Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ vừa tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy Dự án Vành đai 3 - Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam".
Nêu quan điểm về việc phát triển không gian mới kết nối với đường vành đai 3, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 30/11 Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc, trong đó triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 về quy hoạch xây dựng quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.
Chương trình hành động của Chính phủ xác định rõ thời gian từ nay đến năm 2030 các đô thị, địa phương phải tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng.
Theo ông Thái, một trong những điểm nghẽn trong việc phát triển hệ thống đô thị Việt Nam là vấn đề kết nối. Trong quy hoạch tổng thể vùng TPHCM đã đặt ra mục tiêu tham vọng, cùng với tuyến đường vành đai 3, vành đai 4, sẽ tập trung vào số lượng đô thị có quy mô rất lớn.
Ví dụ, Đồng Nai có 3 đô thị loại 3, 1 đô thị loại 1, 1 đô thị loại 2; Bình Dương có 1 đô thị loại 1, 2 đô thị loại 2, 1 đô thị loại 3… Sự phát triển của đô thị vành đai này sẽ thúc đẩy các đô thị hiện hữu và hình thành các trung tâm đô thị lớn. Xu thế đã được dự báo và hiện nay đã trở thành thực tế.
Ví dụ, Bình Dương là thực tế rất rõ ràng, các đô thị của Bình Dương đang phát triển rất mạnh mẽ. Điều này là sự hội tụ của nhiều yếu tố, nhưng sự hình thành các tuyến đường vành đai này cũng như các tuyến đường xuyên tâm là yếu tố thúc đẩy các đô thị phát triển.
Theo ông Thái, sự hình thành và phát triển của các tuyến đường vành đai này giúp thay đổi căn bản tư duy về không gian kinh tế.
Trước đây nếu không có sự hình thành các tuyến đường vành đai thì các đô thị trong vùng hướng về TPHCM, nhưng khi hướng về rồi sẽ nảy sinh các vấn đề như ùn tắc của các đô thị lớn, giao thông đường bộ, hàng không… đều khó khăn.
Để các đô thị Đông Nam Bộ như Bình Dương, Bình Phước ra được phía biển, hay ở Đồng bằng sông Cửu Long lên được cảng Cái Mép không phải là dễ dàng.
Nhưng nếu có đường vành đai 3 thì không gian kinh tế không chỉ dừng lại trọng tâm ở TPHCM mà chúng ta mở rộng ra. Ở chiều ngược lại, đối với TPHCM cũng có những cơ hội rất lớn là có thể tái cơ cấu lại được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nếu cách đây 15-20 năm, TPHCM thu hút các hoạt động sản xuất công nghiệp và thâm hụt lao động vào Thành phố, thì bây giờ ưu tiên các hoạt động công nghệ cao. Sự tồn tại và thuận lợi của không gian giao thông này sẽ là điều kiện để tái cơ cấu lại những hoạt động công nghiệp trước đây vào TPHCM như thâm hụt lao động sẽ chuyển sang các vùng khác để dành không gian mới cho thành phố và ngược lại.
Ông Thái cho rằng, sự phát triển của hệ thống không gian này rất cần thiết. Tuy nhiên, cần thiết phải có sự hoạch định từ sớm, từ xa, cơ bản nhất là phải hoàn thành các hệ thống quy hoạch. Cần phát triển cơ bản, đồng bộ các quy hoạch từ quy hoạch tỉnh, vùng cho đến các quy hoạch đô thị, nông thôn.
Bên cạnh đó, cũng cần phải tính toán đầy đủ, ví dụ có giai đoạn chú trọng làm công nghiệp, xây dựng rất nhiều các dự án, các khu công nghiệp mà bỏ quên ai sẽ là người sản xuất, dẫn đến người công nhân không được chú trọng. Đến khi COVID-19 xảy ra thì bộc lộ rất rõ, các dịch vụ dành cho công nhân thiếu, nơi ở cho công nhân thiếu.
Tương tự như vậy, đô thị chúng ta xây dựng nhiều, nhưng hạ tầng kỹ thuật, xã hội liên quan không đầy đủ. Việc quy hoạch rất quan trọng, cần thiết và quan trọng hơn, phải tính toán đầy đủ, có tầm nhìn tổng thể dài hạn nhưng khi thực hiện phải phân tầng phù hợp với nguồn lực.
Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh tổ chức triển khai trực tiếp thì các địa phương cần quan tâm, đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch trong lĩnh vực xây dựng và công nghiệp để làm cơ sở nền tảng tổ chức phát triển các không gian kinh tế mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam'.
Để tránh tình trang thổi giá, hình thành khu đô thị hoang trong quá trình triển khai phát triển không gian đô thi liên quan đến đường vành đai 3 TPHCM, ông Trần Quốc Thái cho biết: Khi triển khai các dự án giao thông nói chung và dự án xây dựng đường Vành đai 3 nói riêng thì có thể dự báo rất rõ ràng là mặt bằng giá chung của bất động sản sẽ có sự biến động theo chiều hướng tích cực hơn. Qua thực tiễn của địa phương và thế giới, ông Thái dự đoán mặt bằng giá đất tăng 11-12% là tối thiểu.
Tuy nhiên, nếu không làm cẩn trọng, thì sự kì vọng đối với sự tăng trưởng của thị trường không được như thực tế. Mỗi thị trường để thành công, cần nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay đối tượng khách hàng sẽ càng ngày càng khó tính hơn trong việc lựa chọn.
Theo ông Thái, việc thực hiện quy hoạch tốt sẽ là cơ sở quan trọng. Quy hoạch đó đòi hỏi tầm nhìn tổng thể, dài hạn, không "chộp giật" nhưng khi tổ chức thực hiện thì không thực hiện dàn trải mà được phân chia theo khu vực.
Về việc này trong thời gian dài Bộ Xây dựng đã thực hiện quan điểm khi ta thực hiện phát triển thì ta tập trung theo khu vực và quy hoạch đi trước, hạ tầng đi trước. Nếu chỉ có quy hoạch hạ tầng đô thị mà không có hạ tầng kết nối thì sức hấp dẫn của bất động sản sẽ không có hoặc giả định có người vào ở thì cũng sẽ kêu ca, kiện tụng.
Đây cũng là quan điểm nêu rất rõ trong Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị: Quy hoạch và hạ tầng phải đi trước trong phát triển đô thị thì mới hạn chế tối đa tình trạng hình thành các cấp khu vực, không đáp ứng được nhu cầu thực, dẫn đến tình trạng các khu đô thị bị bỏ hoang. Đây không phải vấn đề dễ khi một bên là quy hoạch của Nhà nước với một bên là thị trường, làm sao để 2 bên gặp được nhau, đòi hỏi nỗ lực rất lớn.
Chúng ta phải xây dựng các chương trình phát triển đô thị có sự tính toán và chương trình có chất lượng tốt sẽ có quy hoạch hạ tầng khung. Trên cơ sở hạ tầng khung đó ta sẽ thu hút các dự án đầu tư lần lượt có thứ tự sẽ thúc đẩy phát triển lành mạnh, bền vững và tạo dựng thị trường tốt.
Ông Thái nhấn mạnh, mặc dù việc phát triển Vành đai 3 sẽ tạo ra cơ hội, sức hút rất lớn. Tuy nhiên các địa phương quy hoạch thúc đẩy các dự án sẽ làm sao cân đối, cân bằng phát triển đô thị với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn các đặc trưng đặc thù, khu dân cư đặc trưng của từng vùng miền.
Khi ở góc độ tổng thể, ta sẽ nhìn thấy rõ hơn, lựa chọn được những phương án phù hợp hơn để tránh không phát triển đô thị vào những điểm thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Khi các dự án lớn hình thành thì cũng cần dựa vào những điểm này để quảng bá.