In bài viết

Cần báo cáo rõ hơn hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị

12:08 - 09/09/2022

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị cần có báo cáo rõ hơn về hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Băn khoăn về tính hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan, đơn vị

Cho ý kiến về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị xem xét các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân tại các cơ quan, đơn vị. Ví dụ như Khoản 3, Điều 60 có nêu nếu trong nhiệm kỳ quyết thành viên hoặc thành viên Ban thanh tra nhân dân không hoàn thành nhiệm vụ, không được tín nhiệm thì Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị đề nghị Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; Hội nghị dân chủ người lao động cho thôi nhiệm vụ hoặc bầu thay thế khác. 

Tuy nhiên, các điều khoản liên quan trước thì lại không làm rõ điều này và Điều 61, 62, 63 về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Điều 61, 62 không hợp lý với Điều 63 về các quyền và nghĩa nghĩa vụ liên quan giữa các bên có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Từ các nội dung liên quan, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, với chức năng hiện tại của Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan, đơn vị đã không thực hiện hết nhiệm vụ của mình và bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân ở những nơi này. 

Ngoài ra, dự án Luật hiện nay lại bổ sung thêm chức năng kiểm tra, liệu có trùng với chức năng kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra công đoàn và của kiểm tra các quỹ hay không thì Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra nên cân nhắc, nghiên cứu lại để đúng, phù hợp với vị thế của Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan, đơn vị và để có thể phát huy được hiệu quả, tránh tính hình thức.

Để đánh giá rõ hơn về hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân tại các cơ quan, đơn vị thì các cơ quan chức năng có liên quan nên bổ sung làm rõ hơn việc duy trì hay không duy trì Ban thanh tra nhân dân tại các đơn vị này. 

Theo đó, Ban thẩm tra nên đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động cũng như phối hợp với lại cơ quan thẩm soạn thảo dự thảo Luật này có báo cáo rõ hơn về hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị để các đại biểu Quốc hội có thông tin khi xem xét và quyết định có nên duy trì hoặc là hình thức nào để tổ chức hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan, đơn vị.