Thuyết trình là điều các tân sinh viên nên học làm quen trong suốt quá trình học tập ở giảng đường đại học. Các trường thường áp dụng thuyết trình giúp giảng viên kiểm tra lại những kiến thức mà sinh viên tự học, tự chuẩn bị và mức độ hiểu bài.
Có kỹ năng thuyết trình sẽ giúp sinh viên tự tin vượt qua các môn khó nhằn. Một sinh viên có kỹ năng thuyết trình tốt có thể dễ dàng trình bày được các ý tưởng của bản thân và thuyết phục người khác tin tưởng. Việc truyền đạt ý tưởng và thông điệp một cách rõ ràng và dễ hiểu hỗ trợ sinh viên gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn bè, giảng viên.
Không chỉ trong môi trường đại học, kỹ năng thuyết trình còn quan trọng cho công việc sau này. Kỹ năng có thể giúp sinh viên có thể tự tin vào năng lực giao tiếp, tạo ấn tượng tốt với các nhà tuyển dụng, mang lại lợi thế cạnh tranh về cơ hội việc làm tốt hơn.
Đúng với câu nói "Lo sợ là do chưa chuẩn bị kỹ lưỡng", sự lo lắng chỉ phản ánh những thứ chuẩn bị chưa đủ và làm bản thân sinh viên thực sự chưa có sự tự tin vào kiến thức bản thân.
Việc đầu tiên để có thể hoàn thành tốt phần thuyết trình đó là tìm hiểu chủ đề và có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Thường những chủ đề thuyết trình trên đại học sẽ có trong giáo trình giảng dạy của từng môn học, sinh viên có thể sử dụng giáo trình hoặc các tài liệu trên cổng thư viện số của trường.
Ngoài ra, sinh viên cũng có thể đọc sách, tài liệu liên quan đến chủ đề thuyết trình để tìm thêm các thông tin hữu ích. Hơn nữa, với sự phát triển của internet, có thể sử dụng các công cụ tìm kiếm trực tuyến uy tín như Google Scholar, Wikipedia, các website chuyên ngành,... tra cứu để giảm thiểu các thông tin sai lệch.
Lưu ý, những thông tin thu thập được cần được kiểm tra độ chính xác và tin cậy. Đồng thời, giữ bản quyền và trích dẫn nguồn thông tin để tránh vi phạm chính sách. Nếu như làm việc nhóm, chia nhân sự để đảm nhận các phần nhỏ, số lượng công việc cũng được giảm bớt.
Sau khi đã nghiên cứu tài liệu, sinh viên tiến hành xây dựng thành một dàn ý hoàn chỉnh cho bài thuyết trình. Việc này sẽ giúp hệ thống được những gì sẽ trình bày, không bị lan man, dài dòng.
Ngoài ra, cần chuẩn bị các công cụ hỗ trợ trong lúc trình bày như Slide trình chiếu, biểu đồ, hình ảnh, video, hoạt động tương tác... Các công cụ giúp sinh viên dễ dàng hơn trong việc truyền đạt thông tin, người nghe cũng có thể nắm rõ hơn về chủ đề nhắc tới.
Phần quan trọng là sinh viên trình bày ý tưởng và nội dung mà mình đã chuẩn bị từ trước. Tất nhiên, tân sinh viên chưa quen với hình thức này, vì thế hãy luyện tập nói trước khi trình bày trên lớp. Việc tập nhiều lần như vậy sẽ giúp sinh viên có thể quen với các nội dung trình bày, có thể kiểm soát ngôn ngữ và lưu loát hơn so với việc không có tập luyện gì trước đó.
Hãy đến lớp sớm hơn bình thường để chuẩn bị lắp đặt và chuẩn bị máy móc trước giờ học. Làm quen với không gian lớp học cũng là một cách rất hiệu quả để giảm căng thẳng, lo lắng.
Trong quá trình thực hiện bài thuyết trình của mình, có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể để làm sinh động hơn các truyền tải nội dung của bản thân. Để kết nối người nghe với đề tài, sinh viên nên mỉm cười, giao tiếp bằng mắt và có nhiều hoạt động tương tác với các bạn và giảng viên.
Mở đầu, kết thúc ấn tượng và sự logic, liên kết các phần trong bài sẽ là một điểm cộng khi trình bày trước giảng viên. Về giọng nói, hãy thử điều chỉnh tốc độ nói và tập nhấn nhá vào những điểm quan trọng mà người nghe cần ghi nhớ.
Trang phục cũng rất quan trọng để lấy được thiện cảm của người nghe. Vì thế, nên ăn mặc chỉnh chu, gọn gàng và lịch sự nhất có thể. Ngoài ra, sinh viên nên tránh một số trường hợp như: lạm dụng slide quá nhiều, đọc tài liệu quá nhiều, đứng yên một chỗ, khoanh tay, chắp hai tay sau lưng hoặc để tay trong túi,...
Không phải ai cũng thuyết trình giỏi ngay từ đầu, sẽ có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ và chưa hoàn thành bài thuyết trình một cách tốt nhất, nhưng dần dần sau nhiều lần luyện tập, sẽ có sự tiến bộ và nâng cao kỹ năng thuyết trình của bản thân.