In bài viết

Chứng khoán diễn biến bất thường, Bộ Tài chính nói gì?

10:17 - 30/10/2022

(Chinhphu.vn) - Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, báo chí nêu câu hỏi: Thị trường chứng khoán gần đây có nhiều diễn biến bất thường, giá trị vốn hóa bị bốc hơi trong khi nền kinh tế vĩ mô ổn định, GDP thì tăng trưởng. Vậy đâu là nguyên nhân và Bộ Tài chính đã có giải pháp gì để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, củng cố niềm tin của nhà đầu tư?

Chứng khoán diễn biến bất thường, giá trị vốn hóa bị bốc hơi, Bộ Tài chính nói gì? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Giữ cho thị trường chứng khoán vận hành ổn định, an toàn trong mọi tình huống. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thị trường chứng khoán điều chỉnh là do nhiều nguyên nhân

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu rõi: Hiện nay chúng ta thấy các cân đối vĩ mô của nền kinh tế chúng ta đang tiếp tục được ổn định và đó là cơ sở để cho nền kinh tế, các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh ổn định và phát triển, tăng trưởng. Đây cũng là cơ sở quan trọng nhất để chúng ta ổn định thị trường chứng khoán.

Nhưng thực tế diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua có hiện tượng điều chỉnh giảm và có những phiên giảm sâu. Tất nhiên cũng có những phiên tăng điểm. Hiện nay đang dao động ở mức 1.000 điểm VN-Index.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, nguyên nhân thị trường chứng khoán có những điều chỉnh như thời gian vừa qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả từ tình hình quốc tế và tình hình trong nước.

Trước hết về tình hình quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, kinh tế ở những khu vực lớn như Mỹ, EU và các khu vực thay đổi rất mạnh mẽ sau khi kiểm soát được đại dịch COVID-19. Lạm phát ở những nền kinh tế này ở mức rất cao.

Từ đó thì các chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa của những nền kinh tế này có sự thay đổi rất mạnh mẽ và tác động đến kinh tế của các khu vực này.

Tăng trưởng ở mức có thể nói rất thấp và các tổ chức tài chính quốc tế dự báo các mức tăng trưởng đều hạ dự báo tăng trưởng của các thành phần kinh tế này năm 2022 so với những dự kiến từ nhiều năm.

"Đây cũng là một nguyên nhân tác động đến thị trường chứng khoán của chúng ta", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Thứ hai về tình hình quốc tế là chính trị. Cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể nói cho đến thời điểm này, không ai có thể dự báo lạc quan được về thời điểm kết thúc cuộc xung đột này.

Đây là cuộc xung đột khu vực nhưng nó ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới, đặc biệt là ảnh hưởng đến cung năng lượng và xăng dầu - một mặt hàng chiến lược cho bất kỳ nền kinh tế nào, trong đó có Việt Nam. Cái này tác động từ sản xuất đến kinh doanh và đến giá cả, đến lạm phát… và cũng tác động đến thị trường chứng khoán của chúng ta.

Một điểm nữa về tình hình thế giới là thị trường chứng khoán khu vực và thế giới cũng có sự biến động rất mạnh. Mỹ, châu Âu, thị trường Nhật Bản rồi thị trường khu vực cũng có những điều chỉnh rất mạnh, giảm rất sâu, cũng tác động và liên thông đến thị trường chứng khoán của chúng ta.

Đối với trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, các điều chỉnh trong chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ cũng tác động đến thị trường chứng khoán - từ việc tăng lãi suất hay quản lý chặt chẽ room tín dụng ảnh hưởng đến dòng tiền và dòng tiền vào chứng khoán giảm đi qua thời gian từ đầu năm đến nay.

Tiền lại được hướng đến các tổ chức tín dụng thông qua ngân hàng với lãi suất điều chỉnh tăng cũng như tiền được đưa vào sản xuất kinh doanh sau khi chúng ta hồi phục kinh tế, hồi phục chuỗi cung ứng. Sau đại dịch COVID-19, dòng tiền vào thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng giảm bớt.

"Đấy là những nguyên nhân trong và ngoài dẫn đến thị trường chứng khoán có những điều chỉnh.

Chúng tôi vẫn tin tưởng vào sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam trên cơ sở cái gốc là ổn định thị trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam chúng ta hiện vẫn đang được kiểm soát tốt.

Đó là nền tảng tốt để ổn định hoạt động kinh doanh, kinh tế nói chung và ổn định thị trường chứng khoán nói riêng", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.

Chứng khoán diễn biến bất thường, giá trị vốn hóa bị bốc hơi, Bộ Tài chính nói gì? - Ảnh 2.

Giữ cho thị trường chứng khoán vận hành ổn định, an toàn trong mọi tình huống

Về giải pháp, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu rõ: Trước mắt, cần tiếp tục giữ cho thị trường chứng khoán vận hành ổn định và an toàn, đảm bảo trong mọi tình huống.

Thứ hai, tăng cường minh bạch thị trường thông qua việc yêu cầu các công ty tham gia thị trường thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công bố thông tin, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không trình bày nhiều, vi phạm là xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính sẽ tập trung nguồn lực, tổ chức nhiều đoàn thanh tra giám sát thị trường chứng khoán, giám sát các công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư trong giao dịch để kịp thời phát hiện các vi phạm trên thị trường, từ công bố thông tin, giao dịch, tất cả các quy định.

Tinh thần là "Tất cả các vi phạm đều bị xử lý ngay và công bố, công khai luôn. Phải kiên quyết như vậy thì chúng ta mới đảm bảo được tính minh bạch của thị trường", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Tăng cường thông tin chính thống chính xác, kịp thời; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin đồn thất thiệt

Một điểm nữa là Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường thông tin chính thống ra thị trường một cách chính xác và kịp thời tất cả những giải pháp, những chính sách, quy định pháp luật.

Tất cả những gì chính thống của cơ quan quản lý nhà nước sẽ được đưa ra thị trường một cách chính xác và kịp thời để đảm bảo thông tin xấu độc không gây ảnh hưởng tới thị trường.

Điều quan trọng là giám sát được các tin đồn thất thiệt vì thị trường chứng khoán của chúng ta nhạy cảm. Đối với tin đồn thất thiệt rồi tung tin để trục lợi, tất cả trường hợp ấy, Bộ Tài chính kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền như: Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an phối hợp xử lý nghiêm. Thực tế, chúng ta cũng đã xử lý nghiêm rồi. Vừa rồi đã có các trường hợp bị truy tố và chịu án tù.

Bộ Tài chính cũng tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật, trước mắt là Nghị định 155 hướng dẫn Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để có những phương án sửa đổi, bổ sung kịp thời các vướng mắc, bất cập để thị trường có thể tiếp tục phát triển.

Rà soát, điều chỉnh Luật Chứng khoán

Về lâu dài, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát và xem xét điều chỉnh các nội dung bất cập của Luật Chứng khoán. Cần phải rà soát và xem xét những nội dung nào bất cập, nội dung nào cần phải điều chỉnh chung để thị trường chứng khoán thích ứng và đáp ứng được yêu cầu hiện tại và phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán, đảm bảo tăng cường năng lực của công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ…

Một giải pháp rất quan trọng là đào tạo và nâng cao nhận thức, hiểu biết rồi năng lực của những khối khác nhau: Từ nhà đầu tư, cơ quan quản lý và lực lượng thanh kiểm tra, giám sát thị trường.., cùng nhiều giải pháp khác.

Trả lời thêm về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh: "Nói về chứng khoán, thị trường chứng khoán, tóm lại có nhiều giải pháp và chúng ta hoàn toàn yên tâm. Đầu tiên là rà soát và bổ sung ngay các quy định về kinh doanh chứng khoán. Rồi đảm bảo ổn định, an toàn, minh bạch thị trường và đặc biệt là nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư"./.