In bài viết

TỔNG THUẬT: Đã đến lúc phải thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

12:15 - 02/08/2022

(Chinhphu.vn) - Ngày 1/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Cụ thể hóa một bước chủ trương chăm lo nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là hội nghị hết sức ý nghĩa. Chủ trương rất rõ của Đảng, Nhà nước ta là Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, tất cả doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm công nhân, người thu thập thấp. Hội nghị nhằm cụ thể hóa một bước chủ trương của Đảng về chăm lo nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.

Mặt khác, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng nêu rõ, muốn phát triển công nghiệp cần nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố con người. Nghiên cứu thực tiễn các nước cho thấy đa số các nước đều có chính sách nhà ở xã hội, như cho mua và thuê mua nhà ở xã hội. Người công nhân khi vừa bắt đầu làm việc thì không thể mua ngay được nhà ở, nên phải có các chính sách như thuê mua, trả góp…

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, giúp hàng trăm nghìn công nhân, người thu nhập thấp có chỗ ở an toàn

Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2014, theo đó, pháp luật về nhà ở hiện hành đã có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân lao động, như: Miễn tiền sử dụng đất; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp; chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã hoàn thành gần 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn. Đây là một kết quả đáng kể. Một số địa phương, doanh nghiệp làm tốt vấn đề chăm lo nhà ở cho công nhân.

Phát triển nhà ở xã hội: Đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách; cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng.

"Vừa qua, tôi có đến thăm công nhân ở nhiều địa phương thi nhiều khu nhà ở công nhân vẫn rất chật hẹp, khó khăn. Các chủ nhà trọ cũng có nhiều cố gắng và chia sẻ. Tuy nhiên các giải pháp cho vấn đề nhà ở công nhân còn tự phát, chưa triển khai bài bản, chưa đáp ứng yêu cầu về không gian, vệ sinh, môi trường…

Một trong những quyền của con người là có chỗ ở, có công ăn việc làm, quyền mưu cầu hạnh phúc.

Chúng ta đã có cố gắng về vấn đề nhà ở công nhân nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Đây cũng là thực tế khách quan của một nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, đi lên từ một nước nghèo nàn lạc hậu sau nhiều năm bị tán phá bởi chiến tranh, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng còn rất nhiều việc phải làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức vừa qua, chúng ta vẫn giữ vững được ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định các loại thị trường. Đáng quý là càng trong khó khăn, người Việt Nam càng đoàn kết và thường "biến nguy thành cơ".

Đã đến lúc phải thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

"Chúng ta không thể làm tất cả các việc cùng lúc, nhưng việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đã đến lúc phải làm, góp phần thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược.

Tôi đã chỉ đạo các cơ quan sắp tới triển khai các hội nghị để vừa phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định, bền vững, lâu dài, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ chuyển đổi này, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hội nghị này là một dịp để đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua và định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, các giải pháp cần làm thời gian tới, trong đó có vấn đề phát huy mạnh mẽ tinh thần tự nguyện, tự giác và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, phù hợp với chủ trương của Đảng, luật pháp của nhà nước và với tình hình, điều kiện thực tế; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết các vấn đề cơ chế, chính sách tài chính, sự vào cuộc của các địa phương…

Thủ tướng mong muốn sau hội nghị sẽ có chuyển biến thực sự về vấn đề nhà ở xã hội

"Trong thời gian ngắn, động lực nào để chúng ta tạo ra sự đột phá trong bối cảnh nhu cầu rất cao của một nền kinh tế đang phát triển nhanh, trong đó có việc bảo đảm cân đối lớn về lao động, bao gồm vấn đề nhà ở cho người lao động.

Tôi mong muốn sau Hội nghị sẽ có chuyển biến thực sự về vấn đề nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp", Thủ tướng phát biểu.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao, thông qua việc hỗ trợ công nhân về nhà ở, xây dựng trường học, bệnh viện... và nhất là trong phòng chống dịch COVID-19.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chia sẻ với các doanh nghiệp về những khó khăn, mất mát trong hơn 2 năm phòng chống dịch; đồng thời trân trọng cảm ơn các doanh nghiệp đã có những đóng góp quan trọng trong những thời điểm rất khó khăn, về trang thiết bị, thuốc, vaccine..., góp phần cùng cả nước kiểm soát được dịch bệnh. Thủ tướng nhắc lại nhấn mạnh vaccine là vũ khí quyết định để phòng chống dịch và đề nghị các doanh nghiệp tích cực tham gia việc triển khai tiêm vaccine cho người dân, người lao động theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Phát triển nhà ở xã hội: Chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tóm tắt về triển khai thực hiện và đề xuất giải pháp thúc đẩy chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp, các chính sách về phát triển nhà ở xã hội đã giúp cho số lượng rất lớn hộ gia đình được cải thiện nhà ở.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.

Về cơ chế chính sách và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Chính sách phát triển nhà ở hiện hành cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp trong thời gian vừa qua được thực hiện theo các quy định tại Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP); Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cũng như quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cụ thể là: Quy định 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở; Quy định về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Quy định các cơ chế ưu đãi; Quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Về việc đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai, thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà công nhân trong thời gian gần đây, bên cạnh việc thực hiện kiểm tra thường xuyên công tác quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đã lập kế hoạch, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, thành lập Tổ công tác liên ngành làm việc trực tiếp với một số địa phương trọng điểm về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.

Về kết quả đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2. Trong đó:

Đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 175 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 93.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 4,6 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 274 dự án, quy mô xây dựng khoảng 293.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 14,6 triệu m2;

Đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án nhà ở công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích 3,1 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.000 căn hộ, tổng diện tích 8 triệu m2.

Với kết quả này, việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn cùng như yêu cầu đặt ra, do đó việc phát triển nhầ ở xã hội cần tập trung đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Đối với việc giải ngân gói hỗ trợ cho Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: Tính đến ngày 05/7/2022, có 41/63 địa phương có báo cáo, trong đó báo cáo số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai là 240 dự án, dự kiến nhu cầu vay vốn là 34.552 tỷ đồng.

Một loạt "rào cản" chính sách, quấn chân nhà ở xã hội

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề cập đến một số tồn tại, khó khăn trong, cụ thể:

Về quy định pháp luật, trong quá trình triển khai các quy định pháp luật vẫn còn một số tồn tại cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan, cụ thể như sau:

Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại, như: Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; các đối tượng nhà ở xã hội phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện…

Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.

Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.

Quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng: trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn, làm giảm thu hút đầu tư.

Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong khi trên thực tế nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã muốn mua, thuê nhà ở xã hội để cho người lao động của họ thuê lại để ở là rất lớn.

Về thực hiện miễn tiền sử dụng đất đối với Chủ đầu tư: Theo quy định của pháp luật về nhà ở thì Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất trong phạm vi dự án (bao gồm cả phần kinh doanh nhà ở thương mại). Tuy nhiên theo pháp luật về đất đai (khoản 3 Điều 8 Thông tư số 10/2018/TT-BTC) thì yêu cầu Chủ đầu tư khi bán nhà cho khách hàng thì phải nộp lại số tiền sử dụng đất được miễn, trong khi Chủ đầu tư đã dùng lợi nhuận của phần kinh doanh thương mại (trong cơ cấu giá bán đã tính tiền sử dụng đất) để bù đắp, giảm giá thành cho nhà ở xã hội dự án.

Về tổ chức thực hiện, Ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: mới bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội); nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí.

Nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội: Chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.

Chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương.

Chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định.

Chưa thực sự quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án… vẫn còn kéo dài.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng chia sẻ, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của một số nước tương đồng với Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, hầu hết các nước đều đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê, thông qua các hình thức trực tiếp đầu tư công hoặc giao cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư hoặc có các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư hoặc người dân thuê, mua nhà ở xã hội.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng nêu ra một số giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân trong thời gian tới.

Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế… trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Lập phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022-2030. Bộ Xây dựng chủ trì lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án.

Thủ tướng Chính phủ giao quy hoạch, định hướng các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Để có cơ sở số liệu lập đề án đề nghị các địa phương báo cáo trong tháng 8 một số nội dung theo yêu càu Bộ Xây dựng hướng dẫn.

Bộ trưởng cũng đề xuất kiến nghị nhiều giải pháp cần làm đối với các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình Bộ Xây dựng sẽ Nghiên cứu dự thảo, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội (dự kiến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV).

Chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Phối hợp Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại của Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hiến kế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách.

Không có một chính sách ưu đãi nào nhưng người dân vẫn xây nhà trọ công nhân

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang: Như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là vấn đề rất cần quan tâm để bảo đảm hoàn thiện chính sách ưu đãi.

Qua thực tiễn triển khai đề án xây dựng thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời gian vừa qua, tôi thấy một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, đến nay chính sách phát triển nhà ở xã hội chỉ đề cập đến đối tượng trong khu công nghiệp, chưa có sự tham gia của các đối tượng khác, trong khi đó lại có các thành phần khác tham gia rất tích cực.

Tôi lấy ví dụ như toàn bộ các nhà trọ cho công nhân đang toàn bộ do người dân tham gia vào. Trong các quy định hiện hành chưa có quy định nào có sự tham gia của người dân. Mà số lượng này tại công khu công nghiệp, khu chế xuất đa phần là nhà trọ tự phát của người dân.

Thứ hai, hiện nay chúng tôi quan niệm nhà ở, đặc biệt nhà ở xã hội, chính là một phần cấu thành của công tác xã hội, rất cần sự tham gia, hỗ trợ của Nhà nước như thông điệp của Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu kinh nghiệm tại một số nước như Singapore, Hàn Quốc… có sự tham gia của đầu tư công, hoặc giao cho doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, nhưng rất cần có sự tham gia của Nhà nước.

Do vậy, muốn phát triển nhà ở xã hội nhất là nhà ở cho công nhân, chúng ta cần xác định: Thứ nhất, đối với các hệ thống cơ chế chính sách cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đặt ra vừa rồi nhưng phát triển chưa mạnh, tình trạng thiếu nhà ở, nhất là nhà ở xã hội.

Thứ hai, đối với thành phần là người dân tham gia vào nhà ở xã hội, nhà ở, nhà trọ cho công nhân rất cần có bàn tay của Nhà nước cũng như sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương để bảo đảm cho nhà trọ có tiêu chuẩn, có mật độ…

Tất cả những nội dung đó để bảo đảm huy động được các nguồn lực từ nhân dân cả về tiền bạc, đất đai để tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Như một thôn ở Bắc Giang có 1.000 dân trong khi đó có 10.000 công nhân trọ thì từ hệ thống rác thải đến mọi thứ đều quá tải thì làm sao có thể bảo đảm được tiêu chuẩn cho công nhân.

Làm sao người dân không có một chính sách ưu đãi nào nhưng vẫn xây nhà ở, nhà trọ cho công nhân được và công nhân vẫn phải chấp nhận dù các nhà trọ đó tiêu chuẩn không bảo đảm, diện tích phòng trọ chật hẹp.

Một vấn đề nữa mong các đồng chí chỉ đạo, cần sự vào cuộc của Nhà nước, ở đây là các địa phương đang có điều kiện, cân đối được chính sách để phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, chúng tôi muốn nhà ở cho công nhân là nhà thuê, không phải công nhân nào cũng có thể mua ngay được nhà.

Khi đã xác định được các thành phần như thế, việc sửa đổi cơ chế chính sách, sửa đổi các luật đi theo mới đồng bộ được. Đây là cái chung. Còn cái riêng là sự vào cuộc của địa phương, bởi phải có quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội.

Cái thứ hai là từ quỹ đất ấy thì cần có quy hoạch. Quy hoạch rất mất thời gian. Qua thực tiễn vừa rồi, triển khai một số dự án tại địa phương, chúng tôi thấy việc sửa một quy hoạch phân khu, chi tiết rất mất thời gian.

Thứ nữa là vấn đề giải phóng mặt bằng, nhiều khi các địa phương chưa chuẩn bị, chưa tách được gói giải phóng mặt bằng riêng. Vấn đề kết nối hạ tầng, phải có hệ thống hạ tầng đấu nối mới triển khai được.

Xây dựng nhà ở xã hội: Chỉ có nỗ lực của doanh nghiệp thì chưa đủ

Đại diện Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa: Tập đoàn mong muốn ngày càng có nhiều những căn nhà đẹp, có những tiện ích cơ bản cho người thu nhập thấp. Việc triển khai nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội có thể không mang lại lợi nhuận nhiều nhưng có ý nghĩa xã hội to lớn.

Chiều qua (ngày 31/7), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì họp với các bộ, doanh nghiệp sơ bộ để chuẩn bị cho Hội nghị hôm nay, cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất chú trọng và quan tâm tới các vấn đề của hội nghị hôm nay, để có kết quả.

Về phía doanh nghiệp, để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp. Tập đoàn chúng tôi phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội.

Phát triển nhà ở xã hội: Thủ tục phê duyệt dự án rất lâu

Chúng tôi cũng có đề xuất một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu, còn các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt.

Thứ hai, như Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói liên quan đến vấn đề quy hoạch, hiện nay tất cả đề án có nhà ở xã hội liên quan đến các chỉ tiêu mới về diện tích nhà ở xã hội từ 25-70 m2.

Do vậy tất cả các đề án quy hoạch, quy hoạch chi tiết 1/500 phải điều chỉnh lại vì sẽ tăng chỉ tiêu dân số, tăng cả tiện ích xã hội, tiện ích hạ tầng xã hội,… Điều này dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, nhưng nếu làm sẽ rất lâu.

Chúng tôi đề nghị Chính phủ vào cuộc, cho phép song song với các địa phương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì cho phép doanh nghiệp tài trợ hoặc tham gia vào điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ, còn các chỉ tiêu, quy hoạch về dân số, hạ tầng do các cơ quan nhà nước phê duyệt chứ doanh nghiệp không tham gia vào việc này.

Thứ ba, hiện nay thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội rất lâu. Chúng tôi được biết qua thông tin của các sở, ngành là tối thiểu 600 ngày hoặc dài hơn. Nên đề nghị những bước nào làm song song được thì cho song song như hồ sơ đấu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư…

Chúng ta có thể rút ngắn xuống từ 90 đến 120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ.

Song song với đó, chính quyền thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500, với tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư làm nhà ở xã hội bình đẳng, trung thực với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Cần hướng dẫn thống nhất quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội

Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân: Chiều qua TPHCM đã tham dự buổi họp với đồng chí Phó Thủ tướng cùng các bộ, ngành và đã nêu đầy đủ các khó khăn của Thành phố. TPHCM xin báo cáo tóm tắt để đẩy nhanh tiến độ chương trình nhà ở xã hội của Thành phố cũng như tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, giai đoạn 2006-2020, TPHCM đã xây dựng khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố. Suốt thời gian này, các dự án hầu hết do các doanh nghiệp của Thành phố xây dựng.

TPHCM quy mô dân số trong giai đoạn từ 2021-2025 dự kiến tăng 1 triệu người, tức là trong 1 nhiệm kỳ, quy mô dân số đang là 1 triệu dân. Như vậy trong thời gian tới, quy mô dân số đến năm 2030, tăng 11,3 triệu dân, bình quân mỗi năm tăng 200.000 dân.

Nhu cầu của TPHCM về nhà ở xã hội cũng đã được Bộ Xây dựng thẩm định chương trình và thành phố đã phê duyệt chương trình này. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, thành phố đã xây dựng 35.000 căn hộ xã hội trên địa bàn. Giai đoạn 2026-2030, xây dựng 58.000 căn.

Như vậy từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ xây dựng 93.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, dành 25% cho nhà ở công nhân và nhà cho thuê. Thành phố thống nhất với những vướng mắt và khó khăn do Bộ Xây dựng trình bày.

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất 7 kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành của Trung ương như sau:

- Kiến nghị Thủ tướng có chỉ đạo ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, nhà ở xã hội ở các địa phương triển khai thực hiện theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian để giải quyết hồ sơ cũng như các hoạt động về đầu tư xây dựng.

Trước mắt, Thành phố hệ thống được các bước để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội gồm: Chấp thuận chủ trương đầu tư quy hoạch, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Các bước này, TPHCM đã có đề xuất giảm 50% thủ tục hành chính như các tập đoàn cũng đã đề xuất.

- Đề xuất cho ban hành hướng dẫn việc xác định phân bổ và hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% để xây dựng nhà ở xã hội.

- Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có giá phù hợp, nhà ở cho thuê, nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở cho các đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

- Điển hình hóa các thiết kế nhà ở xã hội được thẩm định thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng để triển khai xây dựng hàng loạt, góp phần giảm thời gian thủ tục đầu tư và giá thành căn hộ.

- Cho phép UBND TPHCM được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2-10 ha theo 1 trong 3 bước:

i) Dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội;

ii) Chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại thời điểm chuyển giao để sử dụng làm nhà ở xã hội;

iii) Nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước (tương tự như Nghị định số 100/2015/NĐ-CP).

Đối với các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đát từ 10 ha trở lên, thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức dành quỹ đất 20% trong dự án theo quy định.

- Bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để thực hiện các chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở năm 2014, để doanh nghiệp vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội;

Hiện nay, khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, quy hoạch, nhà ở, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý, sử dụng tài sản công, đấu thầu,…

Thủ tục thực hiện phải qua nhiều cơ quan, đơn vị cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình được vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ đến năm 2025 và những năm tiếp theo để thực hiện các chương trình này.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: TPHCM đã tập trung triển khai chương trình nhà ở xã hội, để làm sao có điều chỉnh phù hợp với quy hoạch và thủ tục. TPHCM  đã chủ động rút ngắn thủ tục ngắn nhất, trong đó ngắn nhất 137 ngày, dài nhất 217 ngày.

Thành phố đã cố gắng rút ngắn để tạo điều kiện cho các đơn vị tiến hành, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng có nhiều vấn đề.

Vì vậy, trong dự thảo chỉ thị giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan nên có cơ chế, ở đó tổ công tác phải cùng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hơn.

TPHCM tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội, nhà cho thuê, đặc biệt là nhà cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp chưa đủ điều kiện để nua. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có điều kiện đầu tư mạnh hơn, thành phố tập trung xây dựng nhà ở xã hội, cố gắng xây dựng 70.000 căn trong thời gian tới.

Cần thiết có cơ chế tài chính trong từng phương án cụ thể liên quan đến quỹ đất, quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư. Thành phố mong muốn phấn đấu đến năm 2025, đúng dịp kỷ niệm 55 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ thực hiện được các dự án này.

Kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group: Việc phát triển nhà ở xã hội là một trong những chính sách nhân văn của Nhà nước ta nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho đối tượng là hộ nghèo, người lao động, công nhân và người có thu nhập thấp. Tập đoàn Sun Group rất vinh dự được tham gia đồng hành cùng với Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này.

Mặc dù chính sách hiện hành đã phần nào tạo điều kiện để phát triển nhà ở xã hội nhưng chưa tháo gỡ được những khó khăn hiện nay. Do vậy để thúc đấy phát triển nhà ở xã hội. Chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất một số cơ chế, chính sách sau:

Thứ nhất, về đối tượng được mua nhà ở xã hội, theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở thì đối tượng mua nhà ở xã hội gồm 10 đối tượng là cá nhân mua nhà ở xã hội. Tuy vậy, quy định này trong thời gian qua đã hạn chế nguồn cầu về nhà ở xã hội.

Do vậy, chúng tôi xin kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức (có thể là doanh nghiệp) mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi.

Thực tiễn, trong thời gian qua, Tập đoàn Sun Group đã triển khai xây dựng các khu nhà ở xã hội Sunhome cho cán bộ, nhân viên tập đoàn thuê hoặc thuê dài hạn, nhằm ổn định đời sống và yên tâm làm việc của người lao động.

Thứ hai, trường hợp địa phương đã bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội đảm bảo nhu cầu của địa phương, thì cũng mong các bộ, ngành xem xét không cần bố trí thêm quỹ đất nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Đối với trường hợp này, doanh nghiệp được phép đóng tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội, đồng thời, phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Nếu nghiên cứu thật nhanh, ban hành chính sách trong vòng 1 tuần, thì chỉ 2 năm là giải quyết được vấn đề nhà ở

Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội: Việc phát triển các khu công nghiệp trước đây chúng ta đã tính toán rất kỹ lưỡng và việc giải quyết nhà ở cho xã hội trong giai đoạn vừa qua khá tự phát, đa số là nhà trọ.

Bây giờ nếu chúng ta vẫn dùng nhà trọ nhưng nâng lên thành một chính sách để chính những người dân có điều kiện sẽ chuyển đổi thành nhà hiện đại hơn, quy mô tốt hơn, đời sống tốt hơn.

Nếu chúng ta nghiên cứu thật nhanh trong vòng 1 tuần để ra được chính sách này, những người dân ở các khu công nghiệp được hưởng chính sách đầu tư, thì trong vòng chỉ 2 năm là giải quyết được cơ bản về nhà ở. Cũng như chính sách về pin mặt trời áp mái, chính sách đưa ra là người dân lập tức thực hiện.

Như vậy, tôi nghĩ nếu chúng ta nâng chính sách cũ thành chính sách mới để hỗ trợ cho các đối tượng, toàn bộ người dân đều vào cuộc thì sẽ tốt.

Các đối tượng được đưa ra ở hội nghị chỉ ghi là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Sau 25 năm phát triển CNH-HĐH đất nước, ở thời điểm này là nền kinh tế tri thức gắn với các khu công nghệ cao rất nhiều.

Chính vì vậy đối tượng cần mở ra là trí thức, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia cao cấp… Chúng ta mở rộng đối tượng để xây các khu nhà cao cấp hơn, để các chuyên gia có thể thuê dài hạn hoặc thuê-mua.

Có thể chính sách này sẽ thu hút các doanh nghiệp lớn vào cuộc và cùng với chính quyền để thực hiện.

Không để doanh nghiệp phải đi gặp quá nhiều cơ quan

Nhưng quan trọng nhất là giờ Chính phủ phải có một nhóm xuống làm việc cùng với các doanh nghiệp để nghiên cứu những gì còn đang vướng, đang khó để tháo gỡ.

Chúng tôi đến đây cũng muốn cam kết với Chính phủ và các địa phương là chúng tôi đóng góp với mong muốn làm thế nào để chúng tôi đóng góp tốt, làm thế nào để chúng tôi tham gia đầu tư được, kể cả việc thu hồi vốn, kể cả việc ưu đãi…

Chúng ta khuyến khích nhưng cũng phải để doanh nghiệp thực thi một cách dễ dàng, không để doanh nghiệp phải có quá nhiều đầu mối, đi gặp quá nhiều các cơ quan…

Chính phủ nên nghiên cứu để đưa vào 1 đầu mối, chỉ 1 cơ quan đưa ra quyết định. Đã nằm ở trong khuôn đó rồi thì bất kỳ ai tham gia thực hiện cũng đều được hưởng chính sách đó.

Phải xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn, huy động được nguồn lực của người dân

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín: Đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội, chúng tôi sẵn sàng tham gia. Đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có cơ chế, chính sách cụ thể để chúng tôi tham gia.

Với vai trò là chủ của Tập đoàn Him Lam, chúng tôi xin đề xuất về chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân như sau: Hiện nay Chính phủ đang tập trung vào vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, huy động các doanh nghiệp, nhưng tôi thấy nguồn lực lớn nhất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chính là ở người dân, như ở TPHCM có 700.000 phòng trọ cho công nhân.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ vấn đề này vì đây là vấn đề rất lớn nhưng quy chuẩn, tiêu chuẩn không có. Quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn, huy động được nguồn lực của người dân mới là nguồn lực lớn, chứ còn nguồn lực của doanh nghiệp thì không đủ để đáp ứng nhu cầu.

Đề nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà trọ cho công nhân. Hiện nay công nhân đa số từ nông thôn lên thành phố làm việc, sau một thời gian họ cũng không ở lại mà trở về quê. Do vậy, chúng ta phải quan tâm đến đối tượng này. Chúng ta có bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn, như vậy mới cấp phép kinh doanh được.

Thứ hai là xây dựng chính sách hỗ trợ về nguồn vốn để giúp người dân phát triển nhà ở công nhân cho thuê. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để người dân tham gia tích cực, sau đó mới đến phần doanh nghiệp tham gia.

Chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội: 5 năm chưa xong thủ tục

Như doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ từ nay đến 2030. Đây là quỹ đất mà doanh nghiệp của chúng tôi đã có nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục.

Chúng tôi có 2 dự án nhà ở thương mại, theo đề nghị của Bộ Xây dựng chuyển thành nhà ở xã hội để lo cho người nghèo nhưng có một dự án tới 5 năm, một dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục.

Từ nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội còn khó hơn thủ tục làm nhà ở thương mại. Rõ ràng, các doanh nghiệp đều có nghề, có nguồn lực dồi dào nhưng để làm được rất khó. Thủ tục vô cùng phức tạp, từ thành phố, tỉnh, các ngành đến các bộ, ngành…

Tóm lại, quan trọng nhất phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn và có chính sách để hỗ trợ người dân phát triển thì mới nhanh được, đáp ứng được nhu cầu đại đa số, lại giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Những dự án nhà ở thương mại nhưng có 20% nhà ở xã hội, như vậy rất nhỏ lẻ và manh mún, bất cập.

Nên quy hoạch khu vực nhà ở xã hội tập trung. Các địa phương cần có quy hoạch riêng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Trong khu công nghiệp, cũng không thuần túy là nhà ở công nhân mà còn các đối tượng làm việc trong khu công nghiệp, cũng đều phải được tính toán, quy hoạch trong đấy.

Phát triển nhà ở xã hội: Hà Nội kiến nghị gỡ vướng và giao quyền

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Văn Tuấn: Về kết quả đạt được, giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã hoàn thành 25 dự án với khoảng 1,25 triệu m2 sàn và 52 dự án đang triển khai với khoảng 4,14 triệu m2 sàn.

Nhà ở xã hội của thành phố được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, gắn với phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị; được đầu tư với nhiều hình thức đa dạng từ các nguồn lực xã hội. Ngoài ra, thành phố Hà Nội đang triển khai 05 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) hiện đại với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ.

Về định hướng phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, theo quy định của Luật Nhà ở, thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển nhà ở 5 năm 2021-2025 đã được được HĐND thành phố Hà Nội thông qua.

Trên cơ sở đó xác định nhu cầu và tổng nhu cầu sàn nhà ở xã hội đến 2030 trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội là khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 113.000 căn hộ và vốn xây dựng nhà ở xã hội khoảng 12.500 tỷ đồng.

Về giải pháp thực hiện chương trình này, thành phố Hà Nội đặt ra 5 giải pháp:

Một là, đẩy mạnh các khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật xã hội.

Hai là, rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu vực giáp ranh các khu công nghiệp, rà soát các khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% (với Hà Nội là 25%) để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển đặt ra.

Ba là, bố trí nguồn tiền các chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Thứ tư là, kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội - độc lập, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội phục vụ tái định cư; cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện cho vay ưu đãi (qua Quỹ Đầu tư phát triển, Ngân hàng chính sách) để hỗ trợ nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định tại Điều 49, 50 Luật Nhà ở.

Thứ năm là, khuyến khích nhà đầu tư đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn theo quy hoạch phục vụ công nhân và người lao động trong quá trình hình thành các khu công nghiệp mới.

Để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, UBND thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo hoàn thành 19 dự án với khoảng 1,2 triệu m2 sàn giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai 38 dự án còn lại dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025. Tổng thể, thành phố đã triển khai 52 dự án, cộng 5 khu nhà ở xã hội tập trung là 57 dự án trên toàn địa bàn.

Đối với các khu nhà ở xã hội tập trung, đây là chủ trương lớn của thành phố, chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ từ năm 2017 để thực hiện giải pháp là tạo lập khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật có tính chất tổng hợp để giải quyết nhu cầu cơ bản của Thành phố.

Đến nay 5 khu nhà ở xã hội tập trung này quy mô đất khoảng 280 ha, chúng tôi đã bố trí ở khu vực Đông Anh khoảng 84 ha, khu vực Thanh Trì, Thường Tín quy mô cũng là 4 ha và một khu vực huyện Gia Lâm quy mô 55 ha và một khu nữa ở Đông Anh với quy mô lớn khoảng gần 100 ha.

Dự kiến thời gian tới, sẽ hoàn thành bảo đảm quy mô, công suất khoảng 2,3 triệu m2 sàn tương đương 38.000 căn hộ.

Nội dung này, thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2021.

Thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu 3 đến 5 địa điểm để phát triển khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung để thực hiện nhu cầu nhà ở xã hội nói chung và nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu vực công nghiệp khác trên địa bàn.

Trong khuôn khổ hội nghị, thành phố Hà Nội có 3 kiến nghị:

Thứ nhất là về điều kiện tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội, theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư 09/2021/TT-BXD, điều kiện để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất trong đó có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải có quyết định chủ trương đầu tư và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt.

Tuy nhiên theo Điều 33 Luật Đầu tư 2020, việc lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án không yêu cầu phải có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và theo quy định tại Khoản 4, Điều 108 Nghị định 30/2021/NĐ-CP về Luật Nhà ở, điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất phải có nội dung yêu cầu dự án phù hợp với quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 để giống quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000 là đủ điều kiện.

Nội dung này ứng vào luôn 5 khu nhà ở xã hội tập trung của thành phố và thành phố có quy hoạch chi tiết 1/500 thì mới đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội được.

Tuy nhiên, trong Luật Đầu tư và Luật Quy hoạch đô thị về xây dựng, khi chúng ta chọn nhà đầu tư thì nhà đầu tư mới phải xuất quy hoạch 1/500. Nội dung này đang là vướng mắc trong chính sách xây dựng, xin kiến nghị tháo gỡ.

Trên cơ sở này, để đẩy nhanh tiến độ, xin kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng cho phép được sử dụng các quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 là các quy hoạch cấp trên để được phê duyệt làm căn cứ xác định thông tin quy hoạch kiến trúc để lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án, hồ sơ đấu thầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Nhà đầu tư được lựa chọn sẽ có trách nhiệm tổ chức lập, trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án theo quy định hiện nay. Do quy định cơ chế chính sách chúng ta buộc phải đấu thầu không chỉ định thầu.

Kiến nghị thứ hai là về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Trên thực tế, một lãnh thổ rộng lớn như Hà Nội khi bố trí các khu vực nhà ở xã hội tại các huyện ngoại thành như Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức thì sẽ không phù hợp khi bố trí nhà ở xã hội và các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 2 ha đất trở lên nhưng có diện tích đất ở nhỏ, một số dự án không phù hợp bố trí nhà ở xã hội cao tầng.

Tuy nhiên theo quy định tại Khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4, Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP thì những trường hợp mà không bố trí phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chứ không phải không bố trí là chưa hẳn không phù hợp với Luật và trong trường hợp đặc biệt báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở này cũng bị vướng mắc, như vậy, thành phố cũng xin kiến nghị Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, phát triển nhà ở công nhân cũng đồng thời giao quyền cho thành phố Hà Nội và các thành phố khác điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê như nhà lưu trú, nhà tạm trú theo quy định của Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

Thứ ba, kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương nghiên cứu quy định chuyển tiếp về nghĩa vụ và quỹ đất hỗ trợ với các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã có quyết định chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết được duyệt theo Nghị định 188/2013/NĐ-CP, 100/2015/NĐ-CP để bảo đảm không gián đoạn quá trình triển khai và đẩy nhanh tiến độ dự án, Nghị định 49/2021/NĐ-CP một số cơ chế ưu đãi không rõ.

Thời gian tới, để đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội, rất mong nhận được sự quan tâm của Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương.

Chính sách thiếu hấp dẫn, doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư

Đại diện UBND tỉnh Bình Dương: Tỉnh Bình Dương đã chọn công nghiệp là khâu đột phá, thực hiện thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, các cụm công nghiệp gắn với phát triển đô thị.

Việc thành lập các khu, cụm công nghiệp đã góp phần phát triển nhanh kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Bình Dương trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao so với cả nước, quy hoạch được Thủ tướng chấp thuận tổng cộng 34 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đất là 14.790 ha.

Đến nay đã thành lập 29 KCN với diện tích đất 12.662,81 ha, trong đó, đã có 27 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất là 10.900 ha. Các KCN đã cho thuê tổng diện tích đất là 6.700 ha, tỉ lệ lấp đầy đạt 89%. Tổng số lao động tại các KCN này là 480.000 người trên tổng số lao động toàn tỉnh là 1.700.000 người.

Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp kéo theo sự tập trung cư dân từ khắp mọi miền đất nước chuyển về sinh sống và làm việc tại Bình Dương ngày càng tăng (tính đến thời điểm này khoảng 53%). Chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở tại Bình Dương rất lớn. Tuy nhiên, thực tế khả năng mua được căn nhà đối với nhiều người lao động còn khó khăn do nguồn thu nhập còn hạn chế.

Để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động tại Bình Dương, với mục tiêu là phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu bức xúc về nhà ở của đa số tầng lớp nhân dân lao động tại các đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với việc phát triển nhà ở xã hội, từng bước xây dựng chỉnh trang và nâng cấp đô thị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có lực lượng công nhân và người lao động có thu nhập thấp, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Chương trình phát triển NƠXH đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; đã ban hành Quyết định số 4290/QĐ ngày 24/12/2014 và Kế hoạch phát triển NƠXH Bình Dương giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 3295/QĐ-UBND ngày 30/11/2016, làm cơ sở phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, tỉnh phấn đấu kêu gọi đạt 2 triệu m2 sàn (để bán, cho thuê), đáp ứng nhu cầu cho người lao động tỉnh Bình Dương. Đến 2020, tỉnh đã kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng, đưa vào 1,8 triệu m2 sàn nhà ở.

Trong đó, đơn vị chủ lực là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP Becamex IDC, phát triển mô hình phát triển nhà ở an sinh xã hội trên cơ sở quỹ đất đã được quy hoạch từ khi quy hoạch các khu công nghiệp, đưa vào sử dụng với giá bán ưu đãi phù hợp với thu nhập của người lao động (khoảng trên 100-160 triệu đồng /căn), kết hợp với chính sách hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp để các đối tượng có khả năng tiếp cận, như: Khu nhà ở an sinh xã hội Đinh Hòa, khu nhà ở an sinh xã hội Hoà Lợi nằm trong tổng thể khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương; khu nhà ở xã hội tại khu công nghiệp Bàu Bàng, khu nhà ở an sinh xã hội Việt Sing tại khu công nghiệp Việt Nam-Singapore; tập trung phát triển trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, thị xã Bến Cát.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 600.000 phòng trọ cho thuê, đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho 1.500.000 người. Tuy nhiên, các khu nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư từ những năm 2000 không bảo đảm vệ sinh, môi trường, rất chật hẹp, chất lượng chưa cao, không hỗ trợ công tác phòng chống cháy, nổ khi có sự cố xảy ra...

UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành chỉ thị nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển phân khúc nhà ở cho thuê theo tiêu chuẩn nhà ở xã hội, nhằm từng bước nâng cao chất lượng nhà ở cho người lao động.

Dân số toàn tỉnh tính đến năm 2021, ước tính khoảng 2,7 triệu người, trong đó, tổng số người đang trong độ tuổi lao động là khoảng 1,7 triệu với khoảng 1,5 triệu người đang ở thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng.

Qua thời gian sinh sống, lao động tại Bình Dương, một bộ phận người lao động có nhu cầu về nhà ở xã hội để mua, thuê, thuê mua nhằm an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.

Ước tính khoảng 490.000 người, quỹ đất cần đáp ứng khoảng 1.700 ha, trong đó, quỹ đất để phát triển nhà ở do hộ gia đình, cá nhân dự kiến chiếm khoảng 70% (1.200 ha), quỹ đất ở tại các dự án nhà ở thương mại theo định hướng giá thấp khoảng 5% (75 ha) và quỹ đất nhà ở xã hội (nhà công nhân, nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị…) khoảng 25% (425 ha).

Việc bố trí được quỹ đất nhà ở xã hội là một trong chiến lược phát triển nhà ở xã hội, nhằm đáp ứng mục tiêu theo hướng công nghiệp - dịch vụ đô thị từ khi tái lập tỉnh đến nay. Đây là một trong những nội dung mà tỉnh quan tâm. Tuy nhiên việc đáp ứng xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được. Đây là áp lực rất lớn trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Để giải quyết được nhu cầu về nhà ở cho người lao động cũng là giải quyết nhu cầu về nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tỉnh tiếp tục chủ trương xây dựng đề án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó qua khảo sát, điều tra thực tế tình trạng cũng như nhu cầu nhà ở cho người lao động hiện nay, tỉnh sẽ có định hướng phát triển nhà ở xã hội, chủ yếu là nhà ở cho công nhân. Trong thời gian tới, dành từng bước nâng cao chất lượng nhà ở cho người lao động.

Ngoài ra tỉnh cũng khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư, trong đó có gia đình, cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản… phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê thông qua các chính sách hỗ trợ theo quy định.

Trong quá trình triển khai, về ưu điểm, kết quả đạt được, thực tế, hiện nay có hàng nghìn công nhân lao động, người thu nhập thấp... đã mua, thuê nhà ở và sinh sống ổn định tại các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh, với mức giá nhà ở vừa phải từ 100-160 triệu đồng/căn, phù hợp thu nhập người lao động thu nhập thấp, cùng với chính sách vay ưu đãi lãi suất thấp, đã tạo được sự đồng thuận, gắn bó của công nhân, người lao động đối với tỉnh Bình Dương trong thời gian qua.

Về quy hoạch định hướng phát triển nhà ở xã hội, tỉnh cũng đã quy hoạch để bố trí xây dựng nhà ở xã hội, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật rất bài bản.

Tuy nhiên, cũng có một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện: Thứ nhất, một số chủ đầu tư khi thực hiện dự án nhà ở thương mại, khu công nghiệp mới có dành quỹ đất đã được đầu tư hạ tầng để xây dựng nhà ở xã hội nhưng chậm triển khai thực hiện. Một số vị trí bố trí xa với điều kiện sinh sống của công nhân lao động, thiếu cơ sở hạ tầng.

Việc Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội chủ yếu bằng ngân sách nhà nước, hiện tỉnh cũng đang gặp khó khăn trong vấn đề này.

Có rất nhiều người lao động, công nhân các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp chưa có khả năng mua nhà. Việc vay vốn mua nhà gặp nhiều khó khăn về thủ tục cũng như nguồn vốn ngân sách bố trí ngân sách cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội của tỉnh.

Nhu cầu chỗ ở của công nhân rất lớn nhưng các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến việc phát triển loại hình nhà ở này, hoặc nếu có thì những khu nhà đã xây xong vẫn không thu hút được công nhân trong khu công nghiệp chưa qua đến thuê ở.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do chính sách ưu đãi và thủ tục đầu tư chưa thật sự hấp dẫn, nên chưa thu hút được các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư.

Nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế dẫn đến việc một số chính sách hỗ trợ nhà theo quy định của pháp luật thực hiện chưa kịp thời, dứt điểm.

Sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người dân khó khăn hơn dù có gói tín dụng mới từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng với quy mô nguồn vốn tín dụng được cấp nhỏ so với nhu cầu, người thu nhập thấp không dễ tiếp cận.

Bình Dương có một số kiến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách đối với việc đẩy mạnh đầu tư phát triển nhà ở xã hội:

Thứ nhất, để giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh liên quan tới việc phát triển các khu, cụm công nghiệp, kiến nghị quy định những điều kiện và nội dung cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quy hoạch và phát triển khu công nghiệp (như quy định phải dành tối thiểu bao nhiêu phần trăm diện tích đất để xây dựng nhà ở cho công nhân).

Bảo đảm việc phát triển các khu, cụm công nghiệp phải đồng bộ với việc quy hoạch, phát triển nhà ở và các điều kiện về hạ tầng xã hội thiết yếu cho công nhân.

Rà soát, xem xét lại các quy định pháp luật khi thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Rút gọn các thủ tục hành chính và thời gian phê duyệt dự án. Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Khuyến khích các chủ kinh doanh nhà trọ từng bước cải tạo nhà trọ theo tiêu chuẩn quy định, nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho công nhân, người lao đông.

Đề xuất mở rộng chính sách hỗ trợ cho vay đối với các hộ gia đình, cá nhân để đầu tư mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho thuê trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Đại diện lãnh đạo BECAMEX Bình Dương: Là doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh Bình Dương, trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, khu công nghiệp, Becamex luôn kiên định với mô hình phát triển tích hợp theo hệ sinh thái với kim chỉ nam là việc xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, các khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, đan xen các khu đô thị cao cấp phục vụ cho chuyên gia, những khu nhà ở xã hội phục vụ cho người thu nhập thấp và các khu tái định cư phục vụ cho người dân trong vùng quy hoạch được bao quanh bởi hệ thống y tế, giáo dục, hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao.

Trong mô hình phát triển đó, Becamex luôn coi trọng xây dựng các khu nhà ở xã hội chất lượng, giá rẻ phục vụ người lao động nói chung và người lao động nhập cư nói riêng. Một trụ cột quan trọng để bảo đảm chính là một mô hình phát triển công nghiệp bền vững.

Ẩn sau sự tiếp cận này là sự bình đẳng trong mọi tầng lớp xã hội trong việc tiếp cận và thụ hưởng những hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, không gian công cộng, công viên…); đặc biệt là nhóm người có thu nhập thấp, trong đó có những người lao động ngoại tỉnh.

Becamex đã xây dựng 64.000 căn nhà ở xã hội hoàn thiện với mỗi căn hộ tối thiểu khoảng 30 m2; tiến tới Becamex có thể xây dựng 120.000 căn hộ.

Đội ngũ chuyên gia có chuyên môn của Becamex đã tính toán kỹ lưỡng đến từng m2, từng ngôi nhà để bảo đảm chất lượng công trình, đồng thời giảm giá thành tối đa để phục vụ cho người lao động có thu nhập thấp.

Theo đề án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, Becamex sẽ dành 105 ha để tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Đảng và Nhà nước đã có những chính sách rất sát sao cho phép miễn các nghĩa vụ tài chính cho người dân tại điểm mua nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, nắm bắt tâm lý của người lao động, Tổng công ty đã chủ động thực hiện mọi nghĩa vụ về tài chính, thuế và các chi phí khác về mua nhà trước thời điểm người lao động nhận bàn giao, giúp người lao động có thể thực sự sở hữu ngôi nhà của mình, có đầy đủ chủ quyền về pháp lý, qua đó yên tâm an cư lạc nghiệp tại vùng đất mà Becamex đầu tư.

Việc sở hữu một ngôi nhà, con cái được thụ hưởng các mô hình giáo dục các cấp chất lượng cao, gia đình được chăm sóc y tế đầy đủ, được sống trong đô thị văn minh, hiện đại với những công viên công cộng đầy màu xanh, đi trên những con đường rộng lớn, đã giúp Bình Dương trở thành quê hương thứ hai của người lao động.

Hơn 20 năm qua, Becamex luôn kiên định với triết lý, góp tiền thuê nhà trọ thành tiền mua nhà để hỗ trợ cho người lao động sớm an cư lạc nghiệp tại những nơi mà chúng tôi đầu tư.

Becamex luôn nhận thức sâu sắc rằng mỗi người lao động như một nhà đầu tư, họ đầu tư không phải chỉ bằng vật chất mà đầu tư bằng trí tuệ, thời gian, tuổi trẻ, tương lại để góp phần phát triển kinh tế xã hội cho Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện nay, với những thách thức rất lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của quá trình tự động hóa và hệ thống tự hành, người lao động chính là đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất trước những biến động này.

Nhận thức được điều đó, Becamex đang xây dựng mô hình hệ sinh thái kiểu mới, lấy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ làm trọng tâm, người lao động tiếp tục cần được lấy làm trọng tâm.

Những thách thức đã đặt ra không chỉ đối với Becamex mà với tất cả chúng ta làm thể nào để tiếp tục giúp những người lao động và thế hệ con cháu của họ có thể nâng cao tay nghề, được hỗ trợ kiến thức, kỹ năng để kịp thích nghi với những biến động của thời kỳ kinh tế số, tiếp tục đứng vững và phát triển trước làn sóng phát triển của khoa học công nghệ.

Để trả lời được vấn đề này không chỉ doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội trong đó đứng đầu là vai trò kiến tạo của Nhà nước.

Mỗi doanh nghiệp đều có sứ mệnh, mô hình kinh doanh và triết lý của mình. Với Becamex, chúng tôi luôn kiên định với triết lý phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xã hội thông qua kiến tạo hệ sinh thái hoàn thiện phục vụ nhà đầu tư, phục vụ người dân, người lao động, chúng tôi mong muốn góp phần xây dựng sự thịnh vượng cho địa phương đồng thời tìm được những giá trị tích lũy cho mình trong sự thịnh vượng chung đó.

Với tinh thần phụng sự xã hội như vậy, Becamex rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố để Becamex một doanh nghiệp Nhà nước đã niêm yết trên thị trường chứng khoán có thể trở thành công cụ thu hút đầu tư, giúp quốc gia thu hút nguồn lực ở quy mô toàn cầu để tham gia vào quá trình phát triển kinh tế.

Chương trình nhà ở xã hội đã giải ngân được 9.506 tỷ đồng cho 25.224 hộ

Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Dương Quyết Thắng: Việc thiết lập mô hình và phương thức thông qua chính sách xã hội để chăm lo cho người nghèo và đối tượng yếu thế là mô hình đặc biệt riêng có của Chính phủ nước ta.

Chúng ta cho người nghèo, người yếu thế vay tạo việc làm, tạo sinh kế, trong đó có cả các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn vay để đi học.

Về cho vay doanh nghiệp trả lương, theo Nghị quyết 68, với chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã 36 lần rút vốn và cho vay 3.561 đợt doanh nghiệp để trả lương cho trên 1,2 triệu lao động nhằm ổn định việc làm.

Chính phủ cũng đã dành gói an sinh 38.400 tỷ đồng, trong có 15.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 10.000 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm, 9.000 tỷ đồng cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 3.000 tỷ đồng cho các cháu để mua máy vi tính, 1.400 tỷ đồng cho cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học công lập vay vốn.

Về nhà ở, hiện nay có 185.741 người nghèo được vay để giải quyết nhu cầu về nhà ở, 29.953 hộ đang thụ hưởng chính sách nhà vượt lũ, 13.836 hộ vay chính sách nhà ở tránh bão khu vực miền Trung. Chương trình nhà ở xã hội đã giải ngân được 9.506 tỷ đồng cho 25.224 hộ.

Về gói kích cầu, NHCSXH đã giải ngân 9.514 tỷ đồng cho 255.192 hộ vay vốn và đạt trên 50% kế hoạch. Trong đó, 6.980 tỷ đồng cho vay việc làm và 1.669 cho vay nhà ở xã hội với 5.861 hộ đang vay và 669 tỷ đồng cho các cháu đang vay mua máy tính, đã mua 70.643 máy tính.

Thời gian qua, các bộ, ngành hết sức tích cực trong việc tạo lập chính sách và điều kiện vay vốn. Riêng các tỉnh cũng hết sức quyết liệt, đặc biệt trong việc tăng vốn uỷ thác sang NHCS. Đến nay, tổng uỷ thác của các địa phương là 28.500 tỷ đồng, trong đó Hà Nội là 6.300 tỷ đồng, TPHCM là 3.100 tỷ đồng, Bình Dương là 1.800 tỷ đồng, Đà Nẵng là 1.700 tỷ đồng, Vũng Tàu là 1.300 tỷ đồng, Đồng Nai là 900 tỷ đồng.

Riêng chương trình nhà ở xã hội, NHCSXH có đề nghị sau:

Thứ nhất, Bộ Xây dựng cùng với các địa phương tiếp tục rà soát đối tượng có nhu cầu vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp,… để tổng hợp, bổ sung nhu cầu vay vốn làm căn cứ cho NHCSXH thực hiện giải ngân theo kế hoạch Thủ tướng giao.

Thứ hai, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, tạo nguồn cung, hỗ trợ kịp thời các đối tượng có nhu cầu về nhà ở được mua, thuê mua, trên cơ sở đó, NHCSXH tổ chức tiếp cận, hướng dẫn, triển khai, cho vay theo quy định.

Thứ ba, Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ NHCSXH trong quá trình tổ chức phát hành trái phiếu, bảm bảo phát hành thành công khố lượng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bảo lãnh, nhằm tạo lập đủ nguồn lực cho vay NƠXH nói riêng và các chương trình khác theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi để mua nhà

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Chúng tôi nhận thấy Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, có nhiều chỉ đạo, nhiều cuộc họp về vấn đề này.

NHNN với vai trò là cơ quan điều phối chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất và thực hiện quản lý các tổ chức tín dụng.

Trong những năm qua, ban lãnh đạo các thời kỳ rất quan tâm chỉ đạo hệ thống, tích cực tham gia những chương trình góp phần xây dựng nhà ở đối với người có thu nhập thấp.

Những chương trình đã triển khai trong thời gian qua có thể kể đến: Năm 2012, Chương trình cho vay nhà ở xã hội, gói 30.000 tỷ đồng đã được triển khai. Năm 2016, kết thúc chương trình với doanh số cho vay là trên 29.000 tỷ đồng. Hiện nay, gói này còn dư nợ khoảng 7.200 tỷ đồng. Đây là chương trình rất thành công, giúp cho người thu nhập thấp có nhà ở.

Chương trình thứ hai là cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 – cho vay đối với những người mua nhà được thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội, qua tổ chức tín dụng.

Đối với chủ đầu tư, theo Nghị định 100 được hỗ trợ khoản vay qua các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đến nay, ngân sách được bố trí để cấp bù lãi suất qua Nghị định này chưa bố trí được. Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng được chỉ định chưa triển khai được. Khi có ngân sách cấp bù thì các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện cho vay từ nguồn huy động được của người dân.

Còn đối với các chương trình cho vay nhà ở của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được báo cáo.

Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 43 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Theo đó, có các gói để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay.

Tuy nhiên, trong Nghị quyết 11, có một nhiệm vụ giao cho NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định 31 để hỗ trợ lãi suất 2% thông qua các ngân hàng thương mại trong năm 2022-2023 với tổng số tiền lãi suất hỗ trợ là 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Đến nay, NHNN đã trình và Chính phủ ban hành Nghị định; NHNN đã ban hành Thông tư quy định rất rõ nhiệm vụ, chức năng của các bộ, ngành, quy trình, thủ tục cho vay.

Tại hội nghị hôm nay, chúng tôi rất phấn khởi khi thấy các doanh nghiệp đã đăng ký hơn 1 triệu nhà ở xã hội, dao động từ 600.000 tỷ đồng đến 1 triệu tỷ đồng, thực hiện trong 10 năm.

Ở đây vấn đề về vốn, lãi suất rất quan trọng. Về vốn có thể huy động trong cả người dân để cho vay, lãi suất 2% có thể triển khai trong năm 2022, nếu như chúng ta có các dự án triển khai có thể tận dụng được trong năm 2022-2023.

Về phía NHNN, chúng tôi sẽ điều hành linh hoạt và phù hợp để hướng đến nguồn tín dụng tập trung thúc đẩy sản xuất-kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi để mua nhà.

Trong thời gian qua, NHNN cũng rất trách nhiệm khi tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong đại dịch, trong đó có những doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp.

Phải làm "mềm" giá nhà để để người lao động dễ tiếp cận

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi: Nhà ở xã hội là nhu cầu của người dân, người lao động, là yêu cầu của bảo đảm an sinh xã hội.

Hội nghị về vấn đề này được Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hôm nay, chúng tôi thấy là cần thiết, nên kiến nghị với Thủ tướng cần duy trì việc này hằng năm.

So với nhu cầu thực tiễn thì số lượng nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu, và còn nhiều tồn tại bất cập, đặc biệt là qua ứng phó với đại dịch COVID-19 và so với nhu cầu của phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi thấy đây là vấn đề cấp bách và cần có nhiều giải pháp để tiếp tục giải quyết vấn đề và đặc biệt là nổi lên vấn đề công nhân lao động đang làm thuê, ở trọ nhiều, diện tích, điều kiện sống chưa đạt tiêu chuẩn xây dựng.

Nhà ở của hộ nghèo chưa đạt tiêu chuẩn sống và nhà thuê, nhà trọ ở xa khu công nghiệp, khu chế xuất; giá ở thuê, ở trọ cao so với thu nhập của người lao động.

Về quan điểm, mục tiêu mà đến năm 2025, 2030; chúng tôi đề nghị Bộ Xây dựng nên rà soát và tính toán lại, tung ra thị trường đến năm 2025 dự kiến trong mục tiêu, kể cả đã và sẽ khởi công mới, khoảng 450.000 căn hộ; đến năm 2030 dự kiến là 1 triệu căn nhà ở xã hội là chưa phù hợp nhu cầu bởi vì riêng số công nhân lao động ở thuê, ở trọ được hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 3,4 triệu lao động. Nếu tính cả các gia đình của người lao động thì đã cần diện tích nhà ở, nhà xã hội là 34 triệu m2, chưa tính đến nhu cầu ở nhà ở xã hội cho hàng triệu hộ nghèo và người có thu nhập thấp khác.

Riêng TPHCM, như đồng chí Thủ tướng, Phó Thủ tướng vào kiểm tra trong phòng chống đại dịch là đã có 780.000 căn hộ cho thuê chưa đạt tiêu chuẩn. Mục tiêu phát triển nhà ở xã hội thiếu chi tiết, thiếu mục tiêu ưu tiên cụ thể về nhà xã hội cho các nhóm công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất và các hộ có thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ chính sách, hộ có công với cách mạng.

Về giải pháp, chúng tôi đề nghị nên bổ sung giải pháp phát triển nhà ở xã hội trước mắt cho nhân lao động ở hơn 300 khu công nghiệp, khu chế xuất để bảo đảm nhà ở cho 3 triệu lao động khu vực này theo cơ chế cho thuê, cho mua.

Địa phương bố trí đất đai; các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất có trách nhiệm đầu tư để giải quyết vấn đề và cần thiết Nhà nước hỗ trợ vốn, tăng cường cho vay vốn xây dựng, phát triển nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách cho vay được 1 triệu hộ nhưng nhu cầu thị trường còn nhiều hơn nữa.

Kiến nghị với Chính phủ, trên bình diện rộng tiếp tục có các chính sách phù hợp về thuế, đất đai, tín dụng nhằm tăng đầu tư phát triển nhà ở xã hội; tăng thu nhập; tiếp tục cải cách hành chính; giảm chi phí sản xuất nhà ở, làm "mềm" giá nhà ở xã hội trong các thành phố, đô thị và giá nhà nói chung cho người lao động dễ tiếp cận nhà ở xã hội hơn.

Tiếp tục hỗ trợ cho cả sinh viên mới ra trường, cho vay để tiếp cận nhà ở với lãi suất, mức vốn, thời gian vay phù hợp hơn.

Tập trung lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp vay phát triển nhà ở xã hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Hiện nay có 2 nhóm cần được tập trung giải quyết, đó là nhóm nhà ở xã hội cho những người nghèo nông thôn và người thu nhập thấp ở đô thị; nhóm thứ hai là nhà ở cho công nhân. Chúng ta tập trung giải quyết 2 nhóm này, vấn đề là giải quyết như thế nào?

Theo tôi, cần phân loại rõ, quy định cho vay rõ ràng, thu hẹp loại vay vốn ngắn hạn trên tinh thần thống nhất.

Phải đưa ra 2 loại: Một loại nhà ở công nhân ở khu công nghiệp thì chỉ nên cho doanh nghiệp thuê đất, sau đó cho công nhân đang ở trong khu công nghiệp thuê lại. Khi họ không làm nữa họ sẽ ra khỏi khu công nghiệp.

Nếu bán cho người ta, sau này doanh nghiệp tuyển công nhân mới thì không có nhà mới nữa, muốn làm phải có đất. Cho nên ở trong khu công nghiệp là phải cho thuê, ở ngoài khu công nghiệp có thể cho thuê, thuê mua hoặc bán.

Còn nhà ở xã hội chúng ta bố trí theo quy hoạch được duyệt và nên ưu tiên những quỹ đất sạch để làm. Những quy định hiện hành của chúng ta mới chỉ tính đến chuyện doanh nghiệp đứng ra làm chứ chưa tính đến chuyện Nhà nước thuê doanh nghiệp làm.

Việc này đã triển khai năm 2011, Chính phủ đã triển khai nhà ở sinh viên là một loại nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định 100 nhưng triển khai rất nhanh. Lúc ấy, nhà ở của sinh viên được phát hành bằng trái phiếu Chính phủ, triển khai trong vòng 6-7 tháng là có hệ thống nhà ở sinh viên toàn quốc, hoàn thành và giờ cũng đang phát huy hiệu quả tốt.

Năm 2011, Chính phủ đã triển khai rồi, đất và công trình được giao chỉ định, địa phương có đất sạch rồi giao luôn cho doanh nghiệp xây, thiết kế, dự toán làm rất nhanh, phê duyệt nhanh và sau đó chỉ định doanh nghiệp vào làm.

Cách thức là nên đa dạng hóa, bằng 2 cách: Một là doanh nghiệp làm, hiện doanh nghiệp làm là chủ yếu. Hai là doanh nghiệp làm tốt rồi nhưng Nhà nước cũng phải đứng ra làm chủ đầu tư thuê doanh nghiệp làm để bán cho người dân. Chúng ta phải dành những chỗ tốt nhất, những chỗ nào có đất sạch thì giao cho doanh nghiệp làm.

Về ưu đãi, các loại thuế đã được giảm mức tối đa, thuế VAT giảm 5% trong khi hiện hành là 10%; thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong khi hiện hành là 20%, rồi các ngành nghề được xác định là đặc biệt thì đều được hưởng những chính sách ưu đãi.

Về tín dụng, lâu nay tín dụng cho người mua nhà vay, còn chưa cho doanh nghiệp vay, mặc dù cơ chế đã có. Nút thắt ở đây là gì? Doanh nghiệp không vay thì không có nguồn cung, mà chúng ta cho vay mới tạo ra cầu thôi. Không có cung thì lấy đâu ra cầu, nên cũng nên tập trung cho khâu này.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương dùng quỹ đất sạch để làm trước. Còn đất cần phải giải phóng mặt bằng thì địa phương phải đứng ra xử lý để giao đất cho doanh nghiệp làm mới nhanh được, nếu không sẽ rất lâu.

Còn về chính sách hiện hành như dành 20% diện tích nhà ở xã hội trong nhà ở thương mại thì vẫn làm bình thường. Nhưng có chính sách mới là giao đất mới, một khu mới cho doanh nghiệp làm thì mới đẩy nhanh được, tập trung vào các khu đô thị lớn và khu công nghiệp lớn.

Tôi cũng xin trao đổi ý kiến của Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Dương Quyết Thắng. Vừa rồi Ngân hàng Chính sách xã hội đấu thầu trái phiếu Chính phủ bảo lãnh không thành công bởi vì vay lãi suất quá thấp.

Hiện nay, chính sách của chúng tôi là kiềm chế lãi suất lại, nếu không Chính phủ sẽ không lấy tiền đâu mà trả, sẽ đẩy giá lên cao. Hiện các ngân hàng thương mại cho vay trên 6%, tuy nhiên trái phiếu Chính phủ chúng tôi vẫn phát hành và giữ ở mức 2,4 %.

Nếu chúng ta để cho các ngân hàng đấu thầu giải quyết thì lãi của trái phiếu Chính phủ không biết đi đến đâu mà chưa chắc đã huy động được, cho nên chúng tôi đang kiềm chế ở mức 2,4%.

Vừa rồi Ngân hàng Chính sách đấu thầu được 5.000 tỷ, lãi suất cao nhất của 15 năm là 2,54%, bây giờ các đồng chí đề xuất lên 3,3% thì chúng tôi phải đánh giá tác động để làm sao kiềm chế được, nhưng cần sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước.

Nếu các ngân hàng thương mại huy động của dân đến 6,2% thì sẽ không mua trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, mà không mua thì rõ ràng là không phát hành được. Nếu nâng cao lên sẽ có hàng loạt hệ lụy.

Phải phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá để đảm bảo cho thực hiện.

Còn nhà ở xã hội thì nên có lãi suất ưu đãi, tập trung cho doanh nghiệp vay để doanh nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp sẽ hết sức chia sẻ, giao cho doanh nghiệp làm 2 dự án thôi, trong vòng 1 năm nếu thủ tục nhanh chúng ta sẽ có kết quả ngay về nhà ở xã hội.

Cần đảm bảo đồng bộ pháp luật về đất đai, nhà ở

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc: Về bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước đã bố trí cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội để vay nhà ở xã hội là 2.163 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, căn cứ theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đã giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội 1.000 tỷ đồng để thực hiện cho vay nhà ở xã hội.

Về thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2002/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Đối với quy định tại Tiết c, Điểm 2, Mục II của Nghị quyết số 11/NQ-CP về việc "Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015, Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 49/2011/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng", số vốn này được giao từ nguồn phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ bảo lãnh.

Đối với số vốn 40.000 tỷ đồng quy định tại Tiết c, Điểm 2, Mục II về việc "Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin, cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê", Bộ KH&ĐT đang trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, trình Quốc hội phê duyệt.

Qua theo dõi, chúng tôi thấy rằng có một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người có thu nhập thấp. Trên thực tế, mặc dù thời gian vừa qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực này nhưng vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu, có một số nhóm bất cập.

Thứ nhất về quy hoạch, Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn đã quy định cụ thể là phải dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội ngay từ giai đoạn lập, phê duyệt quy hoạch phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.

Tuy nhiên, thực tế vừa qua, công tác quy hoạch cho quỹ đất, đặc biệt nhà ở xã hội, ở các địa phương chưa thực sự được quan tâm, từ việc bố trí quỹ đất cũng như chưa gắn được trách nhiệm của nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp với phát triển nhà ở cho người lao động.

Liên quan đến việc bố trí sử dụng đất, theo quy định tại Nghị định 100, việc thực hiện quy định dành 20% tổng quỹ đất của các dự án nhà ở thương mại, đô thị đã đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Trên thực tế, có bất cập là nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án có quy mô dưới 10 ha, nhiều địa phương thực hiện theo hình thức xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung thay vì thực hiện theo quy định…

Chính sách phát triển nhà ở xã hội theo quy định phải hướng đến tạo lập nhà ở cho các đối tượng có khả năng tài chính phù hợp. Tuy nhiên việc dành quỹ đất phát triển nhà ở trong các dự án đô thị, thương mại còn gặp nhiều khó khăn.

Về khung pháp lý, cho đến nay, chính sách nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp chưa có chính sách riêng, hiện nay đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội nên có những bất cập nhất định.

Về chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, còn những bất cập như lợi nhuận trong các dự án thấp, ưu đãi cho các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội thì thực chất nhà đầu tư không được hưởng do các ưu đãi không được tính vào giá thành vì thế, chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp. Hiện nay không có nhiều quỹ đất sạch, đặc biệt các dự án xa trung tâm, không hấp dẫn các nhà đầu tư…

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35 năm 2022, đã có những quy định cơ bản để xử lý vấn đề nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp. Theo đó khi xây dựng các danh mục khu công nghiệp, các địa phương buộc phải bố trí ngay quỹ đất cho nhà ở xã hội và các công trình tiện ích cho người lao động. Các dự án hạ tầng khu công nghiệp phải có quy hoạch xây dựng nhà ở cho người lao động thì mới có cơ sở để giải quyết thủ tục đầu tư, bổ sung một số cơ chế, chính sách để khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư…

Để giải quyết triệt để vấn đề nhà ở cho người lao động, nhà ở xã hội, tôi đề nghị các nhóm vấn đề sau:

Thứ nhất, vấn đề quy hoạch, cần rà soát, bổ sung các quy định trong Luật Quy hoạch, Luật Đô thị, Luật Xây dựng để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị. Đối với nhà ở cho công nhân, hiện nay đã có quy định rồi nhưng vẫn thấy một số địa phương kiến nghị điều này.

Để bảo đảm đồng bộ pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư, đề nghị sửa Điều 149 Luật Đất đai theo hướng khi đầu tư hạ tầng khu công nghiệp thì phải có quy hoạch xây dựng khu nhà ở, công trình cho người lao động trong khu công nghiệp.

Về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, chúng tôi cho rằng cần rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất nhà ở trong khu thương mại, đô thị cho các địa phương để có điều chỉnh cho phù hợp.

Đặc biệt Bộ Xây dựng cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để điều chỉnh lại tỉ lệ nhà ở xã hội trong các khu đô thị, khu thương mại.

Trước mắt, cần rà soát ngay những dự án nào buộc phải thực hiện quy định dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm, cần có giải pháp quyết liệt để thu hồi, tạo quỹ đất, chuyển cho các nhà đầu tư khác thực hiện.

Về trình tự thủ tục, đại diện Vingroup đề nghị cho phép nhà ở xã hội được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Hiện nay đang có sự vênh về pháp luật nhà ở và pháp luật về đất đai. Pháp luật về nhà ở quy định nhà ở xã hội được bán đấu giá, đấu thầu đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất. Tuy nhiên, theo Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về thi hành một số điều của Luật Đất đai, đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư đặc biệt được miễn tiền thuê đất thì không thực hiện đấu giá, đấu thầu. Do đó, đề nghị thời gian tới, cần sửa đổi các quy định này lại để bảo đảm đồng bộ.

Nhà ở xã hội là trăn trở rất lớn

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Nhà ở xã hội là trăn trở rất lớn đối với trách nhiệm của Nhà nước và tình hình xã hội của chúng ta. Đây là chủ trương lớn kiên định, đảm bảo quyền của người dân được tiếp cận nhà ở.

Qua rà soát, đánh giá cho thấy, mặc dù trong thời gian qua hết sức được quan tâm nhưng rõ ràng chuỗi cung ứng nhà ở xã hội, trong đó đối tượng là người thu nhập trung bình rất khó tiếp cận nhà ở với giá cả như hiện nay.

Với đồng lương của họ, trong vòng 20 năm, để tiếp cận nhà ở khá khó khăn.

Trong khi đó, các đối tượng xã hội thụ hưởng, tính cả đô thị và nông thôn, mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách nhưng vẫn còn nhiều vấn đề.

Thứ hai là quan điểm đối với vấn đề nhà ở xã hội cần sự thống nhất chung để các nhà đầu tư, cũng như đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội không mặc cảm, không hiểu sai.

Có nghĩa là nhà ở xã hội bảo đảm đồng bộ trong quy hoạch về phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị nếu đó là đô thị hoặc nếu ở nông thôn, chúng ta không làm tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của nhà ở xã hội khác với nhà ở bình thường. Như vậy không có nghĩa hoàn toàn tất cả nhưng về mức độ an toàn, môi trường, hạ tầng, kỹ thuật xã hội thì nhu cầu sống phải bảo đảm được.

Liên quan đến các chính sách phải hết sức đồng bộ, toàn diện. Về quy hoạch hiện nay, trong đó về sử dụng đất đai, chúng ta đã có quy hoạch nhà ở đô thị tại nông thôn. Như vậy phải khẳng định, trong quy hoạch đô thị ở nông thôn, chúng ta hoàn toàn tính toán được, nhưng hiện nay tôi cho rằng đang rất thiếu.

Nếu lấy tiêu chí trung bình thu nhập khoảng 15 năm có thể tiếp cận mua nhà ở với diện tích tối thiểu, thì từ đó mới xác định được. Vì đây là nhu cầu thực tế và quyền của người dân nên từ góc độ này cần cân nhắc, tính toán kỹ tiêu chí thế nào là đối tượng cần sự quan tâm của Nhà nước để họ có quyền được mua nhà.

Nếu tính toán ở đô thị, ở nông thôn, qua thu nhập chính thức ổn định thì tính toán được, còn có những thu nhập hiện nay là lao động, việc làm không thường xuyên theo thời vụ… thì không đơn giản. Đối tượng này đều có những yêu cầu và quyền mua, do đó phải đánh giá lại cho trúng và đúng nhu cầu này.

Phải nhìn nhận một điều, hiện nay nhu cầu nhà ở thương mại là rất bình thường và cũng là hoạt động bình thường của thị trường. Nhưng cần cân đối lại với tình hình dân số và dân số tăng thì chúng ta phải đánh giá hai yếu tố này. Từ đó để tính toán, cân nhắc, bố trí quỹ đất cho chuỗi cung ứng thương mại chất lượng cao với chuỗi cung ứng đối với người thu nhập trung bình.

Hiện nay chúng ta đang có sự mất cân đối ở khu vực mà chúng ta gọi là các đối tượng xã hội. Vấn đề này cần phải rà soát, đánh giá lại, từ đó có quy hoạch quỹ đất.

Tôi cũng đồng tình với việc hiện nay có những yếu tố không đoán định được, như khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển, các quy hoạch của địa phương tính toán dựa trên số liệu dự báo chưa đạt được.Việc đó làm cho khó khăn, dự báo này phải gắn với trách nhiệm của các nhà đầu tư.

Bên cạnh Nhà nước, chính quyền địa phương tính toán cân đối để quy hoạch thì các quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải gắn với việc họ phải dự báo, chịu trách nhiệm với nhu cầu về nhà ở, nhu cầu xã hội thiết yếu gắn với phát triển hạ tầng.

Tôi không muốn nói cứ mỗi khu công nghiệp kèm theo đó là quy hoạch khuôn gồm khu nhà ở, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại…

Phải tính toán trong quy hoạch chung của địa phương. Bên cạnh Nhà nước đứng ra lo nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, chúng ta có những ưu tiên, nhưng các doanh nghiệp đầu tư bất động sản cũng cần phải có trách nhiệm xã hội.

Các doanh nghiệp đầu tư bất động sản hoàn toàn có thể có những đóng góp, trách nhiệm của các nhà đầu tư đưa một lúc mấy chục nghìn công nhân vào thì địa phương phải cùng họ tính toán. Đồng thời, yêu cầu ngoài trách nhiệm sản xuất thì các nhà đầu tư cũng cần phải có trách nhiệm về nhà ở và điều kiện thiết yếu cho người lao động.

Vấn đề này cũng phải gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài không các nhà đầu tư nước ngoài cũng đẩy hết gánh nặng lên chúng ta. Ví dụ, Đồng Nai, Bình Dương đang phái gánh trách nhiệm rất lớn về nhà ở xã hội.

Đâu đó ở các đô thị bộc lộ vấn đề chính quyền địa phương không nắm rõ được bao nhiêu và cũng không đánh giá được nhu cầu thực tế của công nhân. Trên thực tế, hạ tầng và sự gia tăng lực lượng tự do đang vượt rất nhiều lần, từ đó không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về môi trường và chất lượng cuộc sống.

Trong vấn đề liên quan đến thuế, nên có gói chính sách đầy đủ, để đối với những đối tượng này, có ràng buộc trách nhiệm, cam kết lao động ổn định lâu dài của người được tiếp cận nhà ở trước cơ quan hữu quan.

Phải củng cố và bảo đảm tính pháp lý, bảo đảm cho họ tiếp cận nguồn vốn, chúng ta phải tính toán. Đây là trách nhiệm rõ ràng, Nhà nước bảo hộ, Nhà nước cũng phải tăng cường trách nhiệm với các chủ thể thông qua hợp đồng dân sự.

Tôi đồng tình với việc có quy hoạch đồng bộ, đầy đủ, quan trọng nhất là nguồn vốn ở đâu thì chúng ta đang nhìn vào 3 nguồn vốn của: Nhà nước; các doanh nghiệp thiện nguyện, bất động sản. Các doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn cần phải tham gia, bắt buộc phải tham gia.

Nếu chúng ta có quy hoạch tổng thể về mặt đô thị, nông thôn, có thiết kế cụ thể, kể cả về mặt tiêu chuẩn, kỹ thuật thì hoàn toàn huy động thêm xã hội hóa, nghĩa là những người dân có đất ở, đang sở hữu đất có thể tham gia, đáp ứng được các tiêu chuẩn nói chung.

Các doanh nghiệp lớn đăng ký 1.281.000 căn hộ nhà ở xã hội

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Hội nghị đã có 18 ý kiến phát biểu rất trách nhiệm, tập trung vào một số vấn đề lớn, xác định nhu cầu và thị trường nhà ở xã hội rất lớn.

Từ chiều qua đến hết sáng nay, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn đã đăng ký 1.281.000 căn hộ nhà ở xã hội. Thành công này sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho gần 10 triệu công nhân.

Qua ý kiến của doanh nghiệp, chúng ta đã có nhiều ưu đãi để kích thích động viên phát triển nhà ở xã hội cho công nhân.

Nhưng qua đó, cũng thấy rằng tiến độ, thủ tục đầu tư liên quan tới quy định còn rất nhiều vấn đề có thể giảm bớt. Ví dụ như về tiền kiểm, hậu kiểm để có nhà ở xã hội, phương án phân phối,…

Chúng ta đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội nhưng việc thực hiện còn hạn chế ở các địa phương và văn bản pháp lý hướng dẫn, cần tiếp tục được thúc đẩy.

Việc Thủ tướng trực tiếp chủ trì Hội nghị này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng đối với công nhân, những người còn khó khăn và doanh nghiệp.

Phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị

Sau khi lắng nghe các báo cáo và phát biểu, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo rất cụ thể, đầy đủ của Bộ Xây dựng và các Bộ ngành, địa phương về thực trạng kết quả thực hiện, hạn chế, bất cập, nguyên nhân và kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân và người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất; đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng này.

Hội nghị cũng đã nhận được nhiều tham luận, đề xuất có tâm huyết và thiết thực từ các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản lớn để có thể triển khai đầu tư xây dựng ngay quỹ nhà ở lớn cho công nhân và người dân nghèo.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản phù hợp, trong đó chỉ đạo cụ thể các định hướng, giải pháp sửa đổi, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành, tiếp tục giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết của công nhân, người thu nhập thấp.

Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (7,8 triệu m2), giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận khách quan, thẳng thắn để tập trung khắc phục sớm nhất có thể.

Cụ thể, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện kịp thời, như về đối tượng tham gia, thụ hưởng; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý mua – bán.

Việc thực hiện các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải thực hiện qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài, không gian sáng tạo, phát triển nhà ở xã hội còn chật hẹp so với yêu cầu; chưa tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý để phát triển nhà ở xã hội, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, sát thực tế, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư…

Ngân sách nhà nước còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội; cũng chưa có cơ chế huy động các nguồn lực hợp tác công tư một cách hiệu quả, hệ thống.

Nhiều địa phương, nhất là người đứng đầu, chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa thực hiện phủ kín quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Thực tế cùng một cơ chế, chính sách, nhưng nơi nào người đứng đầu thực sự quan tâm, làm việc có cảm xúc thì sẽ ra kết quả cụ thể.

Bên cạnh nhiều doanh nghiệp rất quan tâm và làm tốt, thì nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình…

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, chúng ta phải thừa nhận vai trò của nhân dân trong phát triển các khu nhà trọ, bảo đảm nhà ở cho người lao động tại những nơi đông công nhân, nhưng quản lý nhà nước còn chưa quan tâm, còn khoảng trống về pháp lý về lĩnh vực này.

Thời gian tới, cần phát huy vai trò này của nhân dân, trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường nhưng có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước khi cần thiết để bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường.

Thủ tướng nêu rõ những quan điểm, định hướng lớn trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Thứ nhất, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị, của những người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải quan tâm thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội thực chất, lành mạnh và bền vững.

Thứ hai, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".

Thứ ba, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản nhà ở, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phù hợp với điều kiện của các địa phương.

Thứ tư, các bộ ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội để thúc đẩy phát triển toàn diện hơn lĩnh vực nhà ở xã hội. Đây là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan trong hệ thống chính trị và sự tham gia của doanh nghiệp, người dân với trách nhiệm xã hội cao.

Thứ năm, song song với phát triển nhà ở xã hội, cần xây dựng và hoàn thiện quy định về phát triển các khu nhà trọ với quy chuẩn, điều kiện về không gian, vệ sinh, môi trường phù hợp, ngày càng văn minh. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực, hiệu quả hơn trong phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.

Nêu rõ mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8 này.

Để xây dựng và triển khai đề án này, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo trước ngày 15/8 về các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai, lập kế hoạch triển khai cho thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030 để bảo đảm nhu cầu địa phương. Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể.

"Các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030, cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương tháo gỡ các vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện các quy định để triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho các chuyên gia; nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các khu nhà trọ theo định hướng trên; trước hết là các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, nghiên cứu việc quy định một đầu mối quản lý thống nhất ở các địa phương về vấn đề này. Nghiên cứu việc bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại một cách linh hoạt, khả thi, hiệu quả, phù hợp tình hình. Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính phiền hà, rườm rà, không cần thiết, tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có động lực, cảm xúc, cảm hứng để phát triển nhà ở xã hội,

Các Bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong đó có nội dung về phát triển nhà ở xã hội.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổng hợp, đề xuất và phân bổ nguồn vốn từ ngân sách trung ương theo kế hoạch trung hạn và hàng năm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường.

Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thuế để phù hợp với pháp luật về nhà ở đối với trường hợp ưu đãi thuế cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê.

Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các khu công nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đó.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nghiên cứu chính sách ưu đãi không tính tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại được chỉ định, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi theo quy định của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ; nghiên cứu việc cho vay phát triển nhà trọ cho công nhân.

Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định của các Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và số 49/2021/NĐ-CP và gói hỗ trợ khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại Nghị quyết 11/NQ-CP.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 và Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Các địa phương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021) làm cơ sở để chấp thuận đầu tư; đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

Thực hiện nghiêm quy định về công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định.

Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Đối với các dự án nhà ở xã hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương thực hiện các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư để triển khai thực hiện.

Đối với các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều công nhân như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương… căn cứ quy định pháp luật về nhà ở và Nghị định số 35/2022/NQ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ để dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê.

Đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt.

Sớm lập, phê duyệt và công bố công khai danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.

Có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng dự án.