In bài viết

TOÀN VĂN: Quyết định số 19/2022/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024

13:10 - 26/09/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng Thông tin điện tử Chính phủ giới thiệu toàn văn Quyết định số 19/2022/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024.

QUYẾT ĐỊNH
Về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất
nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024                          

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (bao gồm bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024.

2. Đối tượng áp dụng bao gồm:

a) Cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế:

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;

- Cơ quan, tổ chức thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội được giao tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp và các nhiệm vụ liên quan đến quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp.

b) Các tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Điều 2. Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024

1. Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (bao gồm bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2. Mức chi phí quản lý bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế bình quân giai đoạn 2022-2024 tối đa 3,5% tiền đóng bảo hiểm y tế, được trích từ quỹ bảo hiểm y tế; trong đó, năm 2022 tối đa 3,55%, năm 2023 tối đa 3,5% và năm 2024 tối đa 3,45%. Dự toán chi phí quản lý bảo hiểm y tế hằng năm được xác định theo mức chi phí quy định tại khoản này tính trên dự toán thu tiền đóng bảo hiểm y tế hằng năm.

3. Các đơn vị thực hiện sử dụng và quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được giao hằng năm theo chế độ quy định. Phần chênh lệch giữa chi phí quản lý quyết toán trong phạm vi dự toán được giao và chi phí quản lý theo tỷ lệ tính trên số thực thu, thực chi được bù trừ như sau:

a) Phần chênh lệch lớn hơn giữa số quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý theo tỷ lệ tính trên số thực thu, thực chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (nếu có), được trừ vào dự toán chi phí quản lý năm sau;

b) Phần chênh lệch lớn hơn giữa số quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm y tế và chi phí quản lý theo tỷ lệ tính trên số thực thu tiền đóng bảo hiểm y tế (nếu có) được trừ vào dự toán chi phí quản lý năm sau.

Trường hợp trong năm Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự kiến số thu tiền đóng bảo hiểm y tế cao hơn dự toán được giao, dẫn đến phát sinh tăng lớn chi phí quản lý bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự toán chi phí quản lý bảo hiểm y tế, nhưng không vượt quá tỷ lệ chi phí quản lý bảo hiểm y tế được trích tính trên số thu tiền đóng bảo hiểm y tế trong năm.

Điều 3. Cơ cấu chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024

1. Cơ cấu nhiệm vụ chi giai đoạn 2022-2024 trong phạm vi nguồn chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 2 Quyết định này gồm 03 nhóm nhiệm vụ chi: 

a) Chi nhiệm vụ chuyên môn về tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia, quản lý người thụ hưởng, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thu, chi, thanh tra, kiểm tra;

b) Chi ứng dụng công nghệ thông tin, chi đầu tư xây dựng cơ bản;

c) Chi hoạt động bộ máy của các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân và các đơn vị được giao thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc ngành lao động – thương binh và xã hội.

2. Chi hoạt động bộ máy tại điểm c khoản 1 Điều này bình quân giai đoạn 2022-2024 tối đa 35,3% tổng chi phí quản lý giai đoạn 2022-2024.

3. Trường hợp vì lý do khách quan cần thiết phải điều chỉnh lại cơ cấu các nhiệm vụ chi trong năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu rõ nguyên nhân, báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Giao dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế

1. Hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam căn cứ quy định tại Quyết định này, văn bản đề nghị của các cơ quan, đơn vị: Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và yêu cầu thực tế của ngành bảo hiểm xã hội, đề xuất mức chi phí quản lý cụ thể, cơ cấu nhiệm vụ chi cụ thể và chi tiết theo từng cơ quan, đơn vị thực hiện, đảm bảo mức chi phí quản lý và cơ cấu nhiệm vụ chi của cả giai đoạn 2022-2024 theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Quyết định này, trình Hội đồng quản lý  Bảo hiểm xã hội thông qua, gửi Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao dự toán đến từng cơ quan, đơn vị. 

2. Trong quá trình xây dựng dự toán và thực hiện dự toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan thực hiện rà soát, tiết kiệm, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết, đảm bảo triệt để tiết kiệm và chịu trách nhiệm về nội dung, nhiệm vụ chi và số liệu đề xuất.

Điều 5. Mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động

1. Mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định được áp dụng đối với các đối tượng sau đây trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt:

a) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

b) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;

c) Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động – thương binh và xã hội.

2. Tiền lương tăng thêm 0,8 lần quy định tại khoản 1 Điều này (không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp ưu đãi giáo dục, phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ) không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và được thực hiện cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Điều 6. Hiệu lực thi hành              

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 11 năm 2022 và được áp dụng cho các năm tài chính từ năm 2022 đến hết năm 2024. Riêng việc chi trả tiền lương tăng thêm 0,8 lần thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Quyết định này.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thanh tra, kiểm tra hàng năm hoặc đột xuất việc thực hiện dự toán, quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo đúng quy định, nhưng đảm bảo không trùng với kế hoạch kiểm toán, thanh tra của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ;

b) Vào quý I năm 2024, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn tiếp theo theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo thực hiện lập dự toán chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng năm, gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp;

b) Thực hiện giao dự toán chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo đúng quy định, đảm bảo kịp thời để các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết kịp thời các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,    bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và các nhiệm vụ liên quan đến quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của ngành lao động - thương binh và xã hội bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với cải cách thủ tục và nâng cao chất lượng phục vụ bảo đảm thuận lợi đối với người sử dụng lao động và người lao động; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với nhiệm vụ được giao;

d) Chỉ đạo thực hiện xét duyệt, thẩm định quyết toán cho các đơn vị được giao dự toán chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định và tổng hợp, báo cáo quyết toán gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

3. Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

4. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng dự toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đúng quy định; trên cơ sở đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân, tổng hợp, đề xuất mức chi phí quản lý cụ thể, cơ cấu nhiệm vụ chi cụ thể và chi tiết theo từng đơn vị thực hiện báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 4 Quyết định này;

b) Thực hiện giao dự toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo đúng quy định, đảm bảo kịp thời để các đơn vị triển khai thực hiện;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam sử dụng chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đúng quy định, hiệu quả, triệt để tiết kiệm gắn với kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm thuận lợi đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân; tiếp tục thực hiện đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao năng lực bộ máy thanh tra nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao; hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm bảo đảm sẵn sàng kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi chính sách; kịp thời ngăn chặn việc trốn đóng, gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

d) Chỉ đạo tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện và quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế năm trước liền kề trong báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội và quỹ bảo hiểm y tế hằng năm, trình Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội thông qua, gửi Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 3 năm sau để tổng hợp, gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế báo cáo   Chính phủ trình Quốc hội.

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an

Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân xây dựng dự toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp; quản lý, sử dụng và quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 4 Quyết định này và quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

6. Các Bộ trưởng: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Quốc phòng, Công an, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.