In bài viết

Các lưu ý quan trọng để làm tốt bài thi Địa lý tốt nghiệp THPT 2023

11:53 - 20/06/2023

(Chinhphu.vn) - Khi làm bài thi môn Địa lý, thí sinh lưu ý đọc kỹ một lượt các câu hỏi, cảm thấy câu nào dễ thì làm trước, đặc biệt các câu hỏi về Atlat và biểu đồ, việc này cũng tạo tâm lí tốt cho thí sinh khi làm các câu khó hơn.

Nắm vững cấu trúc đề thi

Trước tiên, thí sinh cần nắm vững cấu trúc đề thi. Thông thường, môn Địa lý trong bài thi Khoa học xã hội, nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; bảo đảm ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.

Phân tích đề thi tham khảo nhiều năm gần đây, cho thấy, nội dung đề thi nằm trong chương trình Địa lý lớp 11 và lớp 12. Tỉ lệ câu hỏi lớp 11 là 10%, gồm 2 câu lí thuyết và 2 câu thực hành. Tỉ lệ câu hỏi lớp 12 chiếm 90% gồm 23 câu lí thuyết và 13 câu thực hành. Từ việc nắm vững cấu trúc này, học sinh sẽ có cho mình định hướng tốt nhất để phân bổ lượng kiến thức ôn tập hợp lí cho từng chủ đề.

Các lưu ý quan trọng để làm tốt bài thi Địa lý tốt nghiệp THPT 2023   - Ảnh 1.

Không để mất điểm các câu hỏi dễ

Lưu ý cực kỳ quan trọng là thí sinh tuyệt đối không để mất điểm ở các câu hỏi dễ. Các câu hỏi dễ thường là những kiến thức cơ bản và rất quen thuộc với các vấn đề tự nhiên, kinh tế, xã hội.

Để chắc chắn có điểm phần này, học sinh cần ôn tập kỹ những kiến thức cơ bản; đồng thời chú ý quan tâm đến quy luật tự nhiên, kinh tế, xã hội hiển nhiên hoặc mang tính thời sự hiện nay.

Không từ bỏ ở những câu khó

Khi làm bài trắc nghiệm, thí sinh cần đọc kỹ câu hỏi và gạch từ chìa khóa; đặc biệt là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Từ đó, có thể loại bỏ dần các phương án gây nhiễu để chọn cho mình đáp án đúng nhất, bao quát nhất.

Tuyệt đối không được bỏ trống bất kì câu hỏi nào, bởi trong bài thi trắc nghiệm phần nào vẫn sẽ có những yếu tố may mắn.

Trang bị cho mình kỹ năng sử dụng atlat để đạt điểm tối đa

Atlat Địa lý là tài liệu quan trọng được sử dụng trong phòng thi. Theo ma trận đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, nội dung kỹ năng atlat được phân bố tới 3,75 điểm. Do đó, các thí sinh nên trang bị cho mình kỹ năng sử dụng atlat chắc chắn để đạt trọn vẹn điểm nội dung này. 

Học sinh cần nắm vững các phương pháp sử dụng Atlat như: Biểu hiện các đối tượng địa lý, các kí hiệu trên Atlat, mối quan hệ giữa các đối tượng trên Atlat; nắm vững các từ chìa khóa xác định biểu đồ…

Khi vào phòng thi, làm bài, cần xác định đúng tên bản đồ mà đề bài cho từ đó tìm đến trang bản đồ ở phần mục lục cuối cuốn Atlat.

Tiếp đó, xác định đối tượng cần tìm và học sinh chú thích ở trang atlat hoặc trang đầu tiên để xác định đúng các ký hiệu về đối tượng.

Cuối cùng, lựa chọn đáp án đúng theo yêu cầu của đề bài

Đặt mục tiêu mỗi ngày luyện một đề, hoặc hai ngày luyện một đề và kỷ luật duy trì cho đến khi thi

Dù nắm chắc kiến thức hay chưa, lời khuyên là các sĩ tử vẫn cần duy trì quá trình luyện tập thường xuyên không gián đoạn.

Việc thường xuyên luyện tập có thể giúp học sinh giữ vững được những kiến thức đã có, bồi dưỡng thêm những kiến thức chưa chắc chắn và trau dồi về các dạng câu hỏi ở các mảng kiến thức khác nhau.

Các lưu ý quan trọng để làm tốt bài thi Địa lý tốt nghiệp THPT 2023   - Ảnh 2.

Ôn tập qua ứng dụng Ôn luyện

Bên cạnh việc luyện các đề trên lớp, học sinh có thể luyện đề thông qua các ứng dụng công nghệ giáo dục, nổi bật như ứng dụng Ôn luyện.

Qua ứng dụng Ôn luyện, người dùng có thể làm các bộ đề kiểm tra kiến thức theo từng môn, được biên soạn theo chuẩn nội dung thi có sẵn trên ứng dụng. 

Dựa trên câu trả lời/đáp án của học sinh, hệ thống sẽ chấm điểm, đo lường mức độ hiểu bài từng môn,  từ đó “vẽ” lên một “bản đồ năng lực” riêng cho người dùng, chỉ rõ điểm mạnh, kiến thức còn yếu, điểm cần phải luyện tập nhiều hơn.

Giống như một “la bàn”, hệ thống sẽ gợi ý cho người dùng hướng ôn thi đúng đắn nhất, chỉ tập trung vào phần kiến thức trọng tâm thi, kiến thức còn thiếu sót, tránh học lan man, tốn thời gian.