Theo báo CAND, vào tối 18/9, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng CSGT Hà Nội) thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo kế hoạch tại khu vực nút giao đường Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), trong đó tập trung kiểm soát về vi phạm nồng độ cồn.
Đến khoảng 21h45, tổ công tác dừng ô tô nhãn hiệu Mazda BKS 30H-318.XX do ông Lê Hải Q. điều khiển để kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi cán bộ của tổ công tác thông báo yêu cầu, nam tài xế bất ngờ xuống xe và không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.
Thái độ bất hợp tác của nam tài xế diễn ra suốt gần 1 giờ đồng hồ cùng với đó là hành động liên tục gọi điện thoại “tìm cứu viện” và đòi tổ công tác nghe điện thoại. Tuy nhiên, yêu cầu này của tài xế đã bị từ chối, đồng thời cán bộ Cảnh sát giao thông sau đó đã lập biên bản vi phạm hành chính lỗi "Không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn".
Điều đáng nói, quá trình lập biên bản, tài xế cũng không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến người lái và phương tiện bao gồm: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, sổ đăng kiểm phương tiện và bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc.
Với các lỗi trên, mức xử phạt đối với tài xế Q. có thể tới 56,5 triệu đồng và bị tạm giữ phương tiện trong 7 ngày.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ban hành công văn yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị thành phố chấp hành nghiêm quy định về đảm bảo an toàn giao thông, nhất là về nồng độ cồn. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Do đó, là Chủ tịch UBND phường ở Hà Nội nhưng ông Lê Hải Q không chấp hành quy định, lại còn chây ỳ, bất hợp tác khi Cảnh sát giao thông kiểm tra, hành vi này gây dư luận xấu, cần phải xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Theo Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trong thời gian từ ngày 31/8-15/9, các tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông đã triển khai làm nhiệm vụ ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa...
Qua đó phát hiện, xử lý nhiều “ma men” với 88 tài xế vi phạm là công chức, viên chức, bộ đội, công an, nhà báo đang công tác hoặc đã nghỉ hưu. Cá biệt có trường hợp khai nhận là Bí thư, Chủ tịch huyện.
Trong quá trình triển khai, các tổ công tác đã thể hiện đúng tinh thần, phương châm "không có ngoại lệ, không có vùng cấm".
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các tổ công tác liên ngành, Cục Cảnh sát giao thông khẳng định kế hoạch tổng kiểm tra sẽ tiếp tục diễn ra đến ngày 15/10./.