In bài viết

Chính phủ: Đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng dành cho nhà ở xã hội

13:30 - 06/06/2024

(Chinhphu.vn) - Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội.

Chính phủ: Đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng dành cho nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2024.

Phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 đạt khoảng 15%

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương bám sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới và trong nước để thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. 

Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án và phản ứng chính sách kịp thời hơn, hiệu quả hơn với biến động của thị trường ngoại hối trong và ngoài nước.

Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng. 

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 đạt khoảng 15%.

Chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1 - 2%; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng, có chế tài xử lý nghiêm đối với các tổ chức tín dụng không thực hiện.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội; khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, trong đó tập trung vào các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương... Triển khai hiệu quả gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản, trong đó phát huy hơn nữa vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tại các Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị và các văn bản có liên quan, khắc phục ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2023/TT-NHNN

Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 theo thẩm quyền để kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến 31/12/2024. 

Sớm hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu theo quy định, hạn chế nợ xấu phát sinh.