Theo Điều 39 dự thảo Luật, GPLX bao gồm các hạng: Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 đến 175cm3 hoặc có động cơ có công suất định mức tương đương.
Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên hoặc động cơ có công suất định mức tương đương và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2. Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2.
Hạng B cấp cho người lái xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ của người lái xe); xe ôtô tải (kể cả ôtô tải chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500kg; các loại xe ôtô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B2.
Hạng C1 cấp cho người lái xe ôtô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ôtô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 3.500 đến 7.500kg; các loại xe ôtô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B.
Hạng C cấp cho người lái xe ôtô tải (kể cả ôtô tải chuyên dùng, ôtô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 7.500kg; các loại xe ôtô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1.
Hạng D2 cấp cho người lái xe ôtô chở người (kể cả ôtô buýt) từ 10 đến 30 chỗ; các loại xe ôtô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C.
Hạng D cấp cho người lái xe ôtô chở người (kể cả ôtô buýt) trên 30 chỗ; xe ôtô chở người giường nằm; các loại xe ôtô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D2.
Hạng BE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750kg.
Hạng C1E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ôtô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750kg.
Hạng CE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ôtô quy định cho giấy phép lái xe hạng C khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750kg; xe ôtô đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc. Hạng D2E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ôtô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg.
Hạng DE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ôtô quy định cho giấy phép lái xe hạng D khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750kg.
Đối với người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A2. Người khuyết tật điều khiển xe ôtô có cơ cấu điều khiển phù hợp với tình trạng khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng B.
Theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn, tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, các hạng GPLX này về nội hàm vẫn như Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ thay đổi tên gọi để phù hợp với Công ước Viên năm 1968 mà Việt Nam đã tham gia kí kết.
Như hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175cm3 trở lên hoặc động cơ có công suất định mức tương đương và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2 như hiện nay.
Hay hạng B cấp cho người lái xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ của người lái xe); xe ôtô tải (kể cả ôtô tải chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500kg; các loại xe ôtô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B2… như hiện nay.
Đề xuất thay đổi này để bảo đảm tính tương thích với các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, cơ quan soạn thảo đã rà soát, nội luật hóa quy định trong Công ước Viên năm 1968 về giao thông đường bộ (mục đích là tạo thuận lợi cho giao thông đường bộ quốc tế và tăng cường an toàn giao thông đường bộ bằng cách thiết lập các quy tắc giao thông tiêu chuẩn giữa các bên tham gia công ước).
Vì Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới nên đề xuất thay đổi để phù hợp với các hoạt động giao lưu thương mại, học tập… Do đó, người dân Việt Nam và nước ngoài sẽ được tạo thuận lợi trong việc sử dụng GPLX tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam và quốc tế.
1. Dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ có quy định về điều khoản chuyển tiếp quy định giữ và đổi GPLX. GPLX đã được cấp theo Luật Giao thông đường bộ 2008 được tiếp tục sử dụng. Riêng các trường hợp GPLX được cấp lại do hết hạn, bị mất; hoặc GPLX được đổi do bị hỏng hoặc sai lệch thông tin ghi trên giấy phép lái xe và các trường hợp khác quy định tại Khoản 3 Điều 43 thì được đổi, cấp lại theo phân hạng mới.
2. GPLX hạng A1, A2, A3, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE được cấp theo Luật GTĐB 2008 được đổi, cấp lại như sau: GPLX hạng A3, C giữ nguyên và được đổi, cấp lại cùng hạng; GPLX hạng A2 đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng A1; GPLX hạng A đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng A2; GPLX hạng B đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng B1. B2; GPLX hạng D2 đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng D; GPLX hạng D đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng E; GPLX hạng BE đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FB2; GPLX hạng CE đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FC; GPLX hạng D2E đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FD; GPLX hạng DE đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FE.