– Lúa mùa: Tính đến ngày 15/8, cả nước gieo cấy được 1.411,3 nghìn ha lúa mùa, bằng 100,6% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 1.023,3 nghìn ha, bằng 98,6%; các địa phương phía Nam đạt 388 nghìn ha, bằng 106,2%.
– Lúa hè thu: Diện tích gieo cấy vụ hè thu năm 2022 ước đạt 1.917,2 nghìn ha, giảm 1,9% so với vụ hè thu năm trước. Tính đến trung tuần tháng Tám, cả nước thu hoạch được 1.112,7 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 58% diện tích gieo cấy và bằng 108,6% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 931,5 nghìn ha, chiếm 63,1% và bằng 110,2%. Năng suất lúa hè thu ước đạt 57 tạ/ha, giảm 0,1 tạ/ha so với vụ hè thu năm; sản lượng ước đạt 10,92 triệu tấn, giảm 219,2 nghìn tấn.
– Lúa thu đông: Đến trung tuần tháng Tám, vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống được 374 nghìn ha lúa thu đông, bằng 96,7% cùng kỳ năm trước
– Cây hàng năm: Diện tích gieo trồng các loại cây hoa màu hầu hết đều giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là đậu tương và khoai lang do giá bán không ổn định hoặc gặp khó khăn trong tiêu thụ, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân chuyển sang trồng các loại cây ăn trái và cây rau đậu.
– Chăn nuôi: Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2022 tăng 6,8% so với cùng thời điểm năm 2021; tổng số bò tăng 3,4%; tổng số trâu giảm 0,6%; tổng số gia cầm tăng 3,6%.
Hoạt động sản xuất lâm nghiệp diễn ra tương đối thuận lợi, khai thác gỗ được triển khai tích cực. Tính chung 8 tháng năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 156,9 nghìn ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 58,8 triệu cây, tăng 4,7%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 11.921,7 nghìn m3, tăng 5,8%; sản lượng củi ước đạt 12,6 triệu ste, tăng 0,4%; diện tích rừng bị thiệt hại là 792,3 ha, giảm 59,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Diện tích rừng bị cháy là 28,9 ha, giảm 97,4%; diện tích rừng bị phá là 763,4 ha, giảm 8,3%.
Sản lượng thủy sản tháng Tám ước đạt 794,5 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 441,6 nghìn tấn, tăng 5,9%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 352,9 nghìn tấn, giảm 1%. Tính chung 8 tháng năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 5.797,6 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 3.172,2 nghìn tấn, tăng 7%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.625,4 nghìn tấn, giảm 2,6% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 2.506,1 nghìn tấn, giảm 2,7%).
– Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Tám ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 16,2%. Tính chung 8 tháng năm 2022, IIP ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
– Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 02 địa phương trên cả nước (Trà Vinh giảm 26,6%; Hà Tĩnh giảm 15%).
– Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2022 tăng 0,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 23,2% so với cùng thời điểm năm trước.
– Trong tháng Tám, cả nước có 11,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 4,5% so với tháng trước; tăng 106,9% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước còn có gần 6,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 177,8% so với tháng trước và tăng 67,1% so với cùng kỳ năm 2021; có 3.756 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 28,9% và tăng 20,5%; có 4.453 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,8% và tăng 77,3%; có 1.953 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,5% và tăng 140,5%.
– Tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước có 149,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 104,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 22%; bình quân một tháng có 13 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
– Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Tám ước đạt 48,3 nghìn tỷ đồng, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 285,4 nghìn tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 48,6% và giảm 0,7%).
– Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,78 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.
– Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm 2022 có 75 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 344,8 triệu USD, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước; có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 50,9 triệu USD, giảm 88%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 395,8 triệu USD, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2022 ước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 956,5 nghìn tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán năm và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.679,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 3,5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%).
– Xuất khẩu hàng hóa
+ Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
+ Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%.
– Nhập khẩu hàng hóa
+ Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 30,96 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
+ Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%.
– Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 82,1 tỷ USD.
– Cán cân thương mại hàng hóa: tháng Tám ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).
– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 tăng 0,005% so với tháng trước; tăng 3,6% so với tháng 12/2021 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,64%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,58%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
– Chỉ số giá vàng tháng 8/2022 giảm 0,9% so với tháng trước; tăng 5,87% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 6,5%.
– Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2022 tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 0,37%.
Hoạt động vận tải trong tháng Tám đạt kết quả tích cực. Trong đó, vận chuyển hành khách gấp 4,4 lần và luân chuyển hành khách gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa duy trì đà phát triển với sản lượng vận chuyển tăng 58,6% và luân chuyển tăng 68,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 29,8% và luân chuyển hành khách tăng 51,6% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 20,6% và luân chuyển hàng hóa tăng 28%.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng Tám đạt 486,4 nghìn lượt người, tăng 38% so với tháng trước và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Tính chung 8 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.441 nghìn lượt người, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
– Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư trong 8 tháng năm 2022, tình hình đời sống của hộ dân cư tiếp tục khả quan hơn.
– Trên thế giới, dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng về số ca mắc. Tại Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm trẻ em từ 5 -11 tuổi ở một số địa phương còn thấp.
– Trong tháng Tám (từ 15/7-14/8/2022), trên địa bàn cả nước xảy ra 952 vụ tai nạn giao thông, làm 491 người chết, 372 người bị thương và 329 người bị thương nhẹ. Tính chung 8 tháng năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 7.488 vụ tai nạn giao thông, làm 4.276 người chết, 2.656 người bị thương và 2.301 người bị thương nhẹ.
So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 8 tháng năm nay giảm 2,1%; số người chết tăng 9,9%; số người bị thương tăng 4,4% và số người bị thương nhẹ giảm 17,3%./.