In bài viết

5 nhóm giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

06:24 - 06/12/2023

(Chinhphu.vn) - Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đề xuất 5 nhóm giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

5 nhóm giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp- Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực (trái) và ông Phan Đức Hiếu (phải) chia sẻ ý kiến tại Tọa đàm - Ảnh: VGP

Tại Tọa đàm: "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều 4/12, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đề xuất 5 nhóm giải pháp để phát triển hơn nữa thị trường trái phiếu doanh nghiệp:

Nhóm giải pháp thứ nhất là rút ra các bài học kinh nghiệm sâu sắc cho cả các cơ quan chức năng, các bên tham gia thị trường và nhà đầu tư. Bởi vì chúng ta phải rút ra bài học kinh nghiệm để sau này trưởng thành và lớn lên.

Cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách. Ví dụ hiện nay Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ chuẩn bị hết hiệu lực và sắp tới chúng ta sẽ quay trở lại áp dụng Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó có 3 điều kiện, điều khoản mà hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã cho phép là giãn, hoãn. Sắp tới quay trở lại áp dụng Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, chúng ta tiếp tục áp dụng như thế nào?

Ông Lực cho rằng chúng ta quay trở lại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhưng có lộ trình, có cân đối để tiếp tục kiến tạo cho thị trường phát triển. Ví dụ Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi 3 điều kiện, trong đó thời gian chào bán là không có vấn đề gì, vẫn 60 ngày; nhưng quan trọng là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì cân nhắc thời gian tới nên như thế nào.

Nếu chúng ta muốn thị trường lành mạnh, đúng đối tượng là người mua có kiến thức, có kinh nghiệm, có hiểu biết thì sẽ áp dụng tiếp điều kiện, điều khoản của nhà đầu tư chuyên nghiệp theo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

Xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp với đơn vị phát hành nên có lộ trình phù hợp hơn. Hiện nay, mới có 3 tổ chức phát hành; thứ hai là văn hoá, thói quen của những bên phát hành mua dịch vụ xếp hạng tín nhiệm rõ ràng chưa hình thành ngay được.

Ông Lực đề nghị nên cân nhắc lộ trình thích hợp hơn ở chỗ xếp hạng tín nhiệm và đặc biệt phải phân nhóm ra, nhóm nào cần xếp hạng tín nhiệm, nhóm nào không cần xếp hạng tín nhiệm. Ví dụ, ngân hàng thương mại không cần xếp hạng tín nhiệm vì họ phát hành mục đích rất rõ là để tăng vốn cấp hai, thứ hai là họ được quản lý chặt chẽ các hệ số an toàn bởi Nhà nước.

Giải pháp thứ hai rất quan trọng là đa dạng hoá sản phẩm trên thị trường TPDN. Hiện nay cơ bản chỉ có mỗi TPDN, còn trái phiếu xanh, trái phiếu công trình, trái phiếu bền vững, trái phiếu xã hội thì sao?

Ông Lực muốn chúng ta nhân cơ hội này thúc đẩy những sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu. Ví dụ BIDV vừa qua phát hành rất thành công trái phiếu xanh, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Giải pháp thứ ba là đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhà đầu tư tổ chức chưa có nhiều. Ông Lực rất mong chúng ta thúc đẩy để có nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn, đặc biệt là quỹ đầu tư. Quỹ đầu tư vô cùng quan trọng. Quỹ đầu tư, quỹ hưu trí… là cách chúng ta thu hút đầu tư của xã hội, của nhà đầu tư.

Giải pháp thứ tư là chúng ta nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu. Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng cái này là hồn cốt vô cùng quan trọng để chúng ta phát triển thị trường này. Đặc biệt, cái nữa là đơn giản hoá quy trình thủ tục phát hành ra công chúng.

Hiện nay rõ ràng là còn phức tạp, thời gian phê duyệt hơi lâu nên nhà phát hành còn ngại khi xin làm hồ sơ để phát hành ra công chúng. Ông Lực rất mong chỗ này chúng ta phải kích lên.

Cuối cùng, giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt năng lực, công cụ cho đội ngũ này. Thời gian vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rất cố gắng. Rõ ràng đội ngũ, năng lực vẫn còn hạn chế nhất định nên chúng ta cần củng cố thêm khâu này thời gian tới.

Cần rà soát ngay từ bây giờ Nghị định 08, cái gì sẽ tiếp tục áp dụng và cái gì sẽ không áp dụng để quay lại áp dụng Nghị định 65

Về phát biểu nêu trên của ông Lực, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có nhiều điểm rất trùng với ông Lực. Chia sẻ về chuyên môn, ông Hiếu cho rằng cần rà soát ngay từ bây giờ Nghị định 08, cái gì sẽ tiếp tục áp dụng và cái gì sẽ không áp dụng để quay lại áp dụng Nghị định 65.

Việc này hết sức cần thiết và phải làm khẩn trương. Công việc thì như vậy, nhưng phải có nguyên tắc. Đó là vẫn phải tạo thuận lợi cho thị trường phát triển trong năm 2024, đấy là điều thứ nhất.

Riêng đối với tiêu chuẩn, gọi là tiêu chuẩn đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp, hoạt động trái phiếu chuyên nghiệp, theo ông Hiếu nên cân nhắc thêm là chúng ta có thể phân loại trái phiếu sắp tới đây sẽ phát hành mới với chuẩn mới của nhà đầu tư theo Nghị định 65 chẳng hạn.

Với những trái phiếu đã phát hành dựa trên chuẩn cũ của Nghị định 153, bây giờ nếu chúng ta lại áp chuẩn mới vào cho những trái phiếu đã phát hành thì có thể đâu đó, không nhiều nhưng ít nhiều về mặt lý thuyết, sẽ có ảnh hưởng đến việc thanh khoản của những trái phiếu đã phát hành trước đây.

Đây cũng là điều nên cân nhắc. Chúng ta xem xét Nghị định 08 trong bối cảnh phù hợp với thực tế Việt Nam, đồng thời cũng phải tính đến tương lai tăng trưởng sắp tới của thị trường trái phiếu, bền vững, xanh, minh bạch, an toàn.

5 nhóm giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hoàng Dương: Vẫn phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát những đối tượng tham gia vào thị trường TPDN để duy trì, và tăng tính minh bạch của thị trường trong thời gian tới - Ảnh: VGP

Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm tính minh bạch của thị trường

Cũng tại Tọa đàm, trao đổi về vai trò kiểm tra, thanh tra, giám sát thị trường trái phiếu, theo Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương, xuất phát từ những vi phạm của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý rất mạnh mẽ, đây là việc làm hết sức cần thiết.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã căn cứ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chỉ thị quyết liệt chỉ đạo các cơ quan có liên quan của Bộ tăng cường quản lý giám sát.

Ví dụ như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thời gian vừa qua rất nỗ lực kiểm tra, giám sát các tổ chức trung gian tài chính, các tổ chức tư vấn phát hành là công ty chứng khoán, để đảm bảo họ đưa ra những lời khuyên và tư vấn đúng đắn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Tiếp đó là triển khai kiểm tra trực tiếp một số doanh nghiệp có lượng phát hành lớn và doanh nghiệp bất động sản. Cùng với đó là một số tổ chức khác có liên quan, ví dụ như các tổ chức kiểm toán, các tổ chức định giá cũng là những đối tượng mà thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo sát sao việc kiểm tra, giám sát hoạt động. Những hoạt động này đã góp phần làm minh bạch thị trường.

Đối với thị trường giao dịch thứ cấp, để tăng tính thanh khoản, bên cạnh những lợi ích mà chúng ta đã đánh giá, tôi cho rằng những thông tin về giao dịch trên thị trường thứ cấp thông qua hệ thống này cũng có tác dụng rất lớn với cơ quan quản lý nhà nước để giám sát quá trình giao dịch, trao đổi.

Cụ thể là thông qua hệ thống này, tất cả các giao dịch đều được lưu lại trên hệ thống. Và chúng ta có thể hoàn toàn xác định được doanh nghiệp đó phát hành cho nhà đầu tư mua có đúng đối tượng hay không vì dấu vết của các nhà đầu tư vẫn lưu trên hệ thống.

Đồng thời cũng có lợi ích là thông qua hệ thống giao dịch thứ cấp, chúng ta có thể tăng cường công tác quản lý, giám sát doanh nghiệp phát hành và các đối tượng người mua theo đúng quy định của pháp luật. Đối tượng người mua cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những bất ổn trên thị trường trong thời gian vừa qua.

"Tóm lại, chúng tôi vẫn phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát những đối tượng tham gia vào thị trường TPDN để duy trì, và tăng tính minh bạch của thị trường trong thời gian tới". Ông Dương chia sẻ.