Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Phiên họp thứ 8.
Phiên họp nhằm xem xét, đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Lâm Đồng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; các cơ quan chức năng đã tập trung giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý; kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương cho kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 3 vụ án, vụ việc tại địa phương.
Hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo được tổ chức, thực hiện nền nếp, đúng quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; kịp thời kiện toàn và phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế tại địa phương.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường; xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý hành chính.
Trong 6 tháng đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai 2 đoàn giám sát. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tham mưu cấp ủy tổ chức kiểm tra đối với 49 tổ chức đảng, 181 đảng viên; giám sát chuyên đề đối với 10 tổ chức đảng, 27 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra đã thi hành kỷ luật đối với 2 tổ chức đảng, 5 đảng viên liên quan đến các vụ việc tiêu cực.
Ngành thanh tra đã tiến hành 78 cuộc thanh tra hành chính, ban hành quyết định thu hồi nộp ngân sách Nhà nước với số tiền 6.220,4 triệu đồng.
Tiến hành 214 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 331 tổ chức và 312 cá nhân (đã ban hành quyết định xử phạt hành chính với số tiền 7.149,75 triệu đồng, quyết định thu hồi số tiền 1.474,7 triệu đồng).
Qua thanh tra đã kịp thời phát hiện, xử lý và chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục đối với những tồn tại, hạn chế; đồng thời chuyển sang Cơ quan điều tra làm rõ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, tiêu cực tiếp tục được quan tâm thực hiện. Các cơ quan tố tụng tại địa phương đã thu hồi số tiền 11,069 tỷ đồng/20,233 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 59,4 %).
Các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã thu hồi 58,4 triệu đồng, hiện còn 6 việc có điều kiện thi hành án chưa được thực hiện dứt điểm để thu hồi.
Các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương đã khởi tố mới 8 vụ/8 bị can; ban hành kết luận điều tra 6 vụ/7 bị can; truy tố 9 vụ/11 bị can; giải quyết, xét xử mới 10 vụ/12 bị cáo.
Về tồn tại, hạn chế, tình hình tham nhũng, tiêu cực tại địa phương còn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng; tình trạng làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan chức năng, nhất là qua công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ chưa tốt, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm và chưa đồng bộ.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại trên địa bàn tỉnh có mặt chưa đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và tình hình thực tế tại địa phương.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó là: Nhận thức của một số cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ở một số cơ quan, địa phương, đơn vị về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa có sự chỉ đạo quyết liệt, các giải pháp thực hiện chưa đồng bộ nên hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực chưa cao.
Thành viên Ban Chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong ngành, lĩnh vực, địa phương do mình theo dõi, phụ trách chỉ đạo.
Phát biểu kết luận Phiên họp, đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh ghi nhận, đánh giá những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh 6 tháng đầu năm 2024.
Đồng thời, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh, phát huy hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong 6 tháng cuối năm; trong đó, tập trung những nhiệm vụ sau:
Các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần tập trung đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chuyển trọng tâm từ chống tham nhũng sang phòng, chống tiêu cực; xử lý cho được tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy vai trò và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kịp thời phát hiện, thay thế, xử lý đội ngũ cán bộ có vi phạm, cán bộ làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và có giải pháp thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Các thành viên Ban Chỉ đạo phải gìn giữ, gương mẫu trong rèn luyện đạo đức, lối sống và trong thực thi nhiệm vụ để làm gương; tập trung phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, ngành mình phụ trách.
Đồng chí Bí thư huyện ủy, thành ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ban Chỉ đạo tỉnh.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử.
Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý bảo vệ rừng, trật tự xây dựng, tài nguyên khoáng sản, cải cách hành chính...
Các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, đề xuất đưa các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, các vụ án, vụ việc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh trong Phiên họp lần thứ 09 để tập trung chỉ đạo, xử lý dứt điểm.
Tiếp tục tập trung chỉ đạo xác minh, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, xử lý các vụ việc kinh tế tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, nhất là các vụ việc, vụ án được Ban Chỉ đạo đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Khẩn trương tổ chức thi hành án các vụ việc có điều kiện thi hành án theo quy định; thực hiện các biện pháp để thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực xem xét cho kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 3 vụ án: (1) Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý rừng” xảy ra tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm; (2) Vụ án “Tổ chức đánh bạc” do cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ chuyển giao; (3) Vụ án Lê Thùy Diễm mua bán hóa đơn trái phép, vì 3 vụ việc trên đã được các cơ quan chức năng tại địa phương điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định pháp luật.
Ban Chỉ đạo thống nhất đưa vụ việc liên quan đến các nội dung sai phạm tại công trình xây dựng Tòa nhà Câu lạc bộ sân golf Đồi Cù, phường 1, thành phố Đà Lạt vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết theo quy định.
Đối với Dự thảo Quy định về tiêu chí và trình tự, thủ tục đưa các vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo và kết thúc theo dõi, chỉ đạo: Giao cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo tại cuộc họp để tiếp tục hoàn chỉnh, tham mưu Ban Chỉ đạo ban hành./.