Báo CAND cho biết, ngày 9/10, Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam đã làm việc với Nguyễn Kiên Quyết (SN 1982, trú tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).
Quyết là đối tượng đã có hành vi sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an về việc người dân đồng loạt rút tiền tại các ngân hàng.
Đối tượng này sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an về việc hàng loạt người dân rút tiền tại các ngân hàng, từ đó tác động xấu đến hoạt động của các ngân hàng và tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Qua làm việc, Nguyễn Kiên Quyết đã thừa nhận hành vi tự ý soạn thảo, đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt nói trên.
Hành vi của Nguyễn Kiên Quyết là vi phạm pháp luật, Công an tỉnh Hà Nam đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước tình hình người dân ồ ạt rút tiền tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước khẳng định, lúc này, người gửi tiền nên bình tĩnh vì việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi là tiền lãi của các khoản tiền gửi. Mọi quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được Nhà nước đảm bảo.
Trong cuộc họp báo chiều 8/10, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tăng cường đảm bảo sự an toàn không chỉ của người gửi tiền mà còn của mọi tổ chức tín dụng trong hệ thống.
Cũng liên quan đến sự việc này, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, Bộ có nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo sự vận hành và phát triển ổn định của thị trường chứng khoán cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có liên quan.
Về quy định xử lý hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, Bộ Công an cho biết: Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022), quy định "phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự".
Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân,… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)…
Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp./.