In bài viết

Bước tiến mới trong công tác 'chấm điểm' cán bộ của Hà Nội

15:55 - 29/08/2022

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung 9 nội dung “Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”. Theo đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, đây là bước tiến mới nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ...

Bước tiến mới trong công tác 'chấm điểm' cán bộ - Ảnh 1.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo.

Công tác đánh giá cán bộ của Hà Nội ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả

Ngày 28/10/2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Quyết định số 1841-QĐ/TU về việc ban hành Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội (Quyết định số 1841) thay thế Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16/5/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy. Đồng chí cho biết những kết quả nổi bật sau gần 1 năm thực hiện quy định mới là gì?

Đồng chí Vũ Đức Bảo: Với những điểm đổi mới có tính chất căn bản, nhất là đánh giá cán bộ phải gắn với kế hoạch công tác, sau gần 1 năm đi vào thực hiện, Quyết định số 1841 đã giúp đo lường chính xác, đầy đủ hơn kết quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy áp dụng hệ thống phần mềm đánh giá cán bộ từ ngày 1/1/2022 đến nay, việc đánh giá cán bộ bằng phần mềm ngày càng đi vào nền nếp, vừa giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí, vừa bảo đảm tính liên thông, đồng bộ.

Có thể khẳng định, công tác đánh giá cán bộ của thành phố đang ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm thực chất, tạo động lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Kết quả kiểm soát dịch bệnh năm 2021 cùng với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay phần nào cho thấy tác động tích cực của khâu đánh giá cán bộ.

Cầu thị, lắng nghe các phản hồi của thực tiễn để hoàn thiện quy định, quy trình cho phù hợp

Vậy điều gì đã đưa đến quyết định sửa đổi 9 nội dung trong Quyết định số 1841 vừa qua, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Đức Bảo: Tinh thần và chỉ đạo chung của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội là khi triển khai thực hiện các chủ trương mới phải lắng nghe cầu thị những phản hồi của thực tiễn, từ đó hoàn thiện các quy định, quy trình cho phù hợp.

Vừa qua, dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe báo cáo tình hình và yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Quyết định số 1841 gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời giao Ban Tổ chức Thành ủy tổng hợp, tham mưu báo cáo sửa đổi, bổ sung các nội dung cần thiết.

Thực hiện chỉ đạo trên, Ban Tổ chức Thành ủy đã tổng hợp các kiến nghị từ cơ sở, kết hợp với rà soát, đánh giá để tham mưu, đề xuất 9 nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến Quyết định số 1841. 

Những nội dung sửa đổi, bổ sung đều rất thiết thực, đáp ứng đúng yêu cầu từ thực tiễn nên đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua ngay. 

Ngày 16/8, Quyết định số 3251-QĐ/TU và Quyết định số 3252-QĐ/TU đã được ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1841 và Quy chế về việc quản lý, khai thác và sử dụng phần mềm đánh giá cán bộ hằng tháng.

Tăng cường trách nhiệm tập thể và cá nhân người đứng đầu trong công tác đánh giá cán bộ

Điểm nhấn trong các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Đức Bảo: Nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu là ở Điều 8 về “Thẩm quyền đánh giá” và Điều 10 về “Đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng” Quyết định số 1841.

Đối với Điều 8, các nội dung sửa đổi, bổ sung đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của tập thể Thường trực Thành ủy, UBND thành phố gắn với cá nhân đồng chí đứng đầu là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố trong công tác đánh giá cán bộ hằng tháng.

Đó là, thay vì tập thể Thường trực Thành ủy ủy quyền cho đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, từ nay, đồng chí Bí thư Thành ủy sẽ chủ trì cùng tập thể Thường trực Thành ủy quyết định xếp loại cán bộ theo thẩm quyền. 

Thay vì Chủ tịch UBND thành phố quyết định, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố sẽ chủ trì cùng tập thể lãnh đạo UBND thành phố quyết định xếp loại cán bộ theo thẩm quyền.

Đối với Điều 10, việc sửa đổi, bổ sung lần này đã làm rất chi tiết các nội dung liên quan trong đó có tỷ lệ cá nhân được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” tương ứng với xếp loại của cơ quan, đơn vị.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu đánh giá hình thức

Điều 10 có lẽ là nội dung sửa đổi, bổ sung lớn nhất trong quyết định lần này. Việc sửa đổi phải chăng đã giúp khắc phục những hạn chế tồn tại?

Đồng chí Vũ Đức Bảo: Đúng như vậy, nội dung Điều 10 đã được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục cơ bản những hạn chế tồn tại trong việc thực hiện vừa qua.

Sau khi sửa đổi, bổ sung, Điều 10 có dung lượng lớn hơn, hình thức sáng rõ, khoa học, bảo đảm vừa dễ hiểu, vừa dễ thực hiện.

Thay vì chỉ quy định chung chung và áp cứng là tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá, xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% tổng số cán bộ, công chức, viên chức được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã cho phép tăng lên đến 25% đối với cơ quan, đơn vị và tổ chức, bộ phận trực thuộc cơ quan, đơn vị được đánh giá “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. 

Tỷ lệ các cá nhân “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thấp dần xuống tương ứng với mức độ xếp loại của tập thể.

Việc mở rộng tỷ lệ có ý nghĩa như thế nào và liệu có ảnh hưởng đến quy định chung không, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Đức Bảo: Việc mở rộng lên đến 25% như trên có tác dụng khích lệ, tạo động lực thi đua giữa các cơ quan, đơn vị. Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến quy định chung. Vì tỷ lệ “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của cán bộ, công chức, viên chức trên toàn thành phố vẫn được bảo đảm không quá 20% tổng số cán bộ, công chức, viên chức được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Cơ sở pháp lý mạnh mẽ để phát huy vai trò của người đứng đầu

Như đồng chí đã đề cập, một trong những điểm nhấn của nội dung sửa đổi, bổ sung lần này là gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Cụ thể ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Đức Bảo: Ngoài các nội dung tại Điều 8, nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 10 đã làm rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Đó là: “Kết quả đánh giá, xếp loại của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo phải được xem xét gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị”.

Ngoài ra, quy định còn nêu rõ: “Giao Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ phối hợp, tổng hợp kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hằng tháng báo cáo Thường trực Thành ủy và đề xuất xem xét trách nhiệm của người đứng đầu ở những địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện việc đánh giá hình thức, thiếu nghiêm túc, thiếu tinh thần tự giác, thiếu trách nhiệm, không bảo đảm yêu cầu về chất lượng công việc và không hoàn thành nhiệm vụ”.

Đây có thể nói là một bước tiến về cả tư duy và hành động, là cơ sở pháp lý mạnh mẽ giúp phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu.

Ban Tổ chức Thành ủy có giải pháp gì để các nội dung sửa đổi, bổ sung được thực thi hiệu quả, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Đức Bảo: Thực tế, các quy định sửa đổi, bổ sung chính là đáp ứng nhu cầu từ cơ sở. Các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức rất chờ đợi các quy định này, nên việc triển khai thực hiện sẽ rất thuận lợi.

Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ lấy kết quả thực hiện Quyết định số 1841 và sử dụng phần mềm đánh giá cán bộ hằng tháng là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua đối với các cấp ủy Đảng trực thuộc Thành ủy để báo cáo, tham mưu, đề xuất xếp loại, qua đó tạo khí thế thi đua trong tổ chức thực hiện.

Cảm ơn đồng chí!

Theo Hà Nội mới