Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7/2009. Thực tiễn triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy, Luật không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thiếu rõ ràng, chưa rành mạch dẫn đến quá trình thực hiện còn chồng chéo, thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chưa giải quyết được thực trạng phức tạp về trật tự an toàn giao thông đường bộ như mục tiêu đề ra.
Theo thống kê, phân tích của cơ quan chức năng cho thấy tai nạn giao thông do 3 nguyên nhân chính, gồm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm luật; phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật; đường sá không bảo đảm an toàn kỹ thuật, tổ chức giao thông bất hợp lý.
Hiện nay, người điều khiển phương tiện, hoạt động vận tải, chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện và đường sá do cơ quan về kinh tế - kỹ thuật quản lý, nhưng không có chức năng bảo đảm an ninh, an toàn.
Trong khi đó, cơ quan có chức năng bảo đảm an ninh, an toàn lại không quản lý các nội dung này, dẫn đến việc phòng ngừa tai nạn giao thông khó đạt hiệu quả mong muốn.
Thực tế hiện nay cho thấy, trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa xác định được trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, vận tải đường bộ hiện phải đảm nhận tỷ trọng lớn (chiếm khoảng hơn 70% vận tải hành khách và hàng hóa trong tổng số các loại hình vận tải), không cân đối với các phương thức vận tải khác.
Chất lượng dịch vụ đã được nâng cao nhưng chưa đồng đều, còn có các đơn vị vận tải nhỏ lẻ, manh mún; hiệu quả kinh doanh chưa cao. Công tác quản lý lái xe còn bất cập; thiếu cơ sở dữ liệu quản lý chặt chẽ người lái xe kinh doanh vận tải.
Các loại hình kinh doanh vận tải chưa được phân định rõ ràng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, quy định về điều kiện kinh doanh trong đó có các thiết bị quan trọng như giám sát hành trình, camera hành trình chưa rõ ràng dẫn đến hiệu quả quản lý hạn chế.
Đồng thời Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng chưa có quy định cụ thể trách nhiệm khác của đơn vị kinh doanh vận tải khi thực hiện không đúng các yêu cầu về kinh doanh và điều kiện kinh doanh dẫn đến tai nạn giao thông.
Kinh doanh vận tải là kinh doanh có điều kiện nhưng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định chưa rõ, chưa đủ cơ chế, chính sách để phát triển tương xứng với nhu cầu xã hội và phòng ngừa tai nạn giao thông.
Theo Bộ Công an, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Tình hình nêu trên cho thấy, an ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là môtô, xe gắn máy.
Theo đó, một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định về chính sách về quy hoạch đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng...
Thực tế cho thấy khi đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh, chuyên gia pháp lý, việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là yêu cầu xuất phát từ thực tiễn.
Theo ông, trong công tác quản lý nhà nước, việc có càng ít cơ quan chủ quản tham gia vào điều chỉnh quan hệ xã hội cụ thể thì sẽ càng rành mạch, rõ ràng hơn về trách nhiệm và tổ chức thi hành.
Trong 1 bộ luật mà có quá nhiều Bộ chức năng có trách nhiệm với tư cách là chủ thể quản lý nhà nước trong quan hệ pháp luật và bị điều chỉnh, thì rất dễ xảy ra sự chồng lấn, không rành mạch.
Như trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trách nhiệm quản lý về an toàn giao thông do Bộ Công an, quản lý về vận tải đường bộ, các công trình hạ tầng kết cấu đường bộ lại do Bộ Giao thông Vận tải đảm nhận.
Do trách nhiệm quản lý không rành mạch, là một trong những nguyên nhân khiến vi phạm giao thông không được xử lý triệt để sẽ dẫn đến hình thành thói quen xấu trong tham gia giao thông. Những thói quen này sẽ khiến văn hóa giao thông dần mất đi.
Thực tiễn cho thấy, văn hóa giao thông cũng không thay đổi nhiều từ năm 2008 khi Luật Giao thông đường bộ được ban hành đến nay. Ở khu vực thành thị, văn hóa giao thông tệ theo kiểu thành thị. Ở nông thôn thì tệ theo kiểu nông thôn. Tình hình tai nạn giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Điều này xuất phát cả từ trật tự an toàn giao thông, cơ sở hạ tầng và từ cả quản lý vận tải đường bộ.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh, khi tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ sẽ tạo ra sự rành mạch trong công tác quản lý. Người vi phạm giao thông sẽ được phát hiện, xử lý triệt để và dần dần sẽ hình thành thói quen tuân thủ luật khi tham gia giao thông, từ đó dần hình thành văn hóa giao thông.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xác định, không phải tách luật xong là hình thành được ngay văn hóa giao thông mà sau khi tách luật, chúng ta sẽ có điều kiện, thời gian để củng cố, xây dựng văn hóa giao thông”, PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ./.
Theo CAND