PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại Lễ kỷ niệm 43 năm xây dựng và phát triển Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (1979 - 2022), tổ chức ngày 25/12.
Theo PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, đây vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là sứ mệnh của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ - trung tâm đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Điều này dựa trên cơ sở phát triển vững chắc của nhà trường trong suốt 43 năm qua, kể từ tiền thân là Khoa Y - Trường Đại học Cần Thơ năm 1979. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 184, thành lập Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, đến nay đã tròn 20 năm.
Trong suốt chặng đường đó, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã đào tạo ra gần 30.000 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân và gần 10.000 Thạc sĩ, bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, Tiến sĩ, góp phần đáng kể vào việc bổ sung nguồn nhân lực cho ngành Y tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, tăng tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ trên vạn dân.
Trên hành trình xây dựng trở thành trường trọng điểm quốc gia, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã đạt được những thành tích đáng tự hào.
Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ, Trường đã xây dựng đề án đổi mới cơ chế hoạt động tự chủ, trở thành Trường Đại học Y Dược công lập đầu tiên trong cả nước thực hiện tự chủ đại học từ năm 2017.
Về cơ sở vật chất, với diện tích tổng thể là 309.700 m2, Trường đầu tư xây dựng và phát triển nhiều hạng mục, đáp ứng chuẩn hóa mô hình trường trọng điểm quốc gia. Thời gian tới, Trường triển khai xây dựng phân hiệu ở Kiên Giang và cơ sở II tại thành phố Cần Thơ.
Cùng với đó, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược quy mô 250 giường đang được quy hoạch trở thành bệnh viện tuyến cuối của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy mô 1.000 giường.
Hiện 86% giảng viên nhà trường có trình độ Thạc sĩ trở lên, trong đó có 29 Giáo sư và Phó Giáo sư, 82 Tiến sĩ. Quy mô đào tạo của Trường gồm 10 mã ngành đại học, 90 mã ngành và chuyên khoa sau đại học.
Đặc biệt, Trường triển khai thành công mô hình "tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng" cho các tỉnh trong khu vực. Đây là giải pháp hiệu quả giải quyết được nhu cầu về nhân lực cho cơ sở y tế tuyến dưới.
Bên cạnh đó, Trường cũng mở rộng hợp tác đào tạo cho học viên nước ngoài theo mô hình giảng dạy bằng tiếng Anh. Năm học 2022-2023, nhà trường tiếp nhận và khai giảng khóa đào tạo riêng cho gần 100 sinh viên Ấn Độ học ngành Y khoa.
Trong giai đoạn 2017-2021, hơn 750 đề tài, công trình nghiên cứu của cán bộ, học viên, sinh viên thực hiện được đăng trên các tạp chí Y dược học của Trường và công bố quốc tế.
Thời gian tới, Trường tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp đánh giá kết quả học tập; đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội về số lượng, chất lượng và cơ cấu.
Từng bước phát triển đại học thông minh, gia nhập thành viên AUN- Mạng lưới các trường đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao thành quả thầy và trò Trường Đại học Y dược Cần Thơ đạt được.
Để xây dựng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thành trường trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị, nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên.
Đồng thời, đẩy mạnh và mở rộng công tác nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực y - dược, công tác khám - chữa bệnh, hợp tác quốc tế; có chế độ, chính sách nhằm động viên cán bộ, nhân viên y tế khắc phục khó khăn, tích cực làm việc vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bộ trưởng cũng đề nghị nhà trường cần mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế, tích cực hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực; tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Thực hiện kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín; thu hút sinh viên quốc tế đến học, nhà khoa học quốc tế đến làm việc giảng dạy; tích cực tham gia xếp hạng trường đại học trong các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín…/.