In bài viết

Xem xét trình Quốc hội rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; quyết định ngày bầu cử khóa mới

12:58 - 24/04/2025

(Chinhphu.vn) - Tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để trình Quốc hội việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; việc quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.

Xem xét trình Quốc hội rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; quyết định ngày bầu cử khóa mới- Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp

Theo Cổng TTĐT Quốc hội, tại phiên họp, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày tóm tắt các Tờ trình về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Việc quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. 

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận về các nội dung này.

Cho ý kiến về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi)

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi).

Trước khi tiến hành thảo luận, Ủy ban Thường vụ nghe Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày tóm tắt tờ trình; Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Trước đó, thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; ý kiến kết luận của đồng chí Chủ tịch Quốc hội tại Thông báo số 509/TB-VPQH ngày 4/3/2025 của Văn phòng Quốc hội về việc giao Ủy ban Công tác đại biểu chủ trì xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu đã khẩn trương nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan và các ý kiến chỉ đạo định hướng của Bộ Chính trị tại Kết luận số 127-KL/TW để xác định phạm vi sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và xây dựng dự thảo văn bản, hồ sơ tài liệu dự án Luật. 

Quá trình xây dựng dự án Luật đã được triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo các quy định của pháp luật.

Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu đã tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo luật; Ủy ban Công tác đại biểu cũng đã họp phiên toàn thể để lấy ý kiến về dự án Luật. 

Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, các đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban đã nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật gửi xin ý kiến Chính phủ, xin ý kiến Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời gửi Ủy ban Dân nguyện và Giám sát để thẩm tra.