Rạng sáng 2/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ từ ngày 30/7-1/8 theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Ấn Độ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Narendra Modi mời thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ ngay sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 3 liên tiếp.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đang hướng tới mốc kỷ niệm quan trọng 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiếc lược Toàn diện vào năm 2026 và 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2027.
Chỉ trong hai ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có chương trình làm việc dày đặc, cường độ cao, phong phú, đa dạng, với khoảng 25 hoạt động, bao gồm các cuộc hội đàm, tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao Ấn Độ, các tập đoàn lớn, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ và Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Ấn Độ.
Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, đạt mục tiêu đề ra với những kết quả cụ thể, thiết thực, đáp ứng sự quan tâm và mong đợi của cả hai bên. Chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo xung lực mới và mở ra một trang mới thực chất và sâu rộng hơn, với nhiều cơ hội hơn trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Các cuộc gặp, tiếp xúc của Thủ tướng Chính phủ với Lãnh đạo Ấn Độ đã giúp khẳng định tình cảm hữu nghị gắn bó và mối quan hệ hữu nghị truyền thống bền chặt giữa hai nước, cũng như khẳng định sự coi trọng và ủng hộ mà hai nước dành cho nhau trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước.
Trong các cuộc gặp, hai bên chia sẻ tầm nhìn chiến lược về thế giới ngày nay, ghi nhận những tiến triển và thành quả to lớn, bước tiến vượt bậc đã đạt được trong quan hệ hai nước, đặc biệt kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016.
Hai bên nhất trí rằng, Việt Nam và Ấn Độ có tin cậy chính trị cao; văn hóa - văn minh tương đồng, ý tưởng tương thông; kinh tế bổ trợ; cùng chung khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng và còn nhiều tiềm năng, dự địa hợp tác, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để phù hợp với xu thế chung của thời đại, cũng như phục vụ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân và thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi nước.
"Chúng tôi tái khẳng định sự ưu tiên và coi trọng mà Việt Nam và Ấn Độ dành cho nhau trong chính sách đối ngoại; nhất trí sẽ tiếp tục trân trọng, gìn giữ, củng cố, tăng cường quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ với tư cách là những người bạn chân thành, tin cậy, thủy chung son sắt, cùng sát cánh bên nhau trong suốt chiều dài lịch sử, hiện tại và trong tương lai; nỗ lực tìm ra điểm đột phá đưa quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới, tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước trong giai đoạn mới, vì sự thịnh vượng, hùng cường của mỗi nước, vì đời sống hạnh phúc về vật chất và tinh thần của nhân dân hai nước", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với báo giới sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Modi.
Cũng trong các cuộc tiếp xúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và những người bạn Ấn Độ thường xuyên nhắc lại mối giao lưu văn hóa, tôn giáo mật thiết giữa Việt Nam và Ấn Độ từ hàng nghìn năm, để lại những dấu ấn sâu đậm trong đời sống tinh thần của nhân dân mà theo đó Phật giáo đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của văn hóa Việt Nam hay những di sản thế giới như Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam)… còn lại đến ngày nay.
Không chỉ khởi nguồn từ những giá trị tương đồng, sâu sắc về văn hóa, Việt Nam và Ấn Độ còn đến với nhau từ sự đồng cảm, ủng hộ và cùng chia sẻ những ý tưởng chung trên con đường đấu tranh vì Độc lập, Tự do, Hạnh phúc của hai dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ tiền bối của Ấn Độ như Mahatma Gandhi, Jawarhalal Nehru cùng các thế hệ Lãnh đạo, nhân dân hai nước đã dày công vun đắp cho quan hệ truyền thống và hữu nghị bền chặt giữa hai nước.
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng Chính phủ Ấn Độ tự do đầu tiên được thành lập. Năm 1954, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đến thăm Việt Nam, ngay khi thủ đô Hà Nội vừa được giải phóng.
Trải qua chặng đường lịch sử, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ấn Độ đã không ngừng phát triển toàn diện, thực chất. Ấn Độ là một trong ba Đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam (2007). Việc hai nước xác lập khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện (2016) là dấu mốc lịch sử, tạo động lực mạnh mẽ cho việc mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp hiện nay, hai nước cần phát huy mạnh mẽ truyền thống quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn để cùng nhau vươn tới các mục tiêu chiến lược mới.
Thủ tướng Narendra Modi khẳng định Việt Nam là trụ cột mạnh mẽ trong chính sách hướng Đông, là đối tác chủ chốt trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ; cho rằng tầm nhìn phát triển tới năm 2047, trở thành nước phát triển, kỷ niệm 100 giành độc lập của Ấn Độ và mục tiêu phát triển tới năm 2045, trở thành nước phát triển, kỷ niệm 100 năm Quốc khánh của Việt Nam - sẽ mở ra các kênh hợp tác mới có lợi cho cả hai nước.
"Việc đặt Việt Nam ở vị trí quan trọng, là "trọng tâm", "cầu nối" trong chính sách "Hành động hướng Đông" đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nói chung và quan hệ kinh tế nói riêng phát triển lên tầm cao mới", Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.
Thủ tướng nêu rõ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chính sách hướng Đông của Ấn Độ và ủng hộ vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ trong các thể chế hợp tác quan trọng ở khu vực và toàn cầu.
Đặc biệt, trong chuyến thăm lần này, tình đoàn kết mạnh mẽ và hữu nghị sâu sắc giữa hai nước càng được khẳng định qua sự sẻ chia mà các nhà Lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ đã gửi tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Là người bạn lớn, thân thiết của nhân dân Ấn Độ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ năm 2012; chứng kiến hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016; đón tiếp và làm việc với nhiều nhà Lãnh đạo Ấn Độ, trong đó có Thủ tướng Narendra Modi.
Quốc hội Ấn Độ đã dành thời gian tưởng niệm, Chính phủ Ấn Độ đã cử Cố vấn An ninh Quốc gia sang Việt Nam viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Modi đã thay mặt 1,4 tỷ người dân Ấn Độ và với tư cách cá nhân gửi lời chia buồn sâu sắc trước mất mát to lớn của đất nước và nhân dân Việt Nam.
Trên cơ sở nền tảng vững chắc của 52 năm phát triển quan hệ song phương, trong bối cảnh thế và lực mới của hai nước cũng như đứng trước những biến chuyển nhanh chóng của tình hình khu vực và thế giới, các nhà lãnh đạo hai nước khẳng định quyết tâm tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm tiếp theo, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước.
Theo đó, hai bên tăng cường hơn nữa quan hệ trong các lĩnh vực truyền thống như quốc phòng - an ninh, thương mại - đầu tư, văn hóa - giáo dục và mở rộng những lĩnh vực hợp tác mới về kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, gia tăng thương mại và đầu tư hai chiều, đẩy mạnh và làm sâu sắc hợp tác về khoa học - công nghệ.
Chuyến thăm cũng khẳng định Việt Nam và Ấn Độ luôn ủng hộ lẫn nhau, sẵn sàng hợp tác, chung tay xây dựng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc Tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, ký 9 văn kiện trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, tài chính, y tế, văn hóa, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giai đoạn 2024-2028.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Lãnh đạo Ấn Độ đã nhất trí tăng cường hợp tác trên tinh thần "Năm hơn", cụ thể là:
Một là, tin cậy chính trị - chiến lược cao hơn. Lãnh đạo hai nước khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn, tiếp xúc trên cả kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, địa phương, tiếp tục triển khai Chương trình Khách quý giữa hai bên; đồng thời tăng cường hiệu quả các cơ chế hợp tác.
Việc Việt Nam công bố tham gia làm thành viên Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI) và khẳng định sớm hoàn tất thủ tục để tham gia Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế ISA, hai trong số các sáng kiến toàn cầu quan trọng của Ấn Độ, đã góp phần vào việc củng cố tin cậy giữa hai nước.
Hai là, hợp tác quốc phòng - an ninh sâu sắc hơn với việc đẩy mạnh triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ đến năm 2030, mở rộng hợp tác an ninh hàng hải, an ninh mạng, hợp tác chống khủng bố. Việc hai bên ký kết triển khai gói tín dụng 500 triệu USD dành cho quốc phòng là một bước đột phá trong chuyến thăm.
Ba là, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn, đột phá hơn. Hai bên hướng tới kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD, tăng gấp đôi đầu tư hai chiều từ nay đến năm 2030.
Việt Nam đã đề nghị Ấn Độ giải quyết vấn đề rào cản thương mại, ký Hiệp định về Thương mại điện tử, Hiệp định Thương mại song phương để khai thác tối đa thị trường bán lẻ phù hợp với xu thế mới, thúc đẩy các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh sang thị trường rộng lớn và tiềm năng của Ấn Độ như điện tử, dệt may, nông sản; thu hút các tập đoàn lớn của Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng, dược phẩm, năng lượng… Dịp này, các doanh nghiệp hai nước đã ký 06 hợp đồng lớn về hàng không, sân bay và logistics.
Bốn là, hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn. Theo đó, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác về nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ lõi, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hợp tác về năng lượng nguyên tử, đất hiếm, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực hóa dầu, các lĩnh vực năng lượng mới, thúc đẩy thành lập các liên doanh sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin và hợp tác đào tạo lực lượng kỹ sư công nghệ thông tin đáp ứng sự phát triển của ngành công nghiệp này.
Năm là, hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân kết nối mật thiết hơn. Hai bên nhất trí sớm ký thỏa thuận hợp tác về du lịch, nỗ lực sớm đạt mục tiêu tăng gấp đôi lượng khách du lịch so với hiện nay với khoảng 400.000 lượt khách/năm, tiếp tục hợp tác trùng tu, bảo tồn các di sản Tháp Chăm ở Mỹ Sơn, Quảng Nam cũng như đa dạng hóa hơn nữa các hình thức giao lưu nhân dân.
Để cụ thể hóa phương hướng "Năm hơn" đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất cần 5 định hướng ưu tiên, theo đó cần củng cố và tăng cường hơn nữa tin cậy chiến lược; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đưa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư phát triển tương xứng với tầm vóc quan hệ; đẩy mạnh hợp tác đa phương, đề cao luật pháp quốc tế, hiện thực hóa tầm nhìn về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở các vùng biển và đại dương; chủ động đóng góp vào việc ứng phó với các thách thức toàn cầu; cùng nhau đưa hợp tác văn hóa, giáo dục đào tạo, kết nối địa phương, giao lưu nhân dân, du lịch trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển bền vững của hai nước.
Một điểm nhấn quan trọng của chuyến thăm là các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp Ấn Độ, trên cơ sở phát huy nền tảng quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp để hình thành, triển khai các dự án cụ thể, khả thi, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Thủ tướng đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Ấn Độ trong các lĩnh vực như Adani (tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chuyên về hạ tầng, năng lượng), SMS Pharmaceuticals (một trong những doanh nghiệp sản xuất dược phẩm lớn nhất Ấn Độ), BDR (nhà sản xuất sản phẩm điều trị ung thư lớn nhất tại Ấn Độ), Tập đoàn Phát triển hành lang công nghiệp quốc gia (với sứ mệnh xây dựng các hành lang công nghiệp để cách mạng hóa sản xuất, đưa nước này trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, một cường quốc sản xuất, phát triển nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2026), tập đoàn ONGC (tập đoàn dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn nhất của Ấn Độ), tập đoàn công nghệ thông tin HCL…
Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đều xác định Việt Nam là điểm đến đầu tư chiến lược và mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Việt Nam. Đơn cử, lãnh đạo Adani khẳng định cam kết, quyết tâm đầu tư tại Việt Nam với các dự án được đề xuất có tổng vốn lên tới khoảng 10 tỷ USD như cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng (khoảng trên 2 tỷ USD), dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (khoảng 2,8 tỷ USD), sân bay Long Thành giai đoạn 2, sân bay Chu Lai…
SMS Pharmaceuticals cũng đã thành lập liên doanh với công ty Việt Nam để đề xuất phát triển Khu công nghiệp Dược phẩm công nghệ cao tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với mục tiêu thúc đẩy, thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 4-5 tỷ USD trong hơn 10 năm tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khuyến khích các tập đoàn lớn, tỷ phú công nghệ của Ấn Độ sang Việt Nam đầu tư, tạo ra những dự án lớn mang tính biểu tượng của hợp tác kinh tế hai nước, đón luồng dịch chuyển chuỗi cung ứng và giúp hai nước tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các lĩnh vực được khuyến khích gồm hạ tầng giao thông chiến lược, lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cốt lõi, chuyển đổi số, bán dẫn, chuyển đổi xanh (hydrogen), năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học…
Đặc biệt, Thủ tướng khuyến khích mạnh mẽ hợp tác, đầu tư của các tập đoàn dược phẩm Ấn Độ, nhất là sản xuất các loại vaccine, thuốc điều trị các bệnh nan y. Theo Thủ tướng, Việt Nam có tiềm năng lớn về các loại dược liệu trong khi Ấn Độ có thế mạnh lớn về công nghiệp dược.
Nhấn mạnh việc đầu tư vào Việt Nam trong ngành dược là lựa chọn thông minh, song Thủ tướng cho rằng, điều quan trọng là "đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả cụ thể", làm ra sản phẩm chất lượng cao, tiêu thụ tốt, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời phải chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp ý hoàn thiện chính sách, góp phần hình thành hệ sinh thái phát triển ngành công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam trên cơ sở "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển" giữa các chủ thể.
Thủ tướng Modi khẳng định chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mở ra một chương mới cho quan hệ giữa hai bên. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm cao của Lãnh đạo hai nước trong việc đưa quan hệ hai nước bước vào một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, thiết thực và hiệu quả hơn, tin cậy sâu sắc hơn, với nhiều cơ hội rộng mở hơn.
Phát huy các giá trị chung về tình đoàn kết, hữu nghị, sự tin cậy sâu sắc và những thành quả hợp tác thời gian qua, hai bên tin tưởng vững chắc vào triển vọng tươi sáng của quan hệ hai nước. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sẽ tiếp tục "nở rộ dưới bầu trời thanh bình", như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ năm 1958, cùng đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực Ấn Độ Dương, châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới./.