In bài viết

Tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”, ĐBQH đề nghị cần có giải pháp khắc phục dứt khoát

13:19 - 23/05/2023

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng cần có giải pháp khắc phục dứt khoát căn cơ tình trạng tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”; một số dự án luật mới ban hành 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung.

Tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”, ĐBQH đề nghị cần có giải pháp khắc phục dứt khoát - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng:

Góp ý về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết, phương châm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Chủ tịch Quốc hội là chủ động từ sớm, từ xa nhưng trong thực tế đang còn nhiều bất cập.

Việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh còn nhiều so với chương trình chính thức, việc này diễn ra nhiều năm và khá phổ biến. Đại biểu băn khoăn về yếu tố dự báo chưa cao, yêu cầu thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải có điều chỉnh, bổ sung hay do kỷ luật, kỷ cương không được thực hiện một cách nghiêm túc, còn tình trạng nể nang, tùy tiện?

Đại biểu cho biết, một số dự án luật chuẩn bị gửi đến đại biểu Quốc hội còn rất chậm, không bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy chế hoạt động của Quốc hội, làm hạn chế rất lớn đến việc nghiên cứu, tham gia của đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội.

Một số dự án luật mới ban hành 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung

Dường như câu chuyện làm luật còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn; cùng với đó, tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”. Một số dự án luật mới ban hành 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung. Đây là vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm và yêu cầu phải được mổ xẻ và có giải pháp khắc phục dứt khoát căn cơ, không né tránh, không nể nang.

Về 03 dự án luật đề nghị bổ sung vào kỳ họp thứ 5, thứ 6, thứ 7, đó là dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Giao thông đường bộ (được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ), đại biểu đề nghị làm rõ thật thấu đáo, lý giải rõ cơ sở, nhất là những điểm mới, những điểm khác so với trước đây trên cơ sở phải thực sự khoa học và thuyết phục cả về cơ sở chính trị, cơ sở lý luận cơ sở, thực tiễn, nội hàm của các điều luật. 

Có như vậy mới có sự đồng thuận cao ngay trong đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội, cũng như sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân.