Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính đã soạn thảo dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính.
Trong đó, về điều kiện để công dân được can thiệp y học để chuyển đổi giới tính (Điều 10), dự thảo Luật quy định công dân được can thiệp y học để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đủ 05 điều kiện về:
(1) Độ tuổi thực hiện can thiệp y học được quy định như sau:
a) Người từ đủ 18 tuổi trở lên đối với các phương pháp can thiệp y học quy định tại Điều 9 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác nhận có tình trạng bức bối giới quá mức thì được thực hiện phương pháp can thiệp y học quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật này và khi được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
(2) Đã trải qua quá trình tư vấn tâm lý, y tế, pháp lý và đã được khám sàng lọc bảo đảm có đủ sức khỏe tâm thần và thể chất phù hợp với biện pháp can thiệp y học;
(3) Có năng lực hành vi dân sự;
(4) Tình trạng hôn nhân: Có 2 phương án (đề xuất để lựa chọn)
Phương án 1: Độc thân.
Phương án 2: Không quy định tình trạng hôn nhân của người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
(5) Không thuộc trường hợp đang chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, hình phạt hình sự bổ sung như cấm đi khỏi nơi cư trú và chưa được xóa án tích.
Theo Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính, việc chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ hoặc từ nữ sang nam sẽ rất khó có thể khắc phục để quay trở lại giới tính ban đầu.
Vì vậy việc quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên (là người đã trưởng thành, đã hoàn thiện về thể lực, nhận thức đầy đủ về hành vi của mình và đủ chín chắn trong việc xác định giới tính thật của mình) được thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính sẽ giúp người có nhận diện giới khác giới tính hiện có thực hiện quyền chuyển đổi giới tính của mình, hoàn toàn ý thức được việc mình đang làm và hậu quả có thể xảy ra.
Hơn nữa, việc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính cũng tốn kém về chi phí.
Do vậy, với độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực, đủ chín chắn trong nhận thức hành vi của mình sẽ giúp người chuyển giới tiết kiệm được chi phí tài chính, tránh việc tốn kém chi phí vì những suy nghĩ bồng bột, tức thời khi quyết định thực hiện các can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Cũng theo Ban soạn thảo, các nghiên cứu và thực tế cho thấy, người có mong muốn chuyển đổi giới tính phát hiện sự khác biệt về giới tính của mình rất sớm.
Ở độ tuổi 16 đến dưới 18 vẫn còn sự bồng bột, đôi khi vì cá tính, mong muốn thể hiện bản thân mà có thể có sự cảm nhận chưa đúng về giới tính của mình.
Quy định độ tuổi này chỉ được sử dụng nội tiết tố sinh dục vì trong quá trình sử dụng nội tiết tố sinh dục, nếu có cảm nhận sai về giới tính mong muốn thì có thể dừng quá trình can thiệp y học và tiếp tục với giới tính ban đầu.
Quy định như vậy sẽ giúp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có mong muốn chuyển đổi giới tính giảm được các phiền muộn, bức bối giới, đạt được hiệu quả cao khi sử dụng nội tiết tố sinh dục để chuyển đổi giới tính.
Lý giải về dề xuất 2 phương án về tình trạng hôn nhân (điều kiện công can thiệp y học để chuyển đổi giới tính), Ban soạn thảo cho rằng, quy định tình trạng hôn nhân độc thân của công dân là điều kiện được để một cá nhân được can thiệp y học để chuyển đổi giới tính nhằm bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Đa số ý kiến trong Ban soạn thảo cho rằng mặc dù về mặt pháp lý người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính nhưng chưa được ghi trong Sổ hộ tịch về giới tính mới đã chuyển đổi thì trong quan hệ hôn nhân vẫn là nam – nữ nhưng về mặt can thiệp y học thì cơ thể họ đã không còn phù hợp với giới tính cũ của quan hệ hôn nhân đó.
Nếu không quy định người đề nghị can thiệp y học là độc thân thì sẽ làm làm xáo trộn, ảnh hưởng về đến các mối các quan hệ trước đó của người chuyển đổi giới tính; quy định này cũng hạn chế làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em trong gia đình khi bố hoặc mẹ chuyển đổi giới tính, hạn chế làm tổn thương hoặc cảm giác bị lừa dối đối với vợ hoặc chồng đang trong quan hệ hôn nhân hợp pháp của người chuyển đổi giới tính.
Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến các cơ quan, một số ý kiến cho rằng chưa cần thiết phải quy định ngay điều kiện độc thân ở giai đoạn đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính vì về mặt pháp lý là không vướng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Do đó, Ban soạn thảo đang thiết kế 02 phương án tại khoản 4 Điều 10 dự thảo Luật.
Cũng theo Ban soạn thảo, quy định về năng lực hành vi dân sự và quy định không thuộc trường hợp đang chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, hình phạt hình sự bổ sung như cấm đi khỏi nơi cư trú và chưa được xóa án tích là để bảo đảm người có đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính có đủ nhận thức về hành động của mình, cũng như bảo đảm người này có đầy đủ quyền, nghĩa vụ của công dân, không lợi dụng việc chuyển đổi giới tính để trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.