In bài viết

Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương đánh giá thiệt hại, giải quyết bồi thường vụ máy bay rơi tại Quảng Ninh

16:50 - 10/04/2023

(Chinhphu.vn) - Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính vừa ban hành công văn số 443/QLBH-PNT gửi Tổng công ty bảo hiểm Dầu khí Việt Nam đề nghị báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm vụ máy bay trực thăng Bell 505 của Công ty trực thăng Miền Bắc, Binh đoàn 18 rơi tại địa phận giáp danh Hải Phòng và Quảng Ninh.

Tại công văn này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm bị thiệt hại về người và tài sản do vụ tai nạn máy bay trực thăng gây ra để đánh giá mức độ thiệt hại, xác định phạm vi bồi thường bảo hiểm và thực hiện các thủ tục giải quyết tạm ứng bồi thường, bồi thường bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật.

Máy bay Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) do Đại tá Chu Quang Minh điều khiển, chở 4 khách du lịch người Việt Nam thực hiện dịch vụ du lịch ngắm cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao, cất cánh lúc 16.56' đã mất liên lạc lúc 17.15'. Ngay khi máy bay mất tín hiệu, Công ty Trực thăng miền Bắc đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và lực lượng quân sự địa phương khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đề nghị PVI khẩn trương đánh giá mức độ thiệt hại, tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm để báo cáo Cục.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài chính, liên danh bảo hiểm PVI – Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt – Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm quân đội (MIC) là nhà bảo hiểm cung cấp bảo hiểm cho các máy bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam. 

Bảo hiểm PVI là nhà bảo hiểm gốc đứng đầu trong liên danh bảo hiểm. 

Chương trình bảo hiểm gồm bảo hiểm thân máy bay, bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của hãng đối với hành khách và bên thứ ba, bảo hiểm tai nạn cho phi công.

Vụ rơi máy bay: Rà soát, bổ sung cơ chế phối hợp xử lý tai nạn, sự cố - Ảnh 1.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn phát biểu tại cuộc họp.

Rà soát, bổ sung cơ chế phối hợp, phân công chỉ huy xử lý tai nạn, sự cố

Trước đó, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn đã chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm công tác cứu hộ - cứu nạn vụ tai nạn máy bay trực thăng mang số hiệu VN-8650 tại vùng biển giáp ranh Quảng Ninh - Hải Phòng ngày 5/4. 

Tại cuộc họp, lãnh đạo hai địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng và các ngành, lực lượng chức năng đã báo cáo chi tiết những nội dung công việc triển khai trong quá trình cứu hộ, cứu nạn vụ tai nạn máy bay trực thăng.

Theo đó, ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các ngành, lực lượng cùng sự tham gia của nhiều ngư dân triển khai các biện pháp nhanh nhất để tổ chức tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường máy bay gặp nạn. 

Vụ rơi máy bay: Xuyên đêm tìm kiếm người bị nạn, đặc công nước cùng lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể thứ 5 - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng xuyên đêm tìm kiếm nạn nhân.

Về phía Quảng Ninh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được giao chủ trì, thông báo cho các lực lượng trên địa bàn, xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn, hiệp đồng lực lượng, phương tiện và triển khai cứu hộ, cứu nạn.

Trong đó, nhanh chóng thành lập Sở Chỉ huy phía trước. Tại hiện trường các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiến hành triển khai theo đúng kế hoạch, sử dụng các phương tiện hiện đại tổ chức tìm kiếm đạt hiệu suất cao.

Mặc dù là lần đầu tiên phải xử lý cứu hộ, cứu nạn vụ tai nạn máy bay trên vùng biển, song với sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, công tác hiệp đồng hiệu quả các các ngành, lực lượng giữa hai địa phương Quảng Ninh - Hải Phòng, nên chỉ sau hơn 1 ngày đã tìm kiếm được 5 nạn nhân và trục vớt máy bay bị nạn.

Cùng với công tác cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường, tỉnh Quảng Ninh cũng đã kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tối đa điều kiện cho gia đình nạn nhân và đưa nạn nhân về địa phương để lo hậu sự.

Vụ rơi máy bay: Xuyên đêm tìm kiếm người bị nạn, đặc công nước cùng lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể thứ 5 - Ảnh 2.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam ghi nhận nỗ lực của các ngành, lực lượng, địa phương, người dân trong công tác cứu hộ - cứu nạn vụ tai nạn máy báy trực thăng vừa qua.

Nhất là việc chủ động, kịp thời của ngư dân trong việc báo tin cho các lực lượng chức năng; công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng tại hiện trường, đặc biệt là đội ngũ thợ lặn; cùng với đó là sự sâu sát, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo của hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng.

Tuy nhiên, qua vụ việc, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng chỉ ra những hạn chế cần rút kinh nghiệm. Trong đó có việc cung cấp thông tin của đơn vị quản lý máy bay là Binh đoàn 18; đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế phối hợp, phân công chỉ huy trong việc xử lý các vụ việc tai nạn, sự cố.

Vụ rơi máy bay: Huy động Đặc công Hải quân tìm kiếm người bị nạn - Ảnh 1.

Huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm người bị nạn trong vụ rơi máy bay

Ngày 6/4, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công văn số 770/UBND-GT1, chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm người bị nạn trong vụ rơi máy bay trực thăng Bell 505 một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Theo đó, vào 17 giờ 06 phút ngày 5/4/2023 xảy ra vụ tai nạn máy bay trực thăng Bell 505 (số hiệu VN-8650) của Công ty trực thăng miền Bắc, Binh đoàn 18 tại tại tọa độ 20051'55"N - 107001'31"E, thuộc khu vực biển giáp ranh xã Gia Luận, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.

Vụ rơi máy bay: Huy động Đặc công Hải quân tìm kiếm người bị nạn - Ảnh 2.

Mảnh vỡ của máy bay được lực lượng chức năng trục vớt. Ảnh Báo Quảng Ninh

Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, vào lúc 18h00 ngày 05/4/2023, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và các lực lượng chức năng khẩn trương cơ động ra vị trí máy bay bị nạn để tổ chức tìm kiếm cứu nạn và tổ chức thăm hỏi, chia sẻ, động viên thân nhân các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay.

Đến 09 giờ 30 phút ngày 6/4/2023, các lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy 04 thi thể và bàn giao cho cơ quan chức năng tại Bệnh viện Bãi Cháy để tiên hành các thủ tục theo quy định. Hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục khẩn trương tìm kiếm nạn nhân còn lại.

Vụ rơi máy bay: Huy động Đặc công Hải quân tìm kiếm người bị nạn - Ảnh 3.

Thực hiện Công điện số 221/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về khẩn trương tìm kiếm cứu nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất, Chủ tịch UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long, UBND thành phố Hạ Long, thị xã Quảng Yên chủ động tiếp tục khẩn trương thực hiện và phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chức năng của các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm người bị nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất.

UBND tỉnh chỉ đạo: Huy động tàu của ngư dân tiến hành rà lưới rê theo khu vực đã được lực lượng chức năng xác định; thợ lặn của Đặc công Quân chủng Hải quân và Ban Quản lý vịnh Hạ Long tìm kiếm dưới đáy biển; các lực lượng chức năng và ngư dân rà soát tìm kiếm trên mặt nước và khu vực lân cận trong phạm vi khoảng 07 km2; Dùng Flycam dò tìm từ trên cao....

Vụ rơi máy bay: Huy động Đặc công Hải quân tìm kiếm người bị nạn - Ảnh 4.

Huy động thợ lặn của Đặc công Quân chủng Hải quân và Ban Quản lý vịnh Hạ Long tìm kiếm dưới đáy biển.

Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy khu vực vùng vịnh Hạ Long

Đồng thời, giao các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp tìm kiếm người bị nạn, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy khu vực vùng vịnh Hạ Long, thông tin cho tàu thuyền và ngư dân đang đánh bắt hải sản ở khu vực máy bay bị nạn tăng cường quan sát, phối hợp tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Vụ rơi máy bay: Huy động Đặc công Hải quân tìm kiếm người bị nạn - Ảnh 5.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp đề nghị cấp có thẩm quyền tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ bay trực thăng tham quan trên vịnh Hạ Long; chỉ cho phép hoạt động trở lại khi đã có đầy đủ các biện pháp, giải pháp khắc phục được nguy cơ gây mất an toàn; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan tới vụ tai nạn; xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định hiện hành.

Vụ rơi máy bay: Huy động Đặc công Hải quân tìm kiếm người bị nạn - Ảnh 6.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, UBND thành phố Hạ Long, Sở Y tế tiếp tục túc trực giải quyết các công việc tại Bệnh viện Bãi Cháy; tổ chức kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tối đa điều kiện đảm bảo cho gia đình những người bị nạn của vụ tai nạn trên.

Vụ rơi máy bay: Huy động Đặc công Hải quân tìm kiếm người bị nạn - Ảnh 7.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và các đơn vị tại hiện trường.

Tạm dừng dịch vụ bay ngắm cảnh sau vụ rơi trực thăng Bell 505

Theo TTXVN, chiều 6/4, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho hay, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18 - VNH) đã chủ động cho dừng mọi hoạt động bay du lịch ngắm cảnh, sau vụ rơi trực thăng ở Vịnh Hạ Long chiều 5/4.

Không chỉ dừng tour ngắm Vịnh Hạ Long, các tour ngắm cảnh ở các địa phương khác như Đà Nẵng, Điện Biên, Mai Châu (Hòa Bình), Mù Cang Chải (Yên Bái), Vũng Tàu - Côn Đảo cũng tạm dừng chờ thông báo mới.

Hoạt động bay trực thăng ngắm cảnh do Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng, thực hiện. 

Hiện công ty đang cung cấp tour hành trình bay ngắm cảnh tại nhiều địa điểm; trong đó, các điểm như vịnh Hạ Long, Đà Nẵng và Vũng Tàu (được cung cấp dịch vụ quanh năm theo yêu cầu). Những điểm đến khác mang tính thời vụ.

Vụ rơi máy bay: Huy động Đặc công Hải quân tìm kiếm người bị nạn - Ảnh 8.

Tại Vịnh Hạ Long, đơn vị này đang tổ chức các dịch vụ bay với giá từ 2,2 triệu đồng đến 6,16 triệu đồng/khách. Cụ thể, với bay khám phá, ngắm cảnh 10 phút trên vịnh Hạ Long có giá 2,2 triệu đồng/vé ở vé ghế đầu, còn ghế sau 1,92 triệu đồng/vé.

Với thời gian bay lâu 15 phút, giá dịch vụ là 3,2 triệu đồng/vé cho khách ghế đầu và 2,92 triệu đồng/vé cho ghế sau. Với thời gian bay dài nhất là 30 phút, mức giá dao động 5,88 triệu đồng - 6,16 triệu đồng/vé tùy vị trí.

Tour ngắm vịnh Hạ Long là một trong những tuyến khai thác dịch vụ trực thăng đầu tiên tại Việt Nam, chính thức mở bán từ năm 2020. Cục Hàng không Việt Nam không phải là đơn vị cấp phép bay cho hoạt động du lịch này.

Vụ rơi máy bay: Huy động Đặc công Hải quân tìm kiếm người bị nạn - Ảnh 7.

Máy bay trực thăng Bell 505 Jet Ranger X thuộc Công ty Trực thăng Miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18). Ảnh QĐND

Phi công đã cố gắng đưa máy bay đến khu vực an toàn

Chiều 6/4, lực lượng chức năng đã tìm thấy hộp đen chiếc trực thăng rơi tại khu vực biển giáp ranh giữa vịnh Hạ Long với xã Gia Luận, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.

Cụ thể, hộp đen của chiếc trực thăng gặp nạn đã được tìm thấy trong khu vực buồng lái. 

Bước đầu nhận định khi nhận thấy trực thăng gặp sự cố, phi công đã rất cố gắng điều khiển đưa trực thăng về khu vực an toàn. 

Tuy nhiên, do sự cố quá nhanh nên phi công đã không kịp xử lý.