Với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hải quan, thiết lập quan hệ đối tác tin cậy giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.
Trong quá trình xây dựng chương trình, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu chuẩn mực trụ cột hải quan - doanh nghiệp (Khung tiêu chuẩn SAFE) và khuyến nghị của chuyên gia thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm của hải quan các nước như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia, Indonesia, Ấn Độ... để tìm kiếm một mô hình thí điểm phù hợp với thực tế.
Qua khảo sát cho thấy, để doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật, tự nguyện phòng tránh vi phạm không mong muốn, cơ quan hải quan các quốc gia đã xây dựng các chương trình hỗ trợ, giúp doanh nghiệp đạt được và duy trì mức độ tuân thủ cao, từ đó được hưởng chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình phát triển của từng quốc gia, các chương trình này cũng hướng đến mục tiêu đưa doanh nghiệp trở thành đối tác, hợp tác tin cậy của cơ quan hải quan, cũng như giúp cơ quan hải quan thực hiện chức năng quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật hải quan hiệu quả hơn.
Tại Việt Nam, mức độ tuân thủ doanh nghiệp là cơ sở quan trọng cho cơ quan hải quan áp dụng các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan, đồng thời là yếu tố thiết yếu cho việc áp dụng quản lý rủi ro, quyết định phân luồng kiểm tra hàng hóa.
Theo Tổng cục Hải quan, pháp luật hiện hành quy định việc phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan theo 5 mức độ tương ứng với khuyến nghị từ 1 đến 5.
Trong đó, ngoại trừ mức độ 1 (doanh nghiệp ưu tiên), đối với các mức độ tuân thủ còn lại, số lần bị xử phạt vi phạm hành chính là tiêu chí tác động chủ yếu đến kết quả đánh giá mức độ tuân thủ doanh nghiệp (tác động khoảng 80%).
Như vậy, về cơ bản, nếu doanh nghiệp không vi phạm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, đáp ứng đủ thời gian hoạt động và số tờ khai đăng ký, thì mức độ tuân thủ của doanh nghiệp sẽ được hệ thống đánh giá theo hướng tốt hơn và tiến đến mức độ doanh nghiệp tuân thủ (mức độ 3) và tuân thủ cao (mức độ 2).
Chia sẻ về chương trình thí điểm vừa được ban hành, đại diện Cục Quản lý rủi ro - Tổng cục Hải quan cho biết: Chương trình được thực hiện theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn thí điểm kéo dài trong 2 năm kể từ khi ban hành, kết thúc giai đoạn thí điểm sẽ tổng kết để đo lường, đánh giá và sửa đổi, bổ sung chương trình để phù hợp với yêu cầu thực tế.
Giai đoạn chính thức triển khai sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm, được tổ chức sơ kết 1 năm/1 lần, sau 5 năm chương trình tổ chức tổng kết đo lường, đánh giá kết quả việc thực hiện các mục tiêu chương trình và phương hướng triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Khuất Thành Trung, đại diện Cục Quản lý rủi ro, trong giai đoạn đầu thí điểm, cơ quan hải quan sẽ tập trung vào nhóm doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu thuộc lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu tại 6 cục hải quan gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch, sau đó sẽ triển khai mở rộng đến tất cả các đối tượng doanh nghiệp.
Tổng cục Hải quan đặt ra mục tiêu, sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2, mức 3.
Đồng thời, các dữ liệu, chỉ tiêu thông tin liên quan đến hoạt động quản lý, theo dõi, báo cáo thực hiện chương trình cũng như các hoạt động tương tác với doanh nghiệp tham gia cơ bản được thực hiện trên nền tảng số, đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số công tác nghiệp vụ của ngành Hải quan.
Sau 5 năm, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong khuôn khổ của chương trình, doanh nghiệp tham gia sẽ được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí về các nội dung liên quan đến lĩnh vực áp dụng quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh.
Cụ thể là sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí theo các cam kết tại biên bản ghi nhớ đối với doanh nghiệp khi có yêu cầu; được ghi nhận tư cách thành viên, quá trình tham gia trên hồ sơ doanh nghiệp và các hệ thống nghiệp vụ của cơ quan hải quan để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng được cơ quan hải quan phân công, bố trí công chức, chuyên gia nghiệp vụ hải quan các cấp trực tiếp hỗ trợ, tư vấn liên lạc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của doanh nghiệp…