Theo đó, Bộ này đề nghị EVN tập trung nguồn lực, hoàn thành quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022, báo cáo tài chính của công ty mẹ tập đoàn và các đơn vị thành viên. Mặt khác, phải làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín kiểm toán báo cáo theo đúng quy định.
Trên cơ sở quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính năm 2022 của công ty mẹ và các đơn vị thành viên, bước tiếp theo Bộ Công Thương sẽ công bố công khai kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022.
Đây cũng là căn cứ để Bộ Công Thương hoàn thành tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Đề nghị này của Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh EVN mong muốn sớm được chấp thuận đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với mức đủ lớn để EVN đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và không làm mất vốn của nhà nước đầu tư tại EVN.
Ngoài ra, EVN cũng đề xuất Bộ Công Thương tăng gần 4% giá điện truyền tải lên 79,09 đồng/kWh so với mức đã được duyệt từ tháng 5/2022 mức 75,85 đồng/kWh. Việc này nhằm đảm bảo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) không bị lỗ.
Trước đó, trong báo cáo vừa gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, EVN cho biết, ước tính năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng.
Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì số lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng; trong đó 6 tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng.
Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng.
Với số lỗ dự kiến trên, EVN nhận định, nếu năm 2023 không được tăng giá điện ở mức phù hợp, EVN sẽ bị mất cân đối dòng tiền hoạt động./.
Theo TTXVN