Theo đó, sau khi đưa ra lấy ý kiến, hai phương án đề xuất nghỉ Tết của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhận nhiều ý kiến góp ý khác nhau, thậm chí có đơn vị còn đưa ra phương án thứ 3.
Cụ thể, các bộ, ngành như: Nội Vụ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày liên tục theo phương án 1 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu ra.
Cũng góp ý về đề xuất nghỉ Tết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra phương án khác là nghỉ 8 ngày, từ ngày 19/1/2023 đến hết 26/1/2023, tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão, làm bù 1 ngày thứ Bảy sau đó.
Theo Cục An toàn lao động, với ngày làm việc xen kẽ nghỉ Tết với cuối tuần, doanh nghiệp, các cơ quan có thể tự bố trí nghỉ bù để công chức, lao động có kỳ nghỉ kéo dài. Còn lịch nghỉ Tết vẫn sẽ được thông báo chung.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn nghiên cứu, điều chỉnh trước khi trình Thủ tướng vào cuối tháng 9/2022.
Đối với ý kiến người lao động mong muốn được nghỉ trước Tết dài ngày hơn, cũng cần nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra hai phương án để lấy ý kiến các bộ, ngành về đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 kéo dài 7 ngày và 9 ngày.
Về phương án nghỉ 7 ngày, công chức, viên chức sẽ nghỉ 2 ngày trước Tết và 3 ngày sau Tết, từ ngày 20/1/2023 đến hết ngày 26/1/2023, tức ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão.
Còn phương án nghỉ 9 ngày thì người lao động nghỉ 1 ngày trước Tết và 9 ngày sau Tết, từ ngày 21 đến hết ngày 29/1/2023, tức từ ngày 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão.
Trong hai phương án, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiêng về hướng chọn nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày, bởi cho rằng phương án này đảm bảo tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài và hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết./.
Theo TTXVN