Vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban, thảo luận cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng trong công tác nhân sự của Đảng.
Tiểu ban Nhân sự Đại hội VIV được thành lập theo Nghị quyết số 40-NQ/TW, ngày 8/10/2023, Hội nghị Trung ương XIII, do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Tiểu ban.
Theo Nghị quyết 40-NQ/TW, Tiểu ban Nhân sự có nhiệm vụ xây dựng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; Kế hoạch triển khai việc giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031; Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV trình Đại hội XIV của Đảng.
Tham dự Phiên họp có thành viên Tiểu ban, gồm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú. Dự Phiên họp còn có các thành viên Tổ Giúp việc của Tiểu ban Nhân sự.
Tiểu ban đã nghe Tổ Giúp việc trình bày các nội dung liên quan đến Tiểu ban Nhân sự; thành viên Tiểu ban đã thảo luận, cho ý kiến.
Phát biểu kết luận Phiên họp, nhấn mạnh vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban nêu rõ, hiện nay, cùng với việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, dự kiến tổ chức vào quý I/2026.
Tại Hội nghị lần thứ tám (tháng 10/2023), Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng (Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng, Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội).
Hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng là việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng (gọi tắt là thông qua các văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (gọi tắt là công tác nhân sự).
Hai nội dung này liên quan chặt chẽ với nhau, đều phải chuẩn bị thật tốt, đặc biệt việc chuẩn bị nhân sự Đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội Đảng, là bộ tham mưu chiến đấu, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc.
Đây là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp liên quan đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ.
Do đó, cần phải khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, sự phát triển của đất nước.
Giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước trong thời gian tới, Tổng Bí thư yêu cầu, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải chuẩn bị thật tốt để trình Đại hội thảo luận và quyết định nhân sự Trung ương khóa XIV, bảo đảm thành công của Đại hội và thắng lợi trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Để chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư chỉ rõ vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xác định đúng yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động.
Đồng thời, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương Đảng ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu; bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục.
Việc giới thiệu nhân sự, nói chung phải trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới...
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ; phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc...
Tổng Bí thư, Trưởng Tiểu ban lưu ý, phải tính toán, quy định rõ cơ cấu, số lượng Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng.
Ban Chấp hành Trung ương cần có cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tính kế thừa và phát triển; nhưng không nhất thiết lĩnh vực nào, ngành nào cũng phải có người tham gia Ban Chấp hành Trung ương nếu không đủ tiêu chuẩn; không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn...
Trong cơ cấu của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần chú ý bảo đảm tỉ lệ hợp lý đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; một số nhà khoa học, văn nghệ sĩ, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia Ban Chấp hành Trung ương.
Rút kinh nghiệm từ các khóa trước, việc xác định số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV cần căn cứ chủ yếu vào yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi của tình hình, căn cứ vào yêu cầu lãnh đạo toàn diện đối với các địa bàn, lĩnh vực công tác, đặc biệt là phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, không thuần tuý chạy theo số lượng.
Để làm tốt công việc hệ trọng này, về tư tưởng, phương châm chỉ đạo, phương pháp và cách làm, Tổng Bí thư, Trưởng Tiểu ban yêu cầu, phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và ở những nơi có cán bộ tham gia quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu.
Công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự đại hội nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì nó liên quan đến con người, là "công tác con người".
Lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu. Phải trên cơ sở xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, tạo ra một ê-kíp, một tập thể thật sự "ăn ý", đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh.
Tổng Bí thư, Trưởng Tiểu ban lưu ý, phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu; chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, "cánh hẩu", "lợi ích nhóm"; tránh cách làm giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc.
Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.
Phải kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên. Cách làm là phải thận trọng, làm dứt điểm từng khâu, từng công đoạn, theo một quy trình chặt chẽ; làm đến đâu chắc đến đó, làm nhân sự Ban Chấp hành Trung ương trước, sau đó mới đến nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cuối cùng mới đến nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Nếu có những công đoạn cần làm đồng thời thì phải xem xét một cách chặt chẽ, chắc chắn, bảo đảm sự đồng bộ, khoa học...
Tổng Bí thư, Trưởng Tiểu ban yêu cầu, các thành viên Tiểu ban Nhân sự và Tổ Giúp việc của Tiểu ban phải nắm chắc, nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc, chế độ, quy chế và lề lối làm việc.
Các thành viên Tổ Giúp việc phải là những cán bộ thật sự tin cậy, tuyệt đối trung thành, trung thực, trong sáng, công tâm, khách quan, đặc biệt là phải rất tỉnh táo, tinh tường "đừng nhìn gà hóa cuốc", "đừng thấy đỏ tưởng là chín"; tuyệt đối giữ nguyên tắc, quan hệ công tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, cá nhân có liên quan; chống các biểu hiện tiêu cực chính ngay trong các cán bộ có trách nhiệm, các đại biểu Đại hội và các thành viên của Tiểu ban và Tổ Giúp việc.
Tổ Giúp việc phải có quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công tâm dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tổng Bí thư lưu ý, trong quá trình lựa chọn, bố trí, sắp xếp nhân sự cụ thể, cần thống nhất quan điểm là không quá cầu toàn, không quá tuyệt đối hóa.
Điều quan trọng là phải biết phân biệt, đánh giá chính xác bản chất, mức độ các điểm mạnh, điểm yếu để không chọn nhầm người; phải có cách bố trí, sắp xếp nhân sự sao cho phù hợp để phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu của mỗi thành viên, bổ sung cho nhau, tạo ra một ê-kíp mạnh, một tập thể lãnh đạo tương đối hoàn chỉnh...
Tại Nghị quyết số 40-NQ/TW, ngày 8/10/2023, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, gồm:
Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ xây dựng Báo cáo chính trị và Báo cáo tổng kết những thành tựu, kết quả của 40 năm đổi mới (1986 - 2026) trình Đại hội XIV của Đảng.
Tiểu ban Kinh tế - Xã hội có nhiệm vụ xây dựng Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030); xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2026 - 2030 trình Đại hội XIV của Đảng.
Tiểu ban Điều lệ Đảng có nhiệm vụ xây dựng Báo cáo về công tác xây dựng Đảng 5 năm (2021 - 2025) và Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.
Tiểu ban Nhân sự có nhiệm vụ xây dựng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; Kế hoạch triển khai việc giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031; Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV trình Đại hội XIV của Đảng.
Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện và phục vụ Đại hội XIV của Đảng.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (2-8/10/2023), Trung ương đã bàn về công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo đã công phu, nghiêm túc chuẩn bị có chất lượng Tờ trình và dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV với sự kế thừa, bổ sung, phát triển đúng đắn, phù hợp về cách làm và bài học kinh nghiệm có được từ các nhiệm kỳ trước, đặc biệt là nhiệm kỳ khóa XIII.
Đồng thời tiếp tục xem xét, phân tích kỹ lưỡng chất lượng, cơ cấu, thành phần trên các lĩnh vực công tác để kịp thời phát hiện, kiến nghị, giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các Hội nghị sau.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa XIV với tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó mới đến quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Trong quá trình này, phải quán triệt và triển khai thực hiện thật tốt Kế hoạch số 17-KH/TW của Bộ Chính trị, xác định quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là công việc rất hệ trọng của Đảng được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu theo đúng quy định; bảo đảm quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Coi trọng chất lượng gắn với cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Tạo sự đồng bộ, tổng thể, liên thông trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn kết với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ và công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới.