In bài viết

5 kỹ năng sinh viên cần trang bị để học tập thành công

09:13 - 16/07/2024

(Chinhphu.vn) - Sinh viên cần có các kỹ năng để nâng cao khả năng thích ứng, phát triển bản thân phù hợp môi trường năng động và không ngừng biến đổi của thời đại số.

5 kỹ năng sinh viên cần trang bị để học tập thành công- Ảnh 1.

 

Kỹ năng tự học

Kỹ năng tự học là chìa khóa quan trọng giúp cho sinh viên có thể tự tiếp thu kiến thức mới, hệ thống kiến thức một cách chủ động, đồng thời, còn thúc đẩy khả năng tự chủ và không ngừng học hỏi để phát triển bản thân trong quá trình học tập, công việc sau này.

Trong bối cảnh thời đại số, phần lớn sinh viên hiện nay có sự năng động, tự tin, linh hoạt và sáng tạo nhất định. Đây cũng là một trong những phẩm chất có thể giúp hình thành tốt kỹ năng tự học cho sinh viên, giúp bất kỳ sinh viên nào cũng sẽ phát triển trong môi trường làm việc ngày càng cạnh tranh.

Sinh viên có thể phát triển kỹ năng tự học bằng các phương pháp học khác nhau, nhưng lưu ý cần có chiến lược, mục tiêu cho việc học tập một cách rõ ràng, cụ thể. Trong xã hội ngày càng phát triển, rộng mở và đang ngày càng thay đổi chóng mặt, việc phát triển kỹ năng tự học không chỉ giúp sinh viên khẳng định bản thân mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới trong sự nghiệp và cuộc sống.

Phát triển tư duy sáng tạo

Sáng tạo là khả năng tạo ra những ý tưởng mới, độc đáo và có giá trị cho bản thân và xã hội. Đây là một yếu tố quan trọng không chỉ trong học tập, công việc mà còn trong cuộc sống hàng ngày.

Đối với việc học tập, môi trường đại học luôn luôn thúc đẩy các sinh viên không ngừng sáng tạo, để đạt kết quả cao thì phải luôn tư duy để sáng tạo và làm chủ kiến thức. Ngoài ra, những nội dung học tập trên lớp có được sự sáng tạo thú vị có thể giúp sinh viên có khả năng đạt được điểm cao, đam mê học tập, học tập thoải mái và bớt căng thẳng hơn.

Sáng tạo là kết quả của một quá trình rèn luyện, học hỏi, phát triển kỹ năng. Có khả năng sáng tạo, sinh viên sẽ luôn tìm tòi và phát hiện ra các khía cạnh mới của vấn đề, có thể chủ động giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

Quản lý thời gian

Ai cũng đều cần phải có kỹ năng quản lý thời gian một cách hiệu quả để có thể cân bằng được những hoạt động của bản thân trong học tập, công việc, sở thích cá nhân hay các mối quan hệ xã hội.

Sinh viên có thể tổ chức, sắp xếp và ưu tiên công việc, hoạt động trong cuộc sống để sử dụng thời gian hiệu quả nhất, có thể tham gia vào nhiều hoạt động trong thời gian học tập tại đại học, từ đó trở nên năng động và tự tin hơn.

Bên cạnh đó, mục tiêu của việc quản lý thời gian nhằm tăng cường năng suất làm việc, giảm căng thẳng, đảm bảo hoàn thành công việc và có thời gian dành cho các hoạt động giải trí, nghỉ ngơi, sở thích cá nhân. Bởi vậy, việc tự tạo cho bản thân kỹ năng quản lý thời gian là vô cùng quan trọng.

Có thể tự tạo một kế hoạch hoàn chỉnh thông qua các phương pháp đã được các nhà khoa học đề xuất như ma trận Eisenhower, Pomodoro, M.I.T. (Most Important Tasks),... hoặc có thể sử dụng những ứng dụng công nghệ để quản lý thời gian của bản thân hiệu quả nhất.

Kỹ năng thích ứng

Kỹ năng thích nghi và đối phó với những thay đổi gặp phải trong công việc, học tập và đời sống là một kỹ năng cần thiết. Sinh viên không chỉ rèn luyện khả năng linh hoạt, sẵn sàng chấp nhận những trường hợp, sự cố hay những thay đổi bất ngờ mà còn học cách thích ứng với môi trường mới một cách hiệu quả.

Đối với sinh viên, việc trang bị kỹ năng này có thể nâng cao khả năng tiếp nhận và xử lý tình huống, giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, thúc đẩy phát triển cá nhân và tiến xa hơn trong sự nghiệp của bản thân. Có thể xây dựng những mối quan hệ tích cực, thu hút sự ủng hộ và sự quý mến từ những người xung quanh, từ đó, kỹ năng giao tiếp được cải thiện và đưa đến hiệu quả tốt khi làm việc nhóm.

Tư duy phản biện

Tư duy phản biện chính là quá trình suy nghĩ, tư duy và phân tích một vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau. Bên cạnh đó, tư duy phản biện thường đi kèm với khả năng đánh giá và lập luận logic để đưa ra những suy nghĩ, quan điểm có căn cứ vào đó để có tính thuyết phục.

Trong thời đại số ngày nay, tư duy phản biện không còn đơn thuần là khả năng lập luận truyền thống mà còn bao gồm khả năng đánh giá thông tin, phân tích dữ liệu số, và xử lý thông tin trên các nền tảng công nghệ. Lượng tin tức khổng lồ trên Internet đang có xu hướng biến tướng, sinh viên phải nhận thức tư duy phản biện ngày nay còn phải bao gồm cả khả năng phân biệt thông tin đáng tin cậy và thông tin không chính xác, tin tức giả mạo.

Đây là một kỹ năng quan trọng trong việc phát triển suy nghĩ logic và hiểu biết sâu rộng về các vấn đề xung quanh, có thể thúc đẩy khả năng sáng tạo của sinh viên. Đây cũng là kỹ năng giúp cho việc đưa ra các quyết định lựa chọn được dễ dàng và hiệu quả hơn. Biết đánh giá, phân tích giúp cho việc phát hiện ra các vấn đề nhanh chóng và tìm ra cách giải quyết hơn rất nhiều.

Đồng thời, bằng cách đánh giá, phân tích những suy nghĩ, hành động hay quyết định của bản thân một có căn cứ, tư duy phản biện giúp bản thân sinh viên có cái nhìn nhận khách quan hơn về bản thân, phát triển các kỹ năng tự đánh giá, tự nhận thức.