In bài viết

TRUY TỐ 3 cựu Phó Giám đốc Sở cùng Phó Trưởng phòng, chuyên viên và một loạt lãnh đạo doanh nghiệp

08:15 - 24/10/2024

(Chinhphu.vn) - Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 17 bị can thuộc giai đoạn hai của vụ án “chuyến bay giải cứu” từng được hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử trước đó.

 VKSND tối cao (Vụ 1) vừa ban hành Cáo trạng truy tố 17 bị can về các tội “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Che giấu tội phạm” xảy ra tại Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố. Trong đó, cùng với tình tiết tăng nặng, 17 bị can đều có những tình tiết giảm nhẹ. 16/17 bị can đã nộp tiền để khắc phục hậu quả. 

Theo Cáo trạng của VKSND tối cao, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. 

TRUY TỐ 3 cựu Phó Giám đốc Sở cùng Phó Trưởng phòng, chuyên viên và một loạt lãnh đạo doanh nghiệp- Ảnh 1.

Bị can Trần Tùng, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, bị truy tố trong giai đoạn 2 vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: Bộ Công an

Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của một số Bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly. 

Lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa/nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại các địa phương; trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế đưa hối lộ/nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ; có bị can lợi dụng vị trí công tác hướng dẫn, xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm, gây cản trở việc điều tra của cơ quan chức năng.

Cụ thể, bị can Trần Tùng, nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên đã nhận hối lộ 3 lần, tổng số tiền là 4.418.000.000 đồng của ông Lê Văn Nghĩa. 

Ngoài ra, bị can Trần Tùng còn lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc thực hiện 7 chuyến bay của bà Bùi Thị Kim Phụng hưởng lợi số tiền 3.270.000.000 đồng.

Cáo trạng thể hiện, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tiếp nhận công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước bằng hình thức tự trả phí cách ly y tế tại khách sạn, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các Kế hoạch đảm bảo y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc, học tập, thăm thân, cách ly y tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. 

Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Ngoại vụ là đầu mối tổng hợp danh sách, hồ sơ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cho người nước ngoài nhập cảnh và thẩm định kế hoạch đón người của các đơn vị; chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương có liên quan thẩm định điều kiện nhập cảnh và cách ly y tế, thống nhất phương án đón đoàn, thời gian, địa điểm cách ly và kế hoạch làm việc cụ thể đối với từng đoàn khách nhập cảnh, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt; hỗ trợ và hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục nhập cảnh và trong quá trình thực hiện cách ly, theo dõi theo kế hoạch.

Tại Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, Trần Tùng (Phó Giám đốc) được giao thực hiện nhiệm vụ này. 

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly tại tỉnh Thái Nguyên, với sự giúp sức của Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sen vàng Đất Việt (Công ty Sen vàng Đất Việt), Trần Tùng đã nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi cá nhân.

TRUY TỐ 3 cựu Phó Giám đốc Sở cùng Phó Trưởng phòng, chuyên viên và một loạt lãnh đạo doanh nghiệp- Ảnh 2.

Truy tố 16 bị can về các tội “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Che giấu tội phạm”

Cũng theo Cáo trạng, bị can Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt đã giúp sức bị can Trần Tùng nhận hối lộ 3 lần tổng số 4.418.000.000 đồng của ông Lê Văn Nghĩa, hưởng lợi số tiền 300.000.000 đồng.

Bị can Lê Thị Phượng, nguyên Chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương nhận hối lộ 2 lần, tổng số 650.000.000 đồng của Võ Thị Hồng thông qua Bùi Huy Hoàng.

Bị can Nguyễn Văn Văn, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nhận hối lộ 5 lần, tổng số 450.000.000 đồng của Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Bị can Lê Ngọc Tường, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam nhận hối lộ 4 lần, tổng số 400.000.000 đồng của Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Bị can Nguyễn Mạnh Trường, nguyên Chuyên viên Phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải nhận hối lộ 4 lần, tổng số 244.000.000 đồng.

Bị can Vũ Hồng Quang, nguyên Phó Trưởng phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đưa hối lộ 7.467.400.000 đồng cho Phạm Trung Kiên (bị can giai đoạn 1 vụ án, nguyên cán bộ giúp việc Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo) để xin giấy phép của Ban Chỉ đạo chấp thuận cho 624 công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ, hưởng lợi số tiền 19.985.145.000 đồng.

Bị can Trần Thanh Nhã (lao động tự do) đưa hối lộ 7.397.000.000 đồng cho Phạm Trung Kiên để xin giấy phép của Ban Chỉ đạo chấp thuận cho 461 công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ, hưởng lợi số tiền 8.205.150.000 đồng.

Bị can Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do) chuyển 2.360.000.000 đồng cho Vũ Hồng Quang đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 236 công dân về nước, hưởng lợi 2.876.254.000 đồng.

Bị can Nguyễn Mạnh Cương, Trưởng phòng Thương mại điện tử Công ty cổ phần thương mại hàng không Vietjet chuyển 3.880.000.000 đồng cho Vũ Hồng Quang đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 388 công dân về nước, hưởng lợi 2.052.928.600 đồng.

Bị can Đặng Nhật Đức, Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan chuyển 7.397.000.000 đồng cho Trần Thanh Nhã đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 461 công dân về nước, hưởng lợi 3.169.211.496 đồng.

Bị can Bùi Đăng Khoa, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du ngoạn thế giới chuyển 2.660.000.000 đồng cho Nguyễn Mạnh Cương, Vũ Hoàng Dũng để chuyển cho Vũ Hồng Quang đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 266 công dân về nước, hưởng lợi 966.098.202 đồng.

Bị can Trương Thị Mỹ Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTVThương mại Dịch vụ Du lịch Ánh Sao Thiên chuyển 3.010.000.000 đồng cho Nguyễn Mạnh Cương để chuyển cho Vũ Hồng Quang đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 301 công dân về nước, hưởng lợi 1.183.163.014 đồng.

Bị can Phạm Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH PNR chuyển 3.450.000.000 đồng cho Nguyễn Mạnh Cương, Đặng Nhật Đức để chuyển cho Trần Thanh Nhã, Vũ Hồng Quang đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 345 công dân về nước, hưởng lợi 832.399.402 đồng.

Bị can Trần Thị Ngân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ana Travel chuyển 570.000.000 đồng cho Đặng Nhật Đức để chuyển cho Trần Thanh Nhã đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 57 công dân về nước, hưởng lợi 98.000.000 đồng.

Bị can Trần Minh Phụng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ du lịch và Xây dựng Gia Huy chuyển 450.000.000 đồng cho Nguyễn Mạnh Cương và Bùi Đăng Khoa để chuyển cho Vũ Hồng Quang đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 42 công dân về nước, hưởng lợi 450.000.000 đồng.

Bị can Nguyễn Xuân Thông, nguyên cán bộ Công an không hứa hẹn trước nhưng khi biết Trần Minh Tuấn có hành vi đưa hối lộ mà vẫn hướng dẫn Tuấn khai báo gian dối để che giấu hành vi phạm tội. 

Hành vi của Nguyễn Xuân Thông đã gây cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố (vụ án Giai đoạn 1).

16/17 bị can nộp tiền để khắc phục hậu quả

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị can trong vụ án, Cáo trạng của VKSND tối cao thể hiện, bị can Trần Tùng và gia đình nộp số tiền 700.000.000 đồng để khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án” có thành tích xuất sắc trong công tác được áp dụng điểm b, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự (BLHS). 

Bị can Trần Thị Quyên đã nộp 160.000.000 đồng khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án” được áp dụng điểm b, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS.

Bị can Lê Thị Phượng và gia đình nộp số tiền 600.000.000 đồng để khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” có thành tích xuất sắc trong công tác, tham gia công tác từ thiện được áp dụng điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS.

Bị can Nguyễn Văn Văn đã nộp số tiền 450.000.000 đồng để khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án”, có thành tích xuất sắc trong công tác được áp dụng điểm b, s, t, v khoản 1 Điều 51 BLHS.

Bị can Lê Ngọc Tường đã nộp số tiền 400.000.000 đồng để khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án”, có thành tích xuất sắc trong công tác được áp dụng điểm b, s, t, v khoản 1 Điều 51 BLHS.

Bị can Nguyễn Mạnh Trường đã nộp số tiền 244.000.000 đồng để khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án” được áp dụng điểm b, s, t khoản 1 Điều 51 BLHS.

Bị can Vũ Hồng Quang đã nộp số tiền 14.500.000.000 đồng để khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án”, có thành tích xuất sắc trong công tác được áp dụng điểm b, s, t, v khoản 1 Điều 51 BLHS.

Bị can Trần Thanh Nhã đã nộp số tiền 8.211.150.000 đồng để khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án” được áp dụng b, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS.

Bị can Vũ Hoàng Dũng đã nộp số tiền 2.800.000.000 đồng để khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án”được áp dụng điểm b, s, t khoản 1 Điều 51 BLHS.

Bị can Nguyễn Mạnh Cương đã nộp số tiền 2.052.928.600 đồng để khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án”có thành tích xuất sắc trong công tác được áp dụng điểm b, s, t, v khoản 1 Điều 51 BLHS.

Bị can Đặng Nhật Đức đã nộp số tiền 1.000.000.000 đồng để khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án”được áp dụng điểm b, s, t khoản 1 Điều 51 BLHS.

Bị can Bùi Đăng Khoa đã nộp số tiền 966.098.202 đồng để khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án” được áp dụng điểm b, s, t khoản 1 Điều 51 BLHS.

Bị can Trương Thị Mỹ Dung đã nộp số tiền 1.183.163.014 đồng để khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án”, có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất được áp dụng điểm b, s, t, v khoản 1 Điều 51 BLHS.

Bị can Phạm Quốc Thắng đã nộp số tiền 832.399.402 đồng để khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án” được áp dụng điểm b, s, t khoản 1 Điều 51 BLHS.

Bị can Trần Thị Ngân đã nộp số tiền 98.000.000 đồng để khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án” được áp dụng điểm b, s, t khoản 1 Điều 51 BLHS.

Bị can Trần Minh Phụng đã nộp số tiền 300.000.000 đồng để khắc phục hậu quả, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án” được áp dụng điểm b, s, t khoản 1 Điều 51 BLHS.

Ngoài ra, bị can còn lại trong vụ án là Nguyễn Xuân Thông đã “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án”, có thành tích xuất sắc trong công tác được áp dụng điểm s, t, v khoản 1 Điều 51 BLHS.

Từ các căn cứ trên, VKSND tối cao đã quyết định truy tố ra trước TAND Thành phố Hà Nội để xét xử 17 bị can về các tội “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Che giấu tội phạm”. 

Cụ thể, bị can Trần Tùng về tội “Nhận hối lộ” theo khoản 4 Điều 354 BLHS và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3 Điều 356 BLHS; bị can Trần Thị Quyên về tội “Nhận hối lộ” theo khoản 4 Điều 354 BLHS; bị can Lê Thị Phượng về tội “Nhận hối lộ” theo khoản 3 Điều 354 BLHS. 

Các bị can Nguyễn Văn Văn, Lê Ngọc Tường, Nguyễn Mạnh Trường về tội “Nhận hối lộ” theo điểm c, đ khoản 2 Điều 354 BLHS.

Các bị can Vũ Hồng Quang, Trần Thanh Nhã, Vũ Hoàng Dũng, Nguyễn Mạnh Cương, Đặng Nhật Đức, Bùi Đăng Khoa, Trương Thị Mỹ Dung, Phạm Quốc Thắng về tội “Đưa hối lộ” theo khoản 4 Điều 364 BLHS. 

Bị can Trần Thị Ngân về tội “Đưa hối lộ” theo khoản 3 Điều 364 BLHS; bị can Trần Minh Phụng về tội “Đưa hối lộ” theo điểm đ, e khoản 2 Điều 364 BLHS; bị can Nguyễn Xuân Thông về tội “Che giấu tội phạm” theo khoản 1 Điều 389 BLHS.

VKSND tối cao phân công VKSND Thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm đối với vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Liên quan đến vụ án này, trong giai đoạn 1 vụ án, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố 54 bị can về các tội: “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đến ngày 3/4/2023 ra Bản kết luận điều tra số 08; ngày 18/4/2023 VKSND tối cao (Vụ 1) ra Cáo trạng số 3813/CT-VKSTC-V1 và ngày 28/7/2023 TAND Thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm ra Bản án số 319/2023/HSST tuyên án mức án đối với 54 bị cáo; đến ngày 27/12/2023, TAND cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ án, bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng đã tách các nội dung liên quan có dấu hiệu sai phạm nhưng chưa được điều tra làm rõ ở giai đoạn 1 để tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ và kết luận ở giai đoạn 2 vụ án.