Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại diện các bộ, ngành và tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí.
Theo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, hội nghị được tổ chức nhằm quán triệt một số nội dung cơ bản, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW.
Đồng thời, hội nghĩ sẽ trao đổi, thảo luận về những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện đề án bảo đảm khả thi, hiệu quả phù hợp với bối cảnh, điều kiện tình hình thực tế.
Định hướng các nội dung công việc, xác định trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thông tin, báo chí trong tham gia triển khai thực hiện đề án.
Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vào chiều 23/6, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ: Việc Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành Quyết định 407/2022/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027" có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đáp ứng xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay.
Đồng thời, nội dung của đề án phù hợp với chủ trương "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và yêu cầu đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật - khâu đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành, đưa pháp luật vào cuộc sống, trong đó bảo đảm gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Theo đó, đề án xác định mục tiêu tổng quát là nhằm tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thông qua các kênh thông tin, báo chí rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL; tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần được ban hành, hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của VBQPPL cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Từ đó, các mục tiêu cụ thể gồm: Năm 2022, hoàn thành việc quán triệt, hướng dẫn, tập huấn, xây dựng kế hoạch thực hiện đề án trên phạm vi toàn quốc; 70% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL đến khi thông qua, ban hành VBQPPL; từ năm 2023, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL, đến khi thông qua, ban hành văn bản.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, đề án xác định vào một số nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, xác định phạm vi các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội cần được truyền thông (gọi là dự thảo chính sách).
Theo đó, đề án được triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước, áp dụng đối với các dự thảo chính sách đáp ứng 4 tiêu chí: Là các chính sách được ban hành trong các VBQPPL mà Luật Ban hành VBQPPL quy định phải lập đề nghị xây dựng VBQPPL trước khi soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật; tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách; chính sách có tác động trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời điểm truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện ngay từ khi cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL.
Thứ hai, phát huy vai trò chủ động của cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo VBQPPL trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách.
Đề án quy định rõ trách nhiệm chủ động của các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo VBQPPL trong tổ chức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách.
Theo đó, trên cơ sở quy định của quyết định này và chương trình/kế hoạch xây dựng dự án, dự thảo VBQPPL của Quốc hội, Chính phủ, địa phương, cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL căn cứ nội dung, tính chất dự thảo chính sách và yêu cầu thực tiễn chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách hàng năm; phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo đảm các biện pháp an ninh, an toàn thông tin trong quá trình thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo VBQPPL.
Thứ ba, tăng cường công tác chỉ đạo, theo dõi của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, cấp tỉnh trong truyền thông dự thảo chính sách.
Theo đề án, ở Trung ương, hàng năm, căn cứ chương trình xây dựng VBQPPL của Quốc hội, Chính phủ và yêu cầu thực tiễn, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách thuộc phạm vi đề án. Ở địa phương, hàng năm, căn cứ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng phối hợp phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, chương trình/kế hoạch xây dựng VBQPPL của địa phương và yêu cầu thực tiễn, Hội đồng phối hợp phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách thuộc phạm vi đề án tại địa phương mình.
Thứ tư, xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông dự thảo chính sách bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động.
Để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách đạt hiệu quả, cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông dự thảo chính sách bảo đảm đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, sinh động. Nội dung truyền thông dự thảo chính sách gồm các vấn đề chủ yếu là: Sự cần thiết ban hành chính sách; mục đích, quan điểm xây dựng chính sách; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của chính sách; nội dung cơ bản của chính sách; nội dung mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ so với quy định hiện hành về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, chú trọng các vấn đề khó, có nhiều ý kiến khác nhau; các nội dung khác cần thông tin rộng rãi đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội (nếu có).
Thứ năm, cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông dự thảo chính sách.
Đề án xác định các nhóm hình thức truyền thông dự thảo chính sách như: Xây dựng các chuyên mục, chiến dịch truyền thông, đưa tin vào khung giờ thu hút khán, thính giả để truyền thông về dự thảo chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng, đăng tải tài liệu truyền thông phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; tổ chức các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo; thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, niêm yết tại bảng tin, màn hình tại khu dân cư, lồng ghép trong các loại hình văn hóa cơ sở; thực hiện việc tích hợp, chia sẻ để đăng tải thông tin nội dung dự thảo chính sách, kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách hàng năm trên Cổng Thông tin điện tử phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia, các ứng dụng phần mềm về phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm thống nhất, liên thông, cập nhật, tăng cường tương tác với người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức truyền thông thông qua các ứng dụng mạng xã hội và hình thức truyền thông phù hợp khác.
Thứ sáu, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách
Đề án cũng quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan như: Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, UBND cấp tỉnh trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đề án.
Lê Sơn