In bài viết

Xét xử vụ doanh nghiệp kiện Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

11:12 - 08/09/2023

(Chinhphu.vn) - Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án hành chính do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngọc Hưng (trụ sở tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) khởi kiện Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Xét xử vụ doanh nghiệp kiện Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Ảnh 1.

Hội đồng xét xử tuyên bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Ngọc Hưng

Vụ án nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Phiên tòa có sự tham dự của ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng có mặt để theo dõi, giám sát. 

Tại phiên tòa sơ thẩm, trong số những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được tòa triệu tập, chỉ vắng Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng. Ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ủy quyền tham gia phiên tòa.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngọc Hưng (Công ty Ngọc Hưng) khởi kiện Quyết định Tịch thu tang vật vi phạm hành chính số 3241/QĐ-TTTV ngày 5/11/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan vì đã tịch thu số tiền 59.690.076.000 đồng của doanh nghiệp.

Theo đơn khởi kiện, Công ty Ngọc Hưng đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xem xét giải quyết, hủy bỏ Quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính số 3241/QĐ-TTTV ngày 5/11/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. 

Đồng thời, yêu cầu Tổng cục Hải quan trả lại cho công ty số tiền hơn 59,6 tỉ đồng và bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017. 

Cụ thể, Tổng cục Hải quan tịch thu số tiền hơn 59,6 tỉ đồng là trái pháp luật, buộc phải trả lãi với số tiền là hơn 20 tỉ đồng (theo lãi suất ngân hàng 9%).

Theo hồ sơ vụ án, ngày 17/12/2011, tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu 535,800 m3 gỗ trắc từ Lào vào Việt Nam, được Hải quan cửa khẩu Lao Bảo kiểm tra, xác nhận thông quan. 

Đến ngày 19/12/2011, tại cửa khẩu cảng Cửa Việt, Công ty Ngọc Hưng làm thủ tục xuất khẩu số lượng gỗ trắc trên từ Việt Nam sang Trung Quốc, được hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt kiểm tra, xác nhận, niêm hàng hóa chuyển cửa khẩu đến cảng Đà Nẵng để xuất khẩu. 

Ngày 27/12/2011, Công an quận Ngũ Hành Sơn kiểm tra, tạm giữ xe ô tô biển kiểm soát 43S-5142 chở container rồi sau đó chuyển cho Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng xử lý theo quy định. 

Sau đó, Tổng cục Hải quan có Công văn yêu cầu Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị dừng làm thủ tục thông quan đối với lô hàng và giao toàn bộ hồ sơ cùng hàng hóa cho Cục Điều tra chống buôn lậu (thuộc Tổng cục Hải quan) chủ trì khám xét.

Ngày 6/1/2012, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng ra quyết định khám xét 22 container gỗ của Công ty Ngọc Hưng và kết luận lô hàng gỗ xuất khẩu của công ty gồm: 453,104m, trong đó có 431,598m gỗ trắc, 21,506m gỗ giáng hương và 867 sản phẩm gỗ. 

Ngày 6/4/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố Công ty Ngọc Hưng về tội buôn lậu và thu giữ toàn bộ số gỗ chứa trong 22 container. 

Sau đó, hồ sơ được chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) để điều tra, giải quyết theo thẩm quyền. 

Ngày 31/7/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định xử lý vật chứng và ngày 13/1/2013 bán đấu giá được hơn 63 tỉ đồng.

Tại phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 4, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng tuyên phạt Trương Huy Liệu (Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng) 1 năm 16 ngày tù giam và Trần Thị Dung (Giám đốc Công ty Ngọc Hưng) 9 tháng tù treo vì phạm tội buôn lậu; các bị cáo Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành (Hải quan Quảng Trị) 9 tháng tù treo, Đỗ Danh Thắng (Hải quan Đà Nẵng) 6 tháng tù treo vì phạm tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. 

Bản án sơ thẩm này bị kháng cáo và kháng nghị, từ ngày 3/7 đến 26/7/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm vụ án và tuyên tăng nặng hình phạt đối với Trương Huy Liệu 7 năm tù giam và Trần Thị Dung 3 năm tù treo. 

Tại bản án phúc thẩm, Hội đồng xét xử quyết định khối lượng hàng buôn lậu là 78,872 m3 gỗ trắc và gỗ giáng hương có giá trị là hơn 4 tỉ đồng (đã bị bán đấu giá) bị tịch thu nộp ngân sách Nhà nước. 

Số gỗ còn lại trị giá hơn 59,6 tỉ đồng, do không có cơ sở để kết luận các bị cáo "buôn lậu" nên Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định “chuyển cho Tổng cục Hải quan để xem xét, xử lý về hành vi vi phạm hành chính do Công ty Ngọc Hưng khai sai với thực tế về tên hàng”.

Ngày 26/7/2019, công chức Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung (Đội 2 - Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) lập biên bản vi phạm hành chính về hải quan số 01/BB-VPHC và ngày 5/11/2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính số 3241/QĐ-TTTV tịch thu số tiền hơn 59,6 tỉ đồng nói trên.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Trần Thị Dung (Giám đốc Công ty Ngọc Hưng) cho rằng: Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu 535,800 m3 gỗ trắc từ Lào vào Việt Nam và xuất khẩu 535,800 m3 gỗ trắc từ Việt Nam sang Hồng Kông (Trung Quốc) là hoàn toàn hợp pháp, không vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan như cáo buộc của Tổng cục Hải quan. 

“Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên không có hành vi buôn lậu, do đó, số tiền hơn 59,6 tỉ đồng là tài sản hợp pháp của Công ty Ngọc Hưng. 

Việc Tổng cục Hải quan chứng minh số tiền này là trị giá tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành rồi ra quyết định tịch thu là vi phạm nghiêm trọng quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 79 Bộ Luật tố tụng Hành chính năm 2015; là quyết định trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Ngọc Hưng”, bà Dung khẳng định.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, Công ty Ngọc Hưng đã có hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động của Hải quan, vi phạm tại điểm a khoản 2, điểm 1 khoản 4, khoản 5 Điều 13 Nghị định số 97/20207/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định trong lĩnh vực hải quan. 

Hành vi mua bán xuất nhập khẩu gỗ trắc của Công ty Ngọc Hưng không đúng quy định pháp luật, không xuất trình được chứng từ nguồn gốc lô hàng, không có đủ giấy tờ hợp lệ nên vi phạm pháp luật hành chính.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị nhận định, Quyết định Tịch thu tang vật vi phạm hành chính số 3241/QĐ-TTTV ngày 5/11/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan là đúng nên đề nghị tòa bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Ngọc Hưng.

Sau khi nghị án, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tuyên bác đơn khởi kiện hành chính của Công ty Ngọc Hưng. 
Theo Hội đồng xét xử, Quyết định Tịch thu tang vật vi phạm hành chính số 3241/QĐ-TTTV ngày 5/11/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan là có căn cứ, có cơ sở và đúng thẩm quyền./.