In bài viết

Khởi tố Chủ tịch, Giám đốc 3 trung tâm đăng kiểm, dạy lái xe

21:59 - 23/06/2023

(Chinhphu.vn) - Cơ quan Công an đã bắt tạm giam đối với Ngô Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đăng kiểm Bách Việt; khởi tố Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 11-02D Phạm Đình Hòa; khởi tố, bắt tạm giam Hồ Văn Búp Giám đốc Trung tâm Kỹ năng thực hành cơ giới GTVT, Trường Cao đẳng GTVT Trung ương III.

Bắt Chủ tịch doanh nghiệp đăng kiểm nhận hối lộ - Ảnh 1.

Bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm Kỹ năng thực hành cơ giới Giao thông vận tải

Ngày 23/6, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quá trình mở rộng điều tra vụ án liên quan sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, Cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động sát hạch, đào tạo lái xe xảy ra tại Trung tâm Kỹ năng thực hành cơ giới Giao thông vận tải, Trường Cao đẳng giao thông vận tải Trung ương III.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt tạm giam Hồ Văn Búp (Giám đốc Trung tâm) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Đưa hối lộ”; khởi tố Nguyễn Văn Dương (Phó Giám đốc), Nguyễn Ngọc Thủy (Trưởng ban đào tạo), Ngô Thị Hàn Ly (Kế toán trưởng, Trưởng ban Tài chính nhân sự) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Theo điều tra, để thu hút học viên theo học lái xe, Hồ Văn Búp và Nguyễn Văn Dương đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới là Nguyễn Ngọc Thủy, Ngô Thị Hàn Ly thực hiện chủ trương cắt giảm giờ dạy lý thuyết, giờ dạy thực hành; chi hoa hồng trái quy định cho những người giới thiệu học viên theo học tại Trung tâm với số tiền hơn 7,2 tỷ đồng.

Khởi tố Chủ tịch, Giám đốc 3 trung tâm đăng kiểm, dạy lái xe - Ảnh 2.

Giám đốc Hồ Văn Búp bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Đưa hối lộ”. Ảnh CAND

Nhằm hợp thức hóa hành vi sai phạm trên, đồng thời chiếm đoạt số tiền xăng không thực tế chi do việc cắt giảm giờ dạy thực hành, Búp và đồng phạm đã mua khống 451 tờ hóa đơn với số tiền hơn 13,2 tỷ đồng từ Cây xăng Phương Thiện (Doanh nghiệp Phương Thiện).

Đáng chú ý, trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, Trung tâm có nhiều sai phạm về việc kê khai thuế với số tiền ước tính phải truy thu hơn 40 tỷ đồng. 

Để được bỏ qua các sai phạm trên, Búp đã trực tiếp đưa tiền hối lộ cho Trần Ngọc Nhân, Trần Thị Thanh An (chuyên viên phòng Thanh tra kiểm tra số 3, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh) với số tiền 1 tỷ đồng trong đợt kiểm tra thuế vào cuối năm 2021.

Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố Trần Ngọc Nhân, Trần Thị Thanh An về tội “Nhận hối lộ”, Nguyễn Thị Ngọc Nga, Nguyễn Thị Nghiệp (Doanh nghiệp Phương Thiện) về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”. Cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

Khởi tố Chủ tịch, Giám đốc 3 trung tâm đăng kiểm, dạy lái xe - Ảnh 3.

Cơ quan chức năng khám xét phòng làm việc của Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Dương.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 11 - 02D, Cao Bằng

Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Cao Bằng vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Đình Hòa (sinh năm 1956, trú tại phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng) là Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 11-02D về tội "Giả mạo trong công tác" theo quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự. 

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện trong khoảng từ năm 2019 đến nay, Phạm Đình Hòa đã có vi phạm trong việc điều động, quản lý đăng kiểm viên bậc cao phục vụ hoạt động đăng kiểm của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 11-02D. 

Nhiều lần đăng kiểm không có mặt của đăng kiểm viên bậc cao phụ trách dây truyền nhưng Phạm Đình Hòa vẫn cho dây truyền hoạt động và hợp thức hóa các giấy tờ, sổ sách, chữ ký. 

Theo nhận định ban đầu của cơ quan điều tra, các sai phạm liên quan đến khoảng 3.000 lượt phương tiện đăng kiểm.

Vụ án đang được mở rộng điều tra.

Bắt Chủ tịch; khởi tố Giám đốc 2 doanh nghiệp đăng kiểm - Ảnh 2.

Đối tượng Phạm Đình Hòa, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 11-02D Cao Bằng. Ảnh TTXVN

Chủ tịch HĐTV doanh nghiệp đăng kiểm nhận nhiều tỷ đồng

Ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Ngô Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đăng kiểm Bách Việt về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Theo TTXVN, bị can Ngô Thị Thu Hằng được xác định là chủ mưu trong vụ án, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D (địa chỉ tại km 48 +450, Quốc lộ 25, thôn Tân An, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).

Kết quả điều tra xác định: Từ ngày 12/10/2020 đến ngày 10/10/2022, Ngô Thị Thu Hằng đã tổ chức cho lãnh đạo, tổ đăng kiểm, nhân viên nghiệp vụ và bộ phận kế toán Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhận tiền từ các chủ xe cơ giới với tổng số tiền nhiều tỷ đồng để thực hiện không đúng quy trình kiểm định. 

Ngô Thị Thu Hằng được xác định là người hưởng lợi nhiều nhất từ số tiền nhận hối lộ và là bị can chủ mưu trong vụ án, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng này.

Bắt Chủ tịch doanh nghiệp đăng kiểm nhận hối lộ - Ảnh 2.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Ngô Thị Thu Hằng. Ảnh TTXVN

Trước đó, ngày 16/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã tống đạt các quyết định khởi tố đối với 4 bị can về tội “nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn đăng kiểm Bách Việt.

Các bị can bị khởi tố gồm: Phan Trung Hiếu (sinh năm 1976, hộ khẩu trú tại tỉnh Thái Bình) - Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn đăng kiểm Bách Việt) và lãnh đạo, nhân viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D: Phạm Xuân Hưng (sinh năm 1991, thường trú tại Phú Yên, Giám đốc Trung tâm), Võ Quốc Nhiên (sinh năm 1995, thường trú tại Phú Yên, đăng kiểm viên), Nguyễn Thị Phấn (sinh năm 1986, thường trú tại Phú Yên, thủ quỹ Trung tâm).

Tổ đăng kiểm đã thống nhất với Ngô Thị Thu Hằng, Phan Đình Thám, Phan Trung Hiếu (là lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn đăng kiểm Bách Việt): đối với những xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về đèn chiếu sáng, phanh, lốp, khí thải, cơi nới thêm thành thùng… khi đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D để đăng kiểm, nhân viên sẽ đề nghị chủ phương tiện đưa tiền.

Với mức tiền từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng, đăng kiểm viên sẽ bỏ qua các lỗi liên quan đến đèn, lốp và khí thải.

Đối với lỗi cơi nới thêm thùng xe, chủ phương tiện đưa 1 triệu đến 3 triệu đồng sẽ được bỏ qua và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện xe cơ giới kiểm định đảm bảo tiêu chuẩn.

Số tiền thu lợi bất chính được thống nhất ăn chia theo tỷ lệ: tổ đăng kiểm được hưởng 20% trong giai đoạn từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021 và 17% trong giai đoạn từ tháng 5/2021 đến tháng 10/2022. Nhân viên nghiệp vụ và bộ phận kế toán được hưởng 5%. Nhân viên dán tem được hưởng 3%. Số tiền còn lại là của lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn đăng kiểm Bách Việt.

Sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm để lại hậu quả vô cùng lớn

Liên quan đến vụ án đăng kiểm, chiều 10/5, Ban Nội chính Trung ương đã thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).

Tại cuộc họp, trả lời câu hỏi của báo chí về việc phân hóa đối tượng trong xử lý sai phạm xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, sai phạm trong lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến Cục Đăng kiểm Việt Nam là sai phạm có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên quan đến nhiều người, nhiều cấp độ khác nhau, giá trị tiêu cực tính bằng tiền không lớn nhưng hậu quả để lại cho xã hội vô cùng lớn.

“Một năm tai nạn giao thông làm mất đi từ 8 đến 10 nghìn người, trong đó có lỗi của đăng kiểm. Một mạng người chết đã là đặc biệt nghiêm trọng rồi, trong khi có nhiều người chết.

Vấn đề là xử lý thế nào để không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường trong lưu thông phát triển kinh tế xã hội, không ảnh hưởng đến người dân.

Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo đã giao các cơ quan chức năng ngồi bàn bạc với nhau để có giải pháp xử lý phù hợp nhất”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Yên nêu rõ: Ban Chỉ đạo đã thống nhất phân hóa, phân loại đối tượng để xử lý. Trong đó, nguyên tắc là có tội phải xử lý, sai tới đâu xử lý tới đó. Người cần xử lý hình sự sẽ xử lý hình sự, người không cần thiết xử lý hình sự thì phân hoá xử lý bằng cách khác./.