Chất lượng dự thảo Luật đến nay rất tốt và có thể trình để Quốc hội xem xét, quyết định
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này.
So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 07 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm 01 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, Mục trong các Chương của dự thảo Luật cho hợp lý.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi được đề ra trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các định hướng sửa đổi Luật Thanh tra đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với hướng tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo phối hợp tiếp thu và giải trình cơ bản đầy đủ, chi tiết ý kiến của đại biểu Quốc hội và tạo được sự đồng thuận cao giữa các cơ quan. Chất lượng dự thảo Luật đến nay rất tốt và có thể trình để Quốc hội xem xét, quyết định.
Góp ý tại phiên họp, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã làm tốt việc giải trình, tiếp thu và chuẩn bị tài liệu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này.
Đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) của Uỷ ban Pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ sự đồng tình việc duy trì thanh tra cấp huyện.
Qua giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, bất cập của nhiều nơi là do thiếu quan tâm cả về tổ chức, biên chế, đào tạo nguồn nhân lực cũng như các điều kiện bảo đảm cho hoạt động thanh tra cấp huyện.
Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nên duy trì thanh tra cấp huyện, cần củng cố cả về tổ chức, biên chế, đào tạo, chế độ chính sách. Bởi vì ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ thanh tra để giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương thì thanh tra huyện còn tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham những tiêu cực.
Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị trước mắt chưa đưa nội dung Ban tiếp công dân cấp huyện về thanh tra cấp huyện vào dự thảo Luật lần này.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo mở rộng thí điểm thêm một số nơi, sau đó có tổng kết, đánh giá mô hình có hiệu quả hay không. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền ở đấy quan tâm thì Ban tiếp công dân này ở thanh tra làm rất tốt.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp nhau rất kỹ, chặt chẽ, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện nội dung này trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, chất lượng dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đến nay rất tốt và có thể trình để Quốc hội xem xét, quyết định.
Góp ý vào nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát quan hệ giữa thanh tra huyện với Chủ tịch huyện và UBND huyện, giữa thanh tra tỉnh và Chủ tịch tỉnh, UBND tỉnh, giữa thanh tra Chính phủ với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn trong dự thảo Luật có xử lý quan hệ này không và trong thực tế hoạt động có gì vướng mắc không thì cần làm rõ.
Đồng thời băn khoăn về tính độc lập của thanh tra, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thể hiện như thế nào trong dự án Luật này, quyền hạn của Tổng Thanh tra Chính phủ đến đâu, ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần rà soát các nội dung này và báo cáo thêm. Nhất là Thanh tra Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì trong chính sách hay trong tổng kết luật chưa thấy đề cập đến nội dung này. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các nội dung này rất quan trọng nhằm nâng cao tính trách nhiệm, và khi có kết luận thanh tra sẽ rất nhanh.
Về các điều khoản thi hành (Chương 8), trong điều khoản chuyển tiếp nêu rất nhiều tên cụ thể các cơ quan Nhà nước từ Cục, Tổng Cục, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu các cơ quan này thay đổi tên gọi thì xử lý như thế nào, đề nghị nghiên cứu, rà soát thêm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận thấy, đây là một cơ hội rất tốt để chúng ta ban hành Luật mới này khắc phục được những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật cũ, đồng thời không phát sinh thêm những vướng mắc, bất cập mới, qua đó nâng cao được năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra theo quy định của Luật lần này.
Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh liên hệ đến một số nội dung, ví dụ như quan hệ của thanh tra sở với thanh tra cấp huyện thì trong 5 nội dung lớn của dự thảo Luật có quy định về việc giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh được thành lập thanh tra sở phụ thuộc vào đặc thù của địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ sự đồng tình quy định này. Báo cáo của Ủy ban Pháp luật cũng đặt vấn đề, nếu quy định như vậy thì có thể xảy ra vi phạm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, với những lĩnh vực như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, tài chính, đầu tư… tiềm ẩn nguy cơ vi phạm thì quy định cứng ở các lĩnh vực đấy phải có thanh tra sở, còn những lĩnh vực khác thì có thể giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tùy theo đặc thù của địa phương mình thì có thể thành lập hoặc có thể không.
Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh còn băn khoăn về khoảng trống về quản lý nhà nước trên địa bàn của các địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu ví dụ, xây dựng là lĩnh vực rất quan trọng, thanh tra xây dựng đang nằm ở cấp tỉnh, tức là Sở Xây dựng, còn thanh tra cấp huyện không được giao xử lý vi phạm liên quan đến xây dựng, vậy có khoảng trống pháp lý nào không?
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm, từ đó tránh các trường hợp xây dựng công trình mà không có cơ quan nào có khoảng khống xử lý vấn đề về vi phạm trong trật tự xây dựng đô thị, công trình xây dựng trái phép, không phép, sai quy hoạch, không phù hợp với quy hoạch.
Cũng tại Phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giải trình một số nội dung của đại biểu quan tâm.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Phiên họp có 10 ý kiến phát biều, nhìn chung các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh đánh giá cao tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm cao của cơ quan thẩm tra là Thường trực Ủy Ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo là Thanh tra Chính phủ cùng với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, các cơ quan, tổ chức có liên quan đã khẩn trương phối hợp tiếp thu và giải trình cơ bản đầy đủ, chi tiết ý kiến của đại biểu Quốc hội và tạo được sự đồng thuận cao giữa các cơ quan.
Với 5 nội dung lớn của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với ý kiến tiếp thu giải trình của Thường trực Ủy ban Pháp luật đã trình bày. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tham dự Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo là Thanh tra Chính phủ, phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan có liên quan tiếp tục triển khai một số công việc sau:
Tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, chi tiết ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo Luật, phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp, Liên đoàn Thương mại, Công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức hội nghị tọa đàm lấy thêm ý kiến của các bộ, ngành, các cơ quan, các chuyên gia cũng như địa phương để bảo đảm luật sau khi được Quốc hội ban hành phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi và góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cơ chế thanh tra, kiểm soát quyền lực chặt chẽ và được thực hiện trên thực tiễn.
Ngoài 5 vấn đề lớn mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cơ bản thống nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các nội dung liên quan như: Vấn đề tổ chức bộ máy thanh tra trong cả hệ thống thanh tra gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan mà Chính phủ đang thực hiện để viết lại Điều 116 và cần thiết sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan, nếu thuộc thẩm quyền của Quốc hội để trình Quốc hội.
Cần xác định rõ hơn về thẩm quyền của cơ quan thanh tra, của Đoàn thanh tra, của các cơ quan thanh tra trong hệ thống, tránh khoảng trống pháp luật đối với hoạt động thanh tra. Đồng thời làm rõ quy trình thanh tra, kiểm tra và thực hiện kết luận thanh tra, công bố kết luận thanh tra có các khâu, các bước cụ thể. Làm rõ tính độc lập của đoàn thanh tra, của cơ quan thanh tra và tính độc lập này gắn với chịu trách nhiệm theo pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Đoàn thanh tra, cơ quan thanh tra, thanh tra viên phải chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan trong quá trình thanh tra phát hiện ra mà không xử lý thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do vậy, cần tiếp tục rà soát để hoàn chỉnh Báo cáo và dự thảo Luật về nội dung này.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát lại toàn bộ các văn bản luật, pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội, của Thường vụ Quốc hội có liên quan đến nội dung sửa đổi Luật Thanh tra, nhất là rà soát Luật Xử lý vi phạm hành chính gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan Cục, Tổng cục mà Chính phủ đang thực hiện để đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung ngay trong Luật Thanh tra, bảo đảm tính thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, trong đó Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ giúp cho Chính phủ sớm nghiên cứu để hoàn thiện tổ chức bộ máy của các Cục, Tổng cục.
Xây dựng kế hoạch để ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành ngay sau khi Luật được thông qua để có hiệu lực cùng thời điểm với thời điểm của luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao cho Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội dự thảo thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này để gửi Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan để thực hiện./.