Ngoài dụng cụ học tập truyền thống, các tiết học của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường (Lai Châu) được thầy, cô trình chiếu trên màn hình tivi với những video, hình ảnh, âm thanh sinh động. Vì thế, bài giảng đã tạo sự cuốn hút, hứng thú đối với các em.
Em Mạch Nguyễn Trâm Anh, học sinh Trường Tiểu học thị trấn Tam Đường, chia sẻ: “Được tiếp cận bài giảng thông qua các video, hình ảnh sinh động mà thầy cô trình chiếu đã giúp chúng em dễ hiểu bài hơn, tạo không khí vui tươi, hăng say trong học tập”.
Xác định ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ hàng đầu, năm học 2022 - 2023, Phòng GD&ĐT huyện Tam Đường đã cấp 110 máy tính, 19 tivi cho các trường. Đồng thời, cấp 53 bộ thiết bị dạy học tối thiểu dành cho lớp 3, 13 bộ dành cho lớp 7.
Đến nay, các phòng máy tính phục vụ dạy và học ở Tam Đường đều được nối mạng Internet cáp quang tốc độ cao. 100% lớp dạy học theo Chương trình GDPT năm 2018 được trang bị tivi thông minh, màn hình rộng phục vụ công tác dạy và học. 100% đơn vị trường có phòng họp, phòng học trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, dạy và học.
Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT huyện Tam Đường cũng thường xuyên triển khai và tổ chức các cuộc thi trên Internet cho học sinh như: Trạng nguyên tiếng Việt, cuộc thi Olympic tiếng Anh...
Theo ông Nguyễn Minh Chiều, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tam Đường đến nay, 100% trường và phòng đã sử dụng phần mềm quản lý trường học, để số hóa các tài liệu. Bên cạnh đó, sử dụng phần mềm quản lý văn bản, nhờ đó, toàn bộ văn bản của phòng được số hóa và chỉ đạo thông suốt đến các đơn vị.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Chiều, đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của các nhà trường. Công tác quản lý được chặt chẽ, nhanh gọn và lưu trữ tốt; học sinh hứng thú và chủ động hơn với mỗi bài học, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới của chương trình mới, từng bước nâng cao chất lượng.
Hiện, tất cả đơn vị trường học từ vùng thuận lợi đến vùng sâu, xa trên địa bàn tỉnh Lai Châu, thầy, cô giáo và học sinh không còn xa lạ với cụm từ “chuyển đổi số”.
Phòng GD&ĐT các địa phương đã chủ động xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số cùng với quá trình đổi mới giáo dục. Cùng đó, đầu tư, trang bị hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng như máy tính, phòng học có máy chiếu; phần mềm quản lý nhà trường, quản lý việc dạy và học, thi…
Cô Hoàng Thị Thu Hà, giáo viên Tin học, Trường THPT thành phố Lai Châu, cho hay: “Tập thể giáo viên nhà trường đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học. Đồng thời, chúng tôi hướng dẫn học sinh sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá, thu hoạch hoặc hướng dẫn các em sử dụng Internet để giải bài tập…”.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ngành GD-ĐT Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1699/KH-UBND về việc triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” tỉnh Lai Châu.
Theo ông Lò Việt Tuyển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, kế hoạch chuyển đổi số của ngành GD-ĐT để cụ thể hóa bằng nhiệm vụ trong hoạt động thực tiễn.
Năm học 2022 - 2023, tỉnh Lai Châu có 341 trường, 5.427 lớp, 150.643 học sinh, 11.307 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Ngành đã thu thập đầy đủ thông tin cơ bản của các đối tượng quản lý, tổ chức dạy học trong toàn ngành.
Đồng thời, số hóa, lưu trữ điện tử 11.2605 học bạ, 11.2605 sổ điểm, 11.2605 sổ liên lạc… Cùng với đó, ngành GD-ĐT Lai Châu từng bước chuẩn hóa các quy trình chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác quản lý, tổ chức dạy học.
Ngành GD-ĐT đã bước đầu ứng dụng công nghệ để thực hiện tự động hóa công tác chuyên môn, nghiệp vụ như: Thanh toán không dùng tiền mặt; thống kê, báo cáo và giải quyết các thủ tục hành chính… cung cấp theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh.
Mặc dù đạt những kết quả bước đầu nhưng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, ngành GD-ĐT Lai Châu vẫn còn những khó khăn, bất cập liên quan đến công cụ, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực.
Chia sẻ thông tin, ông Lò Việt Tuyển đồng thời viện dẫn: Công cụ và cơ sở vật chất hiện có của ngành đa số đã cũ, thiếu thốn chưa đáp ứng tốt xu hướng phát triển nhanh chóng của công nghệ và mục tiêu, yêu cầu chương trình giáo dục.
Bên cạnh đó, để triển khai chuyển đổi số đồng bộ từ cơ sở giáo dục đến cơ quan quản lý các cấp trong điều kiện địa hình rộng, chia cắt và phức tạp của tỉnh cần lượng kinh phí lớn.
Hiện, việc số hóa mới được thực hiện ở những tài liệu cơ bản (văn bản chỉ đạo, sổ điểm, học bạ), chưa được chuẩn hóa về các hồ sơ số hóa và thông tin lưu trữ. Việc lưu trữ tài liệu, học liệu đã số hóa còn rời rạc, chưa tập trung và thống nhất. Quy trình chuyên môn, nghiệp vụ mới chỉ chuẩn hóa ở các đơn vị quản lý, chưa được toàn diện, tinh gọn.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu, ứng dụng công nghệ để thực hiện tự động hóa công tác chuyên môn nghiệp vụ mới chỉ đạt ở mức đơn giản. Còn nhiều công tác chuyên môn thực hiện hằng ngày chưa được tự động hóa như: Điểm danh, chấm công, giao bài tập, tổ chức kiểm tra đánh giá, nhập điểm…
(Theo Báo Giáo dục và Thời đại)