Sáng ngày 28/8/2024, Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 6 thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị quy định rõ chế độ, chính sách của người vừa là thành viên Tổ bảo vệ ANTT, vừa là thành viên Đội dân phòng; chế độ, chính sách của thành viên Đội dân phòng là người tình nguyện tham gia hoạt động PCCC, CNCH. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể việc quan tâm hỗ trợ, bồi dưỡng lực lượng tham gia PCCC tự nguyện.
Chủ nhiệm UBQPAN thông tin, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã phối hợp Cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về chế độ cho người được huy động, tham gia chữa cháy, CNCH tại Điều 47, trong đó đã bao gồm chế độ, chính sách cho cá nhân tham gia hoạt động tình nguyện PCCC, CNCH; còn về chế độ, chính sách của người vừa là thành viên Tổ bảo vệ ANTT, vừa là thành viên Đội dân phòng đã được quy định tại pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, nên không nhất thiết phải quy định lại trong dự thảo luật này.
Về ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường nguồn lực trong công tác PCCC&CNCH, quan tâm hơn nữa về chính sách cho đội ngũ, lực lượng trực tiếp làm công tác PCCC&CNCH; đề nghị quy định Nhà nước bố trí nguồn ngân sách riêng cho việc mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị PCCC hàng năm, Thường trực UBQPAN đã phối hợp Cơ quan soạn thảo chỉnh lý quy định chi cho các nhiệm vụ đầu tư, xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC&CNCH tại Điều 51; bổ sung chế độ, chính sách cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trực tiếp thực hiện các hoạt động chữa cháy, CNCH và giao Chính phủ quy định chi tiết tại Điều 48.