In bài viết

Vì sao chưa thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng; giảm thuế GTGT đối với xăng dầu?

09:29 - 22/06/2022

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính đề nghị trước mắt không thực hiện điều chỉnh giảm thuế TTĐB đối với xăng; không thực hiện điều chỉnh giảm thuế GTGT đối với xăng dầu.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng của Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước

Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, qua nghiên cứu phản ứng chính sách của các nước, để giảm thiểu tác động tiêu cực do giá xăng dầu tăng cao, các nước đã thực hiện điều chỉnh chính sách thuế tùy thuộc bối cảnh cụ thể của từng nước.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng. Ví dụ: Pháp (0,6629 EUR/lít đối với xăng E10 và 0,6829 EUR/lít đối với xăng khoáng); Đức (0,6545 EUR/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua dưới 10mg/kg, 0,6698 EUR/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua trên 10mg/kg); Hà Lan (0,81314 EUR/lít); Ý (0,7284 EUR/lít); Anh (0,5795 Bảng/lít); Hàn Quốc (311 Won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ 15%).

Thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng tại Trung Quốc (1,52 Nhân dân tệ/lít); Úc (0,442 Đô la Úc/lít); Campuchia (thuế suất 25%); Thái Lan (6,50 bạt/lít đối với xăng khoáng, 5,85 bạt/lít đối với xăng 95 E10, 5,2 bạt/lít xăng 95 E20, 0,975 bạt/lít đối với xăng 95 E85, 3,2 bạt/lít đối với dầu diesel); Sing-ga-po (0,41 Đô la Sing-ga-po/lít); Lào (thuế suất 39%).

Theo Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước.

Về thuế giá trị gia tăng (GTGT), trên thực tế, một số nước châu Âu cũng đã thực hiện giảm nhẹ thuế GTGT đối với mặt hàng này.

Ngoài các biện pháp ứng phó về thuế, một số quốc gia đưa ra biện pháp trợ giá năng lượng khi giá năng lượng tăng cao. Ví dụ như: Pháp công bố gói hỗ trợ trị giá 2 tỷ EUR (2,2 tỷ USD) với mức hỗ trợ tương đương 7,7% giá xăng dầu. Nhật Bản gia hạn chương trình trợ cấp khẩn cấp đối với xăng và các nhiên liệu khác đến cuối tháng 9 và nâng mức trần trợ cấp lên 35 Yên (0,27 USD)/lít từ 25 Yên.

Biện pháp này như một khoản trợ cấp từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao và người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình.

Ngoài các giải pháp nêu trên, một số quốc gia đưa ra gói hỗ trợ các hộ gia đình bị tổn thương thông qua giải pháp hỗ trợ bằng tiền mặt (Đan Mạch, Đức, Na Uy, Anh…); gói hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà buôn bán dầu (Nhật Bản)...

Việt Nam cũng “gồng” mình chống chịu

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2022, giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới có xu hướng tăng cao. Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) cũng tăng mạnh. Tại kỳ điều hành ngày 13/6/2022, giá xăng dầu thành phẩm biến động tăng từ 41,36% - 84,34% so với kỳ điều hành ngày 11/01/2022.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không trước bối cảnh dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành các Nghị quyết để giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2022, cụ thể: giảm 30% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021 (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít) theo Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 và Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14. 

Ngoài ra, giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021.

Thời gian qua, cũng đã thực hiện giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay, dầu hỏa) và giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 của UBTVQH.

Vì sao chưa thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, giảm thuế GTGT đối với xăng, dầu?

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, lý giải một số nguyên nhân khiến chưa thể giảm thuế TTĐB, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật thuế TTĐB thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. 

Luật thuế TTĐB không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.

Tại Việt Nam, Luật thuế TTĐB đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế TTĐB và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mặt khác, hiện nay chỉ có mặt hàng xăng là chịu thuế TTĐB, do đó nếu thực hiện giảm thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng thì chưa thực sự hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu của việc giảm thuế là hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát vì dầu mới là mặt hàng chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Ngoài ra, trường hợp điều chỉnh mức thuế TTĐB đối với xăng thì phải thực hiện điều chỉnh mức thuế TTĐB tương ứng đối với xăng E5 và xăng E10 cho phù hợp.

Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay, trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định.

Từ những lý do nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt không thực hiện điều chỉnh giảm thuế TTĐB đối với xăng. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội phương án giảm thuế TTĐB đối với xăng cho phù hợp, dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng, biến động khó lường, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu mà cần tiếp tục giảm thuế đối với mặt hàng xăng để góp phần kiềm chế lạm phát.

Đối với thuế GTGT, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt không thực hiện điều chỉnh giảm thuế GTGT đối với xăng dầu. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội phương án giảm thuế GTGT đối với xăng dầu cho phù hợp, dưới hình thức nghị quyết của Quốc hội trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng, biến động khó lường, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu mà cần tiếp tục giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu để góp phần kiềm chế lạm phát.

Giá xăng dầu vẫn đang đứng ở mức cao. Là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế nên nó sẽ tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa và đã hình thành nên mặt bằng giá mới.

Bộ Tài chính hiện đang xin ý kiến các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị quyết của UBTVQH về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, đề xuất giảm từ 700 - 1.000 đồng/lít thuế BVMT đối với xăng, dầu (tùy loại), nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá xăng dầu thế giới, góp phần kiềm chế lạm phát./.