Ngày 5/5, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì Hội thảo Đề án tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự hệ chính quy giai đoạn 2023-2030 và Đề án đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tại hội thảo, đại biểu đánh giá, thông qua các hội thảo trước đã đi đến thống nhất cao về bố cục và nội dung của dự thảo các đề án. Tuy nhiên vẫn còn một số chi tiết cần tiếp tục thảo luận, thống nhất trước khi thông qua.
Đối với Đề án tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy giai đoạn 2023-2030, nội dung thảo luận xoay quanh các phương thức tuyển sinh.
Trong đó, đề án xây dựng có 5 phương thức tuyển sinh, gồm: Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển diện học sinh giỏi bậc THPT; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển dựa trên học bạ THPT; xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học trong nước; xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Bộ Quốc phòng tổ chức.
Năm 2023, tuyển sinh theo phương án hiện hành. Đến năm 2024, ngoài hai phương thức tuyển sinh thực hiện như năm 2023, các trường sẽ có thêm hai phương thức xét tuyển dựa vào học bạ THPT và xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học trong nước. Từ năm 2025 đến 2030, các trường Quân đội thực hiện thêm phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Bộ Quốc phòng tổ chức.
Các đại biểu đã đánh giá cụ thể về tác động của từng phương án đối với quá trình tham gia tuyển sinh của thí sinh, kết quả tuyển sinh; đồng thời nhấn mạnh việc cần thiết phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào từng phương án tuyển sinh, đặc biệt là tuyển sinh theo đánh giá năng lực từ năm 2025 trở đi...
Đối với Đề án đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hội thảo tập trung thảo luận xoay quanh thời lượng và việc phân bổ các tiết học.
Theo đó, các đại biểu đã bàn luận và đề xuất một số phương án: Giữ nguyên thời gian tiết học như hiện nay; tính thời gian một tiết học thay đổi cho phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo...
Hội thảo đã đánh giá tác động toàn diện, nêu lên những thuận lợi và khó khăn trong quá trình dạy học về quỹ thời gian, cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ dạy học... đối với từng phương án đề xuất và thực tiễn mà các trường bên ngoài Quân đội đang thực hiện.
Từ đó, nhiều đại biểu cho rằng, nếu có thay đổi về thời gian phân bổ đối với tiết học cần phải có lộ trình và hướng dẫn cụ thể để bảo đảm cân đối phù hợp giữa thời gian lên lớp và kế hoạch huấn luyện, các chế độ trong ngày của bộ đội...
Phát biểu kết luận hội thảo, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh đánh giá cao các ý kiến chất lượng đã bổ sung tính khoa học cao hơn, tính thực tiễn khách quan và phù hợp với chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng cũng như xu thế đào tạo của thế giới.
Đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam yêu cầu các học viện, nhà trường Quân đội tiếp tục hoàn thiện ý kiến đóng góp, sớm gửi về Cục Nhà trường; giao cơ quan chức năng tiếp nhận các ý kiến để bổ sung vào đề án chặt chẽ, khoa học, chất lượng hơn, sớm hoàn thiện, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để trình Quân ủy Trung ương thông qua.