Áp thuế 5%, sau đó cam kết giảm giá bán là không thuyết phục
Cho ý kiến về nội dung này tại Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, áp thuế đối với mặt hàng phân bón sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bởi theo báo cáo 73% lượng phân bón sản xuất trong nước, nếu áp thuế từ 0% sang 5% thì đây là thuế gián thu, người nông dân phải chịu giá trị đầu vào. Còn doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ 5%, giúp tăng khả năng cạnh tranh giữa doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước với phân bón nhập khẩu.
Theo đại biểu, nếu áp thuế 5%, chắc chắn giá phân bón sẽ tăng lên, như vậy không thực hiện đúng tinh thần tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do vậy, cần đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích, nếu tiếp tục giữ mức 0%, giá phân bón trong nước không tăng và không ảnh hưởng đến người nông dân.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, báo cáo đánh giá tác động cho thấy, nếu đánh thuế 5% đối với mặt hàng phân bón, mỗi một năm nhà nước sẽ thu khoảng 5.700 tỷ đồng, trong đó hoàn thuế cho doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng, ngân sách nhà nước thu được 4.200 tỷ.
Theo đại biểu, áp thuế 5%, sau đó cam kết giảm giá bán là không thuyết phục. “Vấn đề ở chỗ, Nhà nước thu được 4.200 tỷ đồng, doanh nghiệp được hoàn từ ngân sách nhà nước 1.500 tỷ đồng, thu của người nông dân mà lại khẳng định giảm giá bán?. Đề nghị đánh giá rất sát chỗ này, bởi giá thành với giá bán là hoàn toàn khác nhau, giá bán phụ thuộc vào thế giới, do đó tôi đề nghị đánh giá rất cụ thể”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu quan điểm.
Đại biểu cho biết, có một số ý kiến đề xuất chỉ áp thuế 0% đối với hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế từ ngân sách nhà nước, tức là ngân sách nhà nước giảm khoảng 1.500 tỷ/năm, theo tốc độ tăng có thể lên đến 2.000 tỷ. Khi đó giá bán cho người nông dân không tăng và giữ ổn định. Điều này cũng phù hợp với các nghị quyết của Đảng. Do vậy, đại biểu đề nghị, nếu không giữ như quy định hiện hành, để đảm bảo cho việc hoàn thuế cho doanh nghiệp, có thể đánh thuế 0% đối với mặt hàng phân bón.
Qua tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phản ánh đời sống của người nông dân còn khó khăn, nếu áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón, nông dân không có lãi, có thể dẫn tới tình trạng bỏ ruộng hoặc có phản ứng ngược, gây mất an toàn, an ninh trật tự ở nông thôn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Có chung quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu thực tế ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên hay các tỉnh Tây Bắc, người nông dân sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu đầu vào, từ giống, nước tưới cho đến các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Giai đoạn 10 năm nay, giá phân bón không giảm, mặc dù có những thời điểm lượng phân bón sản xuất trong nước lớn, nhưng giá không điều chỉnh giảm.
“Tôi cho rằng đây mới là nhiệm vụ trong quản lý nhà nước cần phải chú ý. Giá có thể điều tiết trong việc tính toán trong giá thành sản xuất của người nông dân, nên yếu tố đầu vào giảm được phần nào sẽ mang lại lợi ích cho sản xuất”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.
Cùng với đó, theo đại biểu, nông dân là đối tượng rất dễ tổn thương, việc áp thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón cũng cần có lộ trình phù hợp; đồng thời cũng cần có chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận và phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn; có chính sách trợ giá đối với mặt hàng phân bón thế hệ mới, giống mới chống phát thải carbon…
Thông tin từ Quochoi.vn, có quan điểm khác với các ý kiến trên, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho rằng, áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón rất quan trọng. Thời gian qua, chính sách miễn thuế, không tính thuế đối với phân bón và nhiều hàng hóa vật tư nông nghiệp khác tưởng như là ưu đãi, nhưng thực ra tạo ra một gánh nặng rất lớn cho ngành hàng phân bón trong nước.
“Tôi lấy ví dụ chi phí sản xuất phân bón, các khoản thuế VAT nằm trong chi phí để sản xuất ra phân bón đã cao hơn 5%, bình quân có thể nằm 6% đến 8% tùy doanh nghiệp. Như vậy, sản xuất ra phân bón đã chứa VAT nhưng lại không không được hoàn thuế.
Trong khi đó, nếu phân bón nước ngoài nhập vào Việt Nam, họ có chính sách miễn, họ không phải chịu thuế VAT này, vì vậy cạnh tranh rất khó giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nước ngoài. Với năng lực sản xuất dư thừa trên thế giới hiện tại, thời gian tới có lẽ cạnh tranh ngày càng khốc liệt”, ông Đậu Anh Tuấn phân tích.
Chia sẻ với lo ngại của đại biểu về việc áp thuế 5% cho phân bón có thể làm chi phí phân bón tăng, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng giá phân bón sau khi áp thuế chưa hẳn tăng. Bởi, năng lực sản xuất phân bón của Việt Nam rất lớn, nếu áp dụng thuế 5%, đồng nghĩa với phân bón nhập khẩu vào cũng chịu 5%, còn chi phí sản xuất trong nước giảm.
Như vậy, phân bón trong nước có thể chiếm lĩnh được thị trường. Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, đây cũng là bài toán căn cơ cần tính toán để chúng ta vừa tự chủ được năng lực sản xuất phân bón, vừa giữ được ngành sản xuất phân bón trong nước.
“Chúng tôi cho rằng, mặt hàng phân bón là mặt hàng chúng ta có thể kiểm soát giá được, có thể bình ổn giá. Lo ngại của nhiều đại biểu cũng có cơ sở nhưng nếu có sự chủ động và có sự kết hợp nhiều giải pháp khác, có thể khắc phục được. Chúng tôi nhất trí với quan điểm của Ban soạn thảo là phân bón chịu thuế 5% nhưng điều này không có nghĩa sẽ làm giá phân bón tăng”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Dưới góc độ của cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, nếu chỉ nhìn góc độ áp thuế giá trị giá tăng 5% đối với mặt hàng phân bón, như vậy người dân phải chịu thêm 5% vào giá bán có vẻ hợp lý. Nhưng sau khi phân tích, khi áp dụng thuế suất 5% sẽ làm giảm giá thành xuống khoảng trên dưới 5%.
Việc áp dụng thuế suất 5% sẽ có các tác động nhất định đến giá bán phân bón trên thị trường, làm tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần); đồng thời, làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước (hiện đang chiếm 73,% thị phần). Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%).
Các doanh nghiệp trong nước có dư địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi.
Ngoài ra, phân bón hiện là sản phẩm bình ổn giá nên trong trường hợp cần thiết, khi có biến động lớn về giá trên thị trường, thì các cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện các biện pháp quản lý cần thiết để bình ổn ở mức hợp lý.
Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho biết: “Thông thường thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, doanh nghiệp nộp thay cho người tiêu dùng, người tiêu dùng phải chịu nhưng thực tế trong đó đều cơ cấu vào giá thành, giá bán cuối cùng là vấn đề hết sức quan trọng. Như vừa qua chúng ta thông qua lộ trình giảm thuế 2% cho một số mặt hàng, đúng ra thuế giá trị gia tăng người sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó phải chịu, nhưng thực tế không giảm giá mà nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này”.
Do còn những ý kiến khác nhau liên quan đến việc có áp 5% thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón hay không trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), vấn đề này sẽ tiếp tục được đại biểu cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, để tìm phương án nào tối ưu cho cả nhà nước, người dân và doanh nghiệp.