In bài viết

TOÀN VĂN: Dự thảo Nghị định quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc

08:01 - 03/08/2024

(Chinhphu.vn) - Toàn văn dự thảo Nghị định quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đang dược Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến.

NGHỊ ĐỊNH
Quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc

CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về việc thu phí đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, gồm:

1. Điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc;

2. Mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác

CHƯƠNG II
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THU PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC

Điều 3. Điều kiện thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc

Đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác được triển khai thu phí bao gồm:

1. Đường cao tốc đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan;

b) Hoàn thành bàn giao, đưa vào khai thác theo quy định của Luật Đường bộ, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 45, khoản 2 Điều 47 của Luật Đường bộ thì việc thu phí sẽ được triển khai khi hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị phục vụ việc thu phí; các công trình dịch vụ công tại trạm dừng nghỉ theo vị trí trên tuyến đường cao tốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ để quản lý, điều hành giao thông.

Điều 4. Thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc

1. Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu quản lý đường bộ cao tốc đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 3 Nghị định này, cơ quan được giao quản lý tài sản lập đề án khai thác tài sản đối với đường bộ cao tốc được thu phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về tài sản công và pháp luật chuyên ngành.

2. Thời điểm thu phí, tuyến đường thu phí, mức thu phí được xác định cụ thể tại đề án khai thác tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 5. Đối tượng chịu phí và người nộp phí

1. Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc là các phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc được phân thành 05 nhóm như sau:

a) Nhóm 1 gồm các loại phương tiện sau: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng;

b) Nhóm 2 gồm các loại phương tiện sau: Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn;

c) Nhóm 3 gồm các loại phương tiện sau: Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn;

d) Nhóm 4 gồm các loại phương tiện sau: Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet;

đ) Nhóm 5 gồm các loại phương tiện sau: Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet

2. Tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý phương tiện thuộc đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc quy định tại khoản 1 Điều này phải thanh toán phí sử dụng đường bộ cao tốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này.

Điều 6. Đối tượng miễn thu phí

Đối tượng miễn thu phí sử dụng đường bộ cao tốc khi lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác bao gồm:

1. Xe cứu thương.

2. Xe cứu hỏa.

3. Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng bao gồm các xe mang biển số: Nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng (bao gồm: xe xi téc, xe cần cẩu, xe chở lực lượng vũ trang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe vận tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, xe kiểm soát, xe kiểm tra quân sự, xe chuyên dùng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn, xe thông tin vệ tinh và các xe ô tô đặc chủng khác phục vụ quốc phòng).

4. Xe chuyên dùng phục vụ an ninh bao gồm các loại xe của Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố, Công an quận, huyện:

a) Xe ô tô tuần tra kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông có đặc điểm: Trên nóc xe ô tô có đèn xoay và hai bên thân xe ô tô có in dòng chữ: "CẢNH SÁT GIAO THÔNG";

b) Xe ô tô cảnh sát 113 có có in dòng chữ: "CẢNH SÁT 113" ở hai bên thân xe;

c) Xe ô tô cảnh sát cơ động có in dòng chữ "CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG" ở hai bên thân xe;

d) Xe của lực lượng quân sự, công an, kiểm sát đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp sử dụng một trong các tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật trong trường hợp làm nhiệm vụ khẩn cấp;

đ) Xe ô tô vận tải có mui che và được lắp ghế ngồi trong thùng xe chở lực lượng công an làm nhiệm vụ;

e) Xe đặc chủng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn được gắn biển hiệu nhận biết theo quy định của pháp luật về xe chuyên dùng.

5. Xe chuyên dùng phục vụ tang lễ, gồm:

a) Xe có kết cấu chuyên dùng phục vụ tang lễ (bao gồm: xe tang, xe tải lạnh dùng để lưu xác và chở xác);

b) Các xe liên quan phục vụ tang lễ (bao gồm: xe chở khách đi cùng xe tang, xe tải chở hoa, xe rước ảnh) là xe chỉ sử dụng cho hoạt động tang lễ có giấy chứng nhận đăng ký xe mang tên đơn vị phục vụ tang lễ. Đơn vị phục vụ tang lễ có văn bản cam kết các loại xe này chỉ sử dụng cho hoạt động tang lễ gửi đơn vị nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử (trong đó nêu cụ thể số lượng xe, biển số xe theo từng loại).

6. Đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường.

7. Xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng sử dụng Vé đường bộ toàn quốc quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định này.

Điều 7. Đơn vị tổ chức, quản lý, vận hành, cung cấp dịch vụ thu phí

1. Đơn vị quản lý thu phí sử dụng đường bộ cao tốc (sau đây gọi tắt là đơn vị quản lý thu) bao gồm:

a) Cơ quan quản lý đường bộ tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc;

b) Tổ chức nhận nhượng quyền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc.

2. Đơn vị vận hành thu là đơn vị được đơn vị quản lý thu lựa chọn để vận hành hệ thống thiết bị lắp đặt tại các điểm thu.

3. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ (sau đây gọi là Nhà cung cấp dịch vụ thu phí) là đơn vị được đơn vị quản lý thu lựa chọn để cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Điều 8. Chứng từ thu phí sử dụng đường cao tốc

1. Chứng từ thu phí sử dụng đường cao tốc là chứng từ được phát hành dưới dạng chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật về chứng từ điện tử.

2. Vé đường bộ toàn quốc là chứng từ thu phí áp dụng riêng đối với xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an nộp phí sử dụng đường bộ theo quy định của Chính phủ.

a) Vé đường bộ toàn quốc áp dụng đối với các phương tiện thuộc Bộ Quốc phòng mang biển số màu đỏ, không áp dụng đối với các phương tiện mang biển số khác (kể cả phương tiện của Bộ Quốc phòng không mang biển số màu đỏ). Nội dung Vé đường bộ toàn quốc áp dụng đối với xe quốc phòng bao gồm các thông tin sau: Cơ quan phát hành (Cơ quan quản lý đường bộ); loại phương tiện sử dụng (gồm 02 loại: vé sử dụng cho xe ô tô con quân sự và vé sử dụng cho xe ô tô tải quân sự); kích cỡ vé có tổng chiều dài nhân (x) chiều rộng là 12 cm x 8 cm, có màu sắc; nền vé màu đỏ, chữ và số màu trắng; biển số xe;

b) Vé đường bộ toàn quốc áp dụng đối với xe của Bộ Công an bao gồm các thông tin sau: Cơ quan phát hành (Cơ quan quản lý đường bộ); loại phương tiện sử dụng gồm 02 loại (xe dưới 7 chỗ ngồi và xe ô tô từ 7 chỗ ngồi trở lên, xe khách, xe vận tải, xe ô tô chuyên dùng); kích cỡ vé có chiều dài nhân (x) chiều rộng là 12 cm x 8 cm và có màu sắc; nền vé màu vàng có gạch màu đỏ dọc theo thân vé ở vị trí 1/3 vé tính từ trái sang phải, chữ và số màu đen; biển số xe.

3. Vé đường bộ toàn quốc được phát hành như sau:

a) Trước ngày 15 tháng 10 hàng năm, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập dự trù số lượng, chủng loại Vé đường bộ toàn quốc có phân loại cụ thể các phương tiện cần sử dụng gửi Cơ quan quản lý đường bộ;

b) Cơ quan quản lý đường bộ thực hiện in và phát hành Vé đường bộ toàn quốc vào tháng 12 hàng năm. Kỳ hạn sử dụng của Vé đường bộ toàn quốc theo năm từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm;

c) Sau ngày 15 tháng 12 hàng năm, người đề nghị cấp vé mang giấy giới thiệu của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ghi rõ: Họ tên, chức vụ của người đề nghị cấp vé; số lượng, chủng loại vé cần cấp kèm theo chứng minh thư/căn cước công dân đến Cơ quan quản lý đường bộ; để được cấp vé. Cơ quan quản lý đường bộ thực hiện cung cấp cho người đề nghị số lượng, chủng loại Vé đường bộ toàn quốc theo yêu cầu. Cơ quan được cấp vé quản lý, sử dụng Vé đường bộ toàn quốc đúng quy định của pháp luật.

CHƯƠNG III
QUY ĐỊNH VỀ MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG CAO TỐC

Điều 9. Số tiền phí, mức phí sử dụng đường cao tốc

1. Số tiền phí sử dụng đường cao tốc phải nộp được xác định trên cơ sở từng loại phương tiện, quãng đường thực tế phương tiện tham gia giao thông (km) và mức phí tương ứng với từng loại phương tiện (đồng/km).

2. Mức phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải (quản lý, khai thác) quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Mức phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác thuộc phạm vi quản lý của địa phương (UBND cấp tỉnh quản lý, khai thác) do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.

4. Căn cứ mức phí quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, mức phí áp dụng đối với từng tuyến, đoạn tuyến cao tốc được xác định cụ thể tại Đề án khai thác tài sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Điều 10. Quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc trong trường hợp đơn vị quản lý thu là cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc

1. Đơn vị quản lý thu mở tài khoản thu phí đường bộ tại Kho bạc nhà nước để quản lý phí sử dụng đường bộ cao tốc.

2. Phí sử dụng đường bộ cao tốc được quản lý, sử dụng như sau:

a) Toàn bộ số tiền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc thu được sau khi trừ chi phí cung cấp dịch vụ thu phí theo hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử chuyển vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của đơn vị quản lý thu mở tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ lần chuyển tiền trước đó, trừ các trường hợp đặc biệt đã được thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ thu phí;

b) Đơn vị quản lý thu được để lại không phẩy hai phần trăm (0,2%) trên số tiền phí thực thu để trang trải chi phí quản lý hoạt động thu phí sử dụng đường bộ; hàng năm, đơn vị quản lý thu lập dự toán chi phí quản lý hoạt động thu phí sử dụng đường bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về Phí và Lệ phí; thực hiện kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ cao tốc thu được theo tháng, quyết toán theo năm theo quy định về quản lý thuế;

c) Đơn vị quản lý thu thực hiện thanh toán chi phí vận hành thu cho đơn vị cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; toàn bộ số tiền phí thu được còn lại (sau khi trừ chi phí cung cấp dịch vụ thu phí theo hợp đồng cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử; chi phí vận hành thu và số tiền quy định tại điểm b khoản này) được đơn vị quản lý thu nộp vào ngân sách nhà nước trong thời gian không quá ngày 15 của tháng tiếp theo (phí sử dụng đường bộ cao tốc do trung ương quản lý nộp vào ngân sách trung ương, phí sử dụng đường bộ cao tốc do địa phương quản lý nộp vào ngân sách địa phương) và chi tiết theo Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành để chi cho công tác xây dựng, nâng cấp, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định.

Điều 11. Quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc trong trường hợp chuyển nhượng quyền thu phí

1. Tổ chức nhận nhượng quyền thu phí nộp số tiền nhận nhượng quyền theo quy định vào ngân sách nhà nước.

2. Số tiền phí thu được trong thời gian thực hiện hợp đồng chuyển nhượng không phải nộp ngân sách nhà nước, trừ phần doanh thu phải chia sẻ cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân

1. Đơn vị quản lý thu phí là cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc có trách nhiệm:

a) Hàng năm vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, đơn vị quản lý thu phí dự kiến số thu phí sử dụng đường bộ cao tốc, số nộp ngân sách, lập dự toán chi cho công tác quản lý, thu phí; báo cáo cơ quan có thẩm quyền giao dự toán theo quy định.

b) Quản lý thu, nộp phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định;

c) Kiểm tra hoạt động, số thu từ cung cấp dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ cao tốc của đơn vị vận hành thu, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử để đảm bảo thu đúng, thu đủ, nộp đúng hạn khoản thu phí sử dụng đường bộ cao tốc vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của đơn vị quản lý thu.

d) Lập báo cáo quyết toán phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Cơ quan ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí có trách nhiệm:

a) Quản lý thu, nộp giá trị chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký;

b) Kiểm tra hoạt động thu phí của đơn vị nhận chuyển nhượng thu phí đảm bảo thu đúng, thu đủ.

c) Lập báo cáo quyết toán về công tác quản lý hợp đồng chuyển nhượng theo quy định.

3. Đơn vị nhận chuyển nhượng quyền thu phí có trách nhiệm:

a) Nộp số tiền nhận nhượng quyền vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và Hợp đồng đã ký;

b) Thực hiện báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo quy định của cơ quan quản lý thu phí. Hàng năm, gửi báo cáo doanh thu kèm theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán theo quy định về cơ quan có thẩm quyền trước ngày 31 tháng 03 năm sau để thực hiện quản lý hợp đồng theo quy định.

4. Đơn vị vận hành thu có trách nhiệm:

a) Thực hiện nhiệm vụ đối soát số liệu thu phí giữa lưu lượng phương tiện thực tế lưu thông với lưu lượng phương tiện thực hiện thu phí của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc và hợp đồng cung cấp dịch vụ vận hành thu phí;

b) Thực hiện báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo quy định của cơ quan quản lý thu phí. Hàng năm, gửi báo cáo quyết toán thu phí sử dụng đường bộ cao tốc trong năm về đơn vị quản lý thu trước ngày 20 tháng 01 năm sau để thực hiện quyết toán theo quy định tại hợp đồng.

5. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử có trách nhiệm:

a) Thực hiện nhiệm vụ thu đúng, thu đủ, chuyển số tiền phí sử dụng đường bộ cao tốc thu được đúng hạn vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của Đơn vị tổ chức, quản lý thu phí theo quy định và hợp đồng cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử;

b) Thực hiện báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo quy định của cơ quan quản lý thu phí. Hàng năm, gửi báo cáo quyết toán thu phí sử dụng đường bộ cao tốc trong năm về đơn vị quản lý thu trước ngày 20 tháng 01 năm sau để thực hiện quyết toán theo quy định tại hợp đồng.

6. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

a) Căn cứ số dự kiến thu phí sử dụng đường bộ cao tốc năm kế hoạch, đơn vị quản lý thu lập dự toán thu phí sử dụng đường bộ cao tốc và tổng hợp chung trong dự toán ngân sách hàng năm, gửi Bộ Tài chính cùng thời điểm thảo luận dự toán thu - chi ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

b) Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng nhượng quyền thu phí theo Hợp đồng đã ký kết và pháp luật có liên quan.

7. Trách nhiệm của chủ phương tiện giao thông đường bộ:

a) Thanh toán phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định;

b) Thông báo, kê khai phương tiện sử dụng loại vé đường bộ toàn quốc cho đơn vị quản lý thu và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử để thực hiện việc cập nhật trong toàn bộ hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày tháng năm 2024.

2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai thu phí sử dụng đường bộ cao tốc không quy định tại Nghị định này, thực hiện theo quy định của pháp luật về Phí và lệ phí, Quản lý thuế.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


PHỤ LỤC
BIỂU MỨC PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG CAO TỐC

(Ban hành kèm theo Nghị định số …../2024/NĐ-CP ngày tháng …. năm 2024

của Chính phủ)

Đơn vị: đồng/xe.km

Nhóm

Phương tiện chịu phí

Mức 1

Mức 2

1

Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng;

1.300

900

2

Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn;

1.950

1.350

3

Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn;

2.600

1.800

4

Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet;

3.250

2.250

5

Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet.

5.200

3.600

Ghi chú: Hướng dẫn áp dụng Biểu phí:

a) Mức 1 là mức phí áp dụng đối với phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này;

b) Mức 2 là mức phí áp dụng đối với phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định này;

c) "Tải trọng" của từng phương tiện theo từng nhóm nêu trên là khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông ghi tại Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan đăng kiểm cấp (sau đây gọi là Giấy chứng nhận đăng kiểm). Trường hợp trên Giấy chứng nhận đăng kiểm không có giá trị khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông thì sử dụng giá trị khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế. Số ghế ngồi tương ứng với số lượng người cho phép chuyên chở;

d) Đối với ô tô chuyên dùng, "tải trọng" được hiểu là khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của phương tiện ghi trên Giấy chứng nhận đăng kiểm và áp dụng mức thu của nhóm xe có "tải trọng" tương ứng theo từng nhóm. Trường hợp trên Giấy chứng nhận đăng kiểm không có khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông thì sử dụng giá trị khối lượng toàn bộ theo thiết kế;

đ) Đối với xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ, "tải trọng" được hiểu là khối lượng bản thân của phương tiện ghi trên Giấy chứng nhận đăng kiểm và áp dụng mức thu của nhóm xe có "tải trọng" tương ứng;

e) Mức thu đối với ô tô đầu kéo không kéo theo sơmi rơ mooc, rơ mooc áp dụng mức thu tương ứng Nhóm 3;

g) Mức thu đối với xe chở hàng sử dụng một đầu kéo kéo theo một sơ mi rơ mooc hoặc một rơ mooc áp dụng mức thu theo "tải trọng" của phương tiện được kéo theo;

h) Mức thu tổ hợp xe được cấp giấy phép lưu hành đặc biệt áp dụng mức thu riêng biệt đối với từng phương tiện thành phần;

i) Không thực hiện thu phí sử dụng đường cao tốc đối với xe được cứu hộ.