộ huyện Trà Bồng thì rà soát báo cáo xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy trước khi thực hiện quy trình tái cử.

- Thực hiện chủ trương: Không nhất thiết thực hiện địa phương nào cũng cơ cấu đồng chí chính trị viên tham gia cấp ủy trừ một số địa phương thực hiện nhiệm vụ quan trọng, trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu, cần thiết thì Đảng ủy Quân sự tỉnh phối hợp cấp ủy địa phương báo cáo Tiểu ban nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI xem xét, cho ý kiến.

* Lưu ý: Đối với những địa phương có Đồn biên phòng thì sau đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp ủy (ban thường vụ cấp ủy cấp huyện phối hợp với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh) xem xét, thực hiện quy trình để báo cáo cấp ủy cấp trên (Ban Thường vụ Tỉnh ủy) chỉ định đồng chí Đồn trưởng Đồn biên phòng tham gia cấp ủy các cấp (cấp huyện, cấp xã; việc chỉ định tăng thêm cấp ủy viên không tính vào số lượng cấp ủy theo quy định) theo tinh thần Kết luận số 68-KL/TW ngày 05/02/2020 của Ban Bí thư và Quy định số 49-QĐ/TW ngày 22/12/2021 của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thời gian hoàn thành 30 ngày kể từ ngày kết thúc đại hội cấp huyện.

Cơ cấu ban thường vụ cấp ủy

Đảm bảo cơ cấu nữ, trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số theo mục tiêu Đề án số 08-ĐA/TU ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Cơ cấu ban thường vụ cấp ủy khóa mới theo hướng phân công ngoài các đồng chí thường trực cấp ủy thì cơ cấu vào các vị trí: 01 phó chủ tịch HĐND; 01 phó chủ tịch UBND; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và trưởng các ban đảng: Tổ chức, Tuyên giáo, Dân vận (Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc); chỉ huy trưởng quân sự; trưởng công an; người đứng đầu cấp ủy một số địa bàn, lĩnh vực quan trọng cần tập trung sự lãnh đạo của cấp ủy.

Cơ cấu, số lượng cấp ủy viên cấp huyện nhiệm kỳ 2025 - 2030 tại Quảng Ngãi- Ảnh 1.

 

2. Về số lượng cấp ủy:

Số lượng cấp ủy viên: Cơ bản thực hiện như nhiệm kỳ 2015-2020, cụ thể:

- Đảng bộ Thành phố Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn: không quá 43 cấp ủy viên.

- Đảng bộ các huyện: Tư Nghĩa, Mộ Đức, Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà và thị xã Đức Phổ không quá 41 cấp ủy viên.

- Đảng bộ các huyện: Sơn Tịnh, Nghĩa Hành không quá 39 cấp ủy viên.

- Đảng bộ các huyện: Minh Long, Sơn Tây không quá 37 cấp ủy viên.

- Đảng bộ huyện Lý Sơn không quá 35 cấp ủy viên.

- Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh: không quá 37 cấp ủy viên.

- Đảng bộ Công an tỉnh, Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh: không quá 23 cấp ủy viên (số lượng cụ thể theo Hướng dẫn của Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương).

3. Số lượng ủy viên ban thường vụ cấp ủy:

- Thành ủy Quảng Ngãi, Thị ủy Đức Phổ và Huyện ủy Bình Sơn không quá 13 đồng chí; các địa phương còn lại không quá 11 đồng chí.

- Huyện ủy Lý Sơn: không quá 09 ủy viên ban thường vụ (định hướng cơ cấu: Bí thư, các Phó bí thư, Trưởng ban Tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Trưởng Công an huyện, Chỉ huy trưởng Quân sự huyện và giao Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, cân nhắc giữa Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặ trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Phó chủ tịch HĐND huyện, phó chủ tịch UBND huyện để chọn 02 đồng chí cho phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của địa phương).

- Đảng ủy Công an tỉnh, Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh không quá 07 đồng chí (số lượng cụ thể theo Hướng dẫn của Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương).

- Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh: 09 đồng chí (định hướng cơ cấu: tại cơ quan Thường trực Đảng ủy Khối 06 đồng chí (bí thư, các phó bí thư, trưởng các ban) và 03 đồng chí cơ cấu các ngành, lĩnh vực quan trọng cần tập trung sự lãnh đạo của cấp ủy, gồm: Đại diện khối Đảng, đoàn thể; đại diện khối Chính quyền và đại diện khối Doanh nghiệp).

4. Về cơ cấu, số lượng bí thư, phó bí thư cấp ủy gắn với chức danh lãnh đạo khối chính quyền nhiệm kỳ 2026 - 2031

- Thực hiện chủ trương bố trí 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời kiêm nhiệm chức danh chủ tịch HĐND (trừ trường hợp đặc biệt có lý do chính đáng, hợp lý mới cơ cấu đồng chí phó bí thư thường trực đồng thời kiêm nhiệm chủ tịch HĐND cấp huyện). Việc thực hiện bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện phải được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý.

- Số lượng phó bí thư huyện ủy, thị ủy, thành ủy và Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh là 02 đồng chí; trong đó, đối với cấp ủy cấp huyện cơ cấu 01 phó bí thư thường trực và 01 phó bí thư là chủ tịch ủy ban nhân dân, đối với Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh: 01 phó bí thư thường trực, 01 phó bí thư phụ trách tổ chức cơ sở đảng.

- Đối với số lượng phó bí thư cấp ủy của các tổ chức đảng trong khối lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo Quy định số 192-QĐ/TW ngày 18/5/2019 của Bộ Chính trị; Quy định số 49-QĐ/TW ngày 22/12/2021 của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

ĐỐI VỚI CHI, ĐẢNG BỘ CƠ SỞ

I. Những nội dung chung

Căn cứ nội dung  hướng dẫn nêu trên; ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương cụ thể hóa, hướng dẫn cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị nhưng không vượt quá số lượng được xác định như nhiệm kỳ 2020 - 2025 và không trái với quy định tại Chỉ thị số 35- CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị. Trong đó, cần phân công rõ trách nhiệm của cơ quan thẩm định văn kiện, thẩm định tiêu chuẩn chính trị; thẩm định phương án, đề án nhân sự trình đại hội.

* Một số nội dung cần lưu ý:

- Đối với những đảng bộ xã, phường, thị trấn thực hiện hợp nhất, sáp nhập thì số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư, ủy viên ủy ban kiểm tra cấp ủy tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập có thể nhiều hơn so với quy định nhưng tối đa không quá số lượng hiện có (trừ các đồng chí đến tuổi nghỉ hưu, nghỉ công tác hoặc chuyển công tác khác); tuy nhiên, đối với những đảng bộ có khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ thì chậm nhất sau 05 năm kể từ ngày thành lập tổ chức đảng mới phải thực hiện số lượng theo quy định.

- Thực hiện nhất quán chủ trương theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 01/06/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: cán bộ người đứng đầu cấp xã (bao gồm chức danh bí thư cấp xã và chủ tịch UBND cấp xã) không giữ chức vụ quá 02 nhiệm kỳ (bao gồm thời gian giữ chức vụ cả 02 chức danh cộng lại) trong cùng 01 địa phương; bố trí chức danh bí thư cấp ủy không phải là người địa phương; khuyến khích bố trí chức danh chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương ở những nơi có điều kiện.

- Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND (trừ trường hợp đặc biệt có lý do chính đáng, hợp lý mới cơ cấu đồng chí phó bí thư trực đảng đồng thời kiêm nhiệm Chủ tịch HĐND). Việc thực hiện bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã phải được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý.

- Phân công công tác mới hoặc giới thiệu ứng cử ở địa phương, đơn vị khác đối với các đồng chí bí thư cấp xã, chủ tịch UBND cấp xã đã giữ chức vụ quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp (từ 08 năm trở lên) tại một địa phương, đơn vị nếu còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy khóa mới theo quy định.

- Đảng bộ các xã, phường, thị trấn thực hiện đảm bảo quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn tại Quyết định số 08/2024/QĐ-UBND ngày 08/3/2024 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

- Đối với nhân sự tham gia cấp ủy, bí thư, phó bí thư cấp cơ sở ở khu vực doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp nhà nước), Hợp Tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các hội tự chủ về tài chính thì không buộc yêu cầu có trình độ trung cấp lý luận chính trị khi làm công tác nhân sự giới thiệu bầu cử, nhưng sau khi trúng cử thì động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho các đồng chí đó được đào tạo về lý luận chính trị.

II. Công tác chuẩn bị nhân sự

1. Về cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư gắn với chức danh lãnh đạo khối chính quyền nhiệm kỳ 2026 - 2031

Ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương căn cứ đặc điểm, tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị cụ thể hóa, hướng dẫn cho phù hợp nhưng không vượt quá số lượng được xác định như nhiệm kỳ 2020 - 2025; trong đó, lưu ý tỷ lệ nữ, tỷ lệ trẻ (dưới 40 tuổi); cơ cấu cấp ủy gồm cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ hoạt động không chuyên trách.

Ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định cơ cấu cho phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ, định hướng bố trí ban thường vụ cấp xã, như sau: ban thường vụ có 04 đồng chí thì cơ cấu bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND, phó bí thư trực đảng kiêm chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, phó bí thư, chủ tịch UBND và chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc; ban thường vụ có 05 đồng chí thì ngoài cơ cấu trên, giao ban thường vụ cấp huyện xem xét, cân nhắc nhiều mặt theo yêu cầu nhiệm vụ và uy tín cán bộ để cơ cấu trưởng công an hoặc chỉ huy trưởng quân sự tham gia ban thường vụ.

2. Cơ cấu, số lượng ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở

2.1. Đối với ủy ban kiểm tra đảng ủy xã, phường, thị trấn

Số lượng từ 3 đến 5 ủy viên (do đảng ủy cơ sở quyết định), trong đó phó bí thư đảng ủy làm chủ nhiệm. Các ủy viên khác có thể là cấp ủy viên hoặc đảng viên phụ trách công tác đoàn thể, bí thư chi bộ, thanh tra nhân dân[4].

2.2. Đối với ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh

Số lượng từ 3 đến 5 ủy viên (do đảng ủy cơ sở quyết định), trong đó phó bí thư đảng ủy làm chủ nhiệm. Các ủy viên khác có thể là cấp ủy viên hoặc đảng viên phụ trách công tác đoàn thể, bí thư chi bộ, thanh tra nhân dân[5].

2.3. Đối với ủy ban kiểm tra đảng ủy công an cấp huyện và ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Công an tỉnh[6]:

2.3.1. Ủy ban kiểm tra của đảng ủy các đảng bộ có từ 300 đảng viên trở lên

- Số lượng: Từ 3 đến 5 ủy viên (do đảng ủy cùng cấp quyết định), trong đó có từ 1 đến 2 ủy viên chuyên trách (có một phó chủ nhiệm) và từ 2 đến 3 ủy viên kiêm chức; có từ 1 đến 2 cấp ủy viên cùng cấp.

- Các ủy viên kiêm chức gồm: Chủ nhiệm là phó bí thư đảng ủy, phó thủ trưởng đơn vị cùng cấp; các ủy viên khác là lãnh đạo, chỉ huy các ban, đội, tổ phụ trách công tác tổ chức cán bộ, thanh tra hoặc đơn vị nghiệp vụ cùng cấp.

2.3.2. Ủy ban kiểm tra của đảng ủy các đảng bộ có dưới 300 đảng viên

- Số lượng: Từ 03 đến 05 ủy viên kiêm chức (do đảng ủy cùng cấp quyết định); có từ 01 đến 02 cấp ủy viên cùng cấp, gồm: Chủ nhiệm là phó bí thư đảng ủy, phó thủ trưởng đơn vị; phó chủ nhiệm, ủy viên là lãnh đạo cấp trưởng phụ trách tổ chức cán bộ và đơn vị nghiệp vụ cùng cấp.

Đối với các đảng bộ có số lượng đảng viên từ 250 đến dưới 300 đảng viên chính thức thì căn cứ yêu cầu công tác và tình hình cụ thể của đảng bộ, có thể bố trí 01 ủy viên chuyên trách làm phó chủ nhiệm.

2.4. Đối với ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở thuộc đảng bộ Quân đội[7]

2.4.1. Ủy ban kiểm tra của đảng ủy các đảng bộ cơ sở có từ 300 đảng viên trở lên

- Số lượng: Từ 03 đến 05 ủy viên (do đảng ủy cùng cấp quyết định), trong đó có 1 ủy viên chuyên trách và từ 02 đến 04 ủy viên kiêm chức; có từ 02 đến 03 cấp ủy viên cùng cấp, trong đó có 01 cấp ủy viên làm phó chủ nhiệm thường trực.

- Các ủy viên kiêm chức gồm: Chủ nhiệm là đồng chí ủy viên ban thường vụ đảng ủy; các ủy viên khác là lãnh đạo cơ quan tổ chức, cán bộ, cơ quan tham mưu cùng cấp.

2.4.2. Ủy ban kiểm tra của đảng ủy các đảng bộ cơ sở còn lại

- Số lượng: Từ 03 đến 05 ủy viên kiêm chức (do đảng ủy cùng cấp quyết định); có từ 1 đến 2 cấp ủy viên cùng cấp.

- Chủ nhiệm là ủy viên ban thường vụ đảng ủy hoặc do bí thư, phó bí thư cấp ủy đảm nhiệm (đối với những nơi không có ban thường vụ đảng ủy); các ủy viên khác là lãnh đạo cơ quan (bộ phận) tổ chức, cán bộ, cơ quan tham mưu cùng cấp.