6 tháng năm 2022, kinh tế nước ta diễn ra trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Hệ luỵ của đại dịch COVID-19 chưa được khắc phục. Khủng hoảng Nga-Ukraine và các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga càng làm trầm trọng hơn đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Thế giới đang phải đương đầu với khủng hoảng 3 chiều: năng lượng, lương thực và tài chính. Lạm phát tại các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên toàn cầu tăng với mức cao nhất trong 4 thập kỷ gần đây. Các định chế tài chính quốc tế dự báo kinh tế thế giới năm 2022 tăng trưởng chậm lại, đạt khoảng 2,9%-3,1% so với mức tăng trưởng 5,9% của năm 2021.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, bất định, kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào nguồn và giá nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế nước ta đạt mức 6,42%, lạm phát bình quân được kiểm soát ở mức 2,44%, đảm bảo ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế là một thành công với bức tranh kinh tế 6 tháng có nhiều điểm sáng, đáng tự hào.
Trong bức tranh tăng trưởng chung 6,42%, khu vực nông nghiệp và thuỷ sản tăng 2,78%, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực thực phẩm của nền kinh tế với giá ổn định là nền tảng trong kiểm soát lạm phát 6 tháng ở mức 2,44% trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng lương thực và giá thực phẩm tăng cao.
Cộng đồng doanh nghiệp năng động, linh hoạt, thực thi hiệu quả các giải pháp để vượt qua những khó khăn, biến cố, vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của đất nước.
Ngay từ đầu năm với phương châm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế do hệ luỵ của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư diễn ra trong năm 2021, Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách và giải pháp, đặc biệt ngày 30/1/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Các gói hỗ trợ được thiết kế tinh tế, khắc phục những khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân, đồng thời tạo ra động lực, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh.
Các chính sách, giải pháp và chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực, linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp được phản ánh qua Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 1/2022 của Việt Nam đạt 53,7 điểm, tăng so với mức 52,5 điểm của tháng 12/2021.
Ngay từ đầu năm 2022 sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh với tốc độ tăng nhanh nhất trong vòng 9 tháng trở lại thời điểm tháng 1/2022 khi nhu cầu của khách hàng tiếp tục cải thiện. Trong đó, số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài tiếp tục tăng và đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ tháng 11/2018.
Đến tháng 5/2022, Chỉ số PMI của nước ta tăng lên và đạt mức 54,7% phản ánh một thực tế sản lượng và số lượng đơn hàng mới của nền kinh tế tăng mạnh hơn trong bối cảnh phục hồi sản xuất từ đại dịch; tốc độ tạo việc làm nhanh hơn; và "sức khoẻ" của khu vực kinh tế ngoài nhà nước được cải thiện đáng kể. Các điều kiện kinh doanh đã cải thiện thành mức tốt nhất trong hơn một năm.
Minh chứng cho điều kiện kinh doanh được cải thiện ở chỗ trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước đã có 76.233 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,2 lần so với mức trung bình giai đoạn 2017-2021, lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm vượt mốc 70.000 doanh nghiệp.
Cùng với doanh nghiệp thành lập mới, trong 6 tháng đầu năm 2022 còn có 40.667 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,9 lần so với mức trung bình giai đoạn 2017-2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng lên 116.900 doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 2/2022 của ngành công nghiệp chế biến chế tạo phản ánh số doanh nghiệp có đơn đặt hàng mới tăng lên của quý 2 là 38,9%, tăng 12,1% so với quý 1/2022; số doanh nghiệp có số lượng đơn đặt hàng mới giảm từ 33,4% trong quý 1/2022 xuống 22,1% trong quý 2/2022.
Đối với đơn hàng xuất khẩu mới, số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới của quý 2 là 31,0%, tăng 6,3% so với quý 1/2022; trong khi đó số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm từ 34,4% trong quý 1/2022 xuống 23,5% trong quý 2/2022.
Với tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả chỉ đạo lên trên hết, với sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội và cả hệ thống chính trị nhiều chính sách, giải pháp được Chính phủ ban hành, triển khai thực hiện đúng thời điểm trong thời gian qua đã đưa nền kinh tế nước ta phục hồi nhanh.
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/ NQ-CP, ngày 11/10/2021 có ý nghĩa rất quan trọng trong chống dịch và phát triển kinh tế, đã xoay chuyển cục diện phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nghị quyết số 128 và quyết định mở cửa nền kinh tế, đón nhận trở lại khách du lịch có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021, thúc đẩy đà phục hồi và tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 và các năm tiếp theo.
Tổng cầu trong nước của thị trường với gần 100 triệu dân đã hồi phục phản ánh qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ trong vòng 5 năm lại đây. So với 6 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra đại dịch, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,4%; tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế quý 2/2022 cao hơn quý 1/2022 ở cả 3 khu vực. Cụ thể giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý 2 tăng 3,02%, cao hơn 0,49 điểm phần trăm so với quý 1; giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp và xây dựng quý 2 tăng 8,87%, cao hơn 2,46 điểm phần trăm; giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ quý 2 tăng 8,56% cao hơn 3,92 điểm phần trăm so với quý 1. Công nghiệp chế biến chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm nay khi đạt mức tăng 9,66%.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với khủng hoảng 3 chiều: năng lượng, lương thực và tài chính. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,65 tỷ USD, chiếm 76,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với 191 dự án cấp mới, 307 dự án điều chỉnh vốn đầu tư và 224 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn là 8, 83 tỷ USD, chiếm 62,97% tổng vốn đầu tư. Trong đó tổng vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh đạt 8,35 tỷ USD, chiếm 71,02% tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn đăng ký điều chỉnh trong 6 tháng năm 2022 của toàn bộ nền kinh tế.
Trong 6 tháng đầu năm có 487 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh đạt 6,81 tỷ USD, tăng 65,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Vị thế kinh tế Việt Nam trong thương mại quốc tế được củng cố và khẳng định qua thành tích về kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng của năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong bối cảnh đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ, phí vận chuyển và logistic tăng cao, nhưng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt tới 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 136,68 tỷ USD, tăng 16,3%, chiếm 73,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2022 có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Kết quả trong đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động xuất, nhập khẩu của nền kinh tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng thế giới đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại quốc tế và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Những điểm sáng của về cải thiện môi trường kinh doanh, sản xuất, đầu tư và thương mại quốc tế trong 6 tháng phản ánh nền kinh tế đã thoát đáy, từng bước phục hồi, là cơ sở quan trọng, tạo đà tăng trưởng cao cho các 6 tháng cuối năm 2022 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh những điểm sáng, đáng tự hào, nền kinh tế đất nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dịch COVID-19 đã gây muôn vàn khó khăn trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, hệ luỵ của đại dịch chưa xử lý xong thì khủng hoảng Nga-Ukraine với các lệnh trừng phạt của Mỹ và Phương tây gây không ít khó khăn cho nền kinh tế nước ta.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 có 83.570 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã hoàn tất thủ tục giải thể; trong đó có 50.909 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm 2021; có 24.073 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước; có 8.588 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng số doanh nghiệp tạm thời ngừng sản xuất kinh doanh, chờ làm thủ tục và rút lui vĩnh viễn khỏi thị trường chiếm tới 71,48% so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng, tuy vậy kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 49,26 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phản ánh vị thế thương mại quốc tế của nước ta do khu vực FDI tạo nên. Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn yếu và lỏng lẻo.
Kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước, đặc biệt là giá xăng dầu tăng, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và cạnh tranh tại thị trường trong nước và thế giới.
Do đứt gãy chuỗi cung ứng, hệ luỵ của các lệnh trừng phạt của Mỹ và Phương tây đối với Nga gây nên khủng hoảng năng lượng, giá nhiều mặt hàng thiết yếu cho sản xuất tăng cao ảnh hưởng trực tiếp và khá mạnh đến kinh tế Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 11,21%; chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6,04% - mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Kết quả là chỉ số giá sản xuất (Chỉ số PPI) sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,38%; Chỉ số PPI sản phẩm công nghiệp tăng 4,75%; Chỉ số PPI dịch vụ tăng 2,83%; Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá tăng 8,03%; Tỷ giá thương mại hàng hoá giảm 2,85%. Những chỉ số trên cho thấy giá hàng hóa và dịch vụ của tất cả các ngành trong nền kinh tế đã tăng, giảm hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế của nước ta.
Dự báo giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới do thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu và nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế, thị trường dầu thô sẽ phải trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua. Điều này đang gây nên cơn bão giá toàn cầu, tạo áp lực rất lớn về kiểm soát lạm phát đối với kinh tế nước ta, gây nhiều khó khăn cho các ngành và lĩnh vực; làm suy giảm tổng cầu, gây bất ổn vĩ mô và giảm tiến độ và hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngành vận tải, du lịch và khai thác thủy. Đặc biệt hiện nay, do giá xăng dầu quá cao, có đến 50% tầu thuyền nằm bờ, không ra khơi đánh bắt hải sản, gây khó khăn cho hàng trăm nghìn hộ ngư dân; ảnh hưởng tới các doanh nghiệp chế biến hải sản. Khi các tàu thuyền đánh bắt hải ra khơi với lá cờ tổ quốc, ngoài ý nghĩa kinh tế, các ngư dân còn là các chiến sĩ canh gác lãnh hải Việt Nam.
Đại dịch gây nên đứt gãy chuỗi cung ứng, cùng với bất ổn địa chính trị đang đưa đến xu hướng co cụm hợp tác trong từng khối lớn; châu Âu, Mỹ, Trung Quốc đang tìm kế hoạch xây dựng quyền tự chủ kinh tế của chính mình, không còn ủng hộ vô điều kiện toàn cầu hóa và tự do thương mại như trước. Với biến động và bất định khó lường, chiến tranh thương mại, trừng phạt kinh tế lẫn nhau, các nhà quản lý và tập đoàn kinh tế đa quốc gia đang bàn thảo việc sửa đổi mô hình toàn cầu hoá sao cho phù hợp với tình hình mới.
Vừa qua, xu hướng phân mảnh của kinh tế thế giới là trọng tâm thảo luận tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2022. Chính phủ và các tập đoàn đa quốc gia đã thảo luận xu hướng phân mảnh - nghĩa là chỉ hợp tác với các quốc gia ở gần, thân thiện với nhau sẽ có thuận lợi và bất cập gì, từ đó định hình chiến lược phát triển cho riêng mình. Xu hướng này sẽ gây tổn hại cho các quốc gia đang hưởng lợi từ hệ thống thương mại toàn cầu. Khi những xu hướng này diễn ra sẽ gây khó khăn và thách thức đối với kinh tế nước ta trong những năm tới.
Nền kinh tế được mở cửa hoàn toàn sau đại dịch, dịch vụ trong nước tăng mạnh, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, sự chỉ đạo khẩn trương, sát sao, hiệu quả của Chính phủ là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Trong 6 tháng cuối năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung thực hiện một số giải pháp.
Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, thực hiện các dự án trọng điểm.
Đẩy mạnh thực hiện các gói hỗ trợ của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, các gói kích cầu nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng để nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát. Có giải pháp đột phá, thực hiện hỗ trợ cho kịp thời cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh nặng nề do giá năng lượng và nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện hài hòa chính sách tài khoá và tiền tệ. Chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường tiền tệ, lãi suất và tỷ giá trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn, phát triển nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Đảm bảo tính thanh khoản, hỗ trợ cho doanh nghiệp ổn định sản xuất và hỗ trợ xuất nhập khẩu của nền kinh tế.
Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chiến lược đa dạng nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu cho nền kinh tế theo từng ngành, lĩnh vực; từng bước xóa bỏ tình trạng phụ thuộc vào một vài thị trường, nhằm duy trì sản xuất khi diễn ra đứt gãy chuỗi cung ứng và bất ổn địa chính trị.
Đặc biệt cần đổi mới cơ bản, toàn diện về quan điểm, sứ mệnh và giải pháp xây dựng, vận hành hệ thống dự trữ quốc gia đối với các mặt hàng chiến lược của nền kinh tế. Nâng cao năng lực, trữ lượng dự trữ các loại nguyên, nhiên vật liệu công nghiệp thiết yếu, quan trọng của đất nước.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ phương án cắt giảm, hoặc tạm thời không áp dụng các loại thuế đánh vào xăng dầu để giữ giá xăng dầu không vượt ngưỡng quá cao, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh có đoàn thuyền đánh bắt hải sản có phương án trình Chính phủ hỗ trợ ngư dân về giá xăng dầu để các ngư dân đưa tàu thuyền ra khơi, đánh bắt hải sản, canh giữ lãnh hải của tổ quốc.
Với tinh thần quyết tâm vượt khó, với nỗ lực chung của toàn xã hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương luôn chủ động, linh hoạt, cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ đồng hành cùng đất nước, để duy trì sản xuất kinh doanh, chúng ta tin tưởng và kỳ vọng kinh tế nước ta sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu của năm 2022, tạo thế và lực, tạo đà và niềm tin cho quá trình phát triển năm 2023 và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của giai đoạn 2021-2025./.
TS. Nguyễn Bích Lâm