Nghị định này quy định về chế độ nhuận bút, thù lao đối với việc sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí (gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), xuất bản phẩm.
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.
1. Nhuận bút là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả khi tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm (sau đây gọi chung là tác phẩm) được sử dụng.
2. Thù lao là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho người thực hiện công việc có liên quan đến sáng tạo tác phẩm.
3. Lợi ích vật chất là các lợi ích mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng ngoài nhuận bút bao gồm: Nhận sách, báo biếu, vé mời xem công bố tác phẩm, giải thưởng trong nước và quốc tế...
1. Mức nhuận bút, thù lao trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm căn cứ vào thể loại, chất lượng tác phẩm, mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đến kinh tế - xã hội, mức độ đóng góp vào tác phẩm, các quy định khuyến khích sáng tạo tác phẩm tại Nghị định này và quy định của cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm hoặc theo hợp đồng sử dụng xuất bản phẩm với nhà xuất bản. Mức nhuận bút của tác giả không thấp hơn mức thù lao của người tham gia công việc có liên quan đến sáng tạo tác phẩm cùng thể loại.
2. Tác giả của tác phẩm dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số, phóng sự điều tra; tác giả là người Việt Nam viết trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, người Kinh viết trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số viết trực tiếp bằng tiếng của dân tộc thiểu số khác; tác giả dịch các tác phẩm có giá trị của Việt Nam ra tiếng nước ngoài; tác giả của tác phẩm được thực hiện trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm và những trường hợp đặc biệt khác được hưởng nhuận bút cao hơn nhằm khuyến khích sáng tạo.
3. Tác phẩm thuộc loại hình sáng tác, nghiên cứu được trả nhuận bút cao hơn tác phẩm dịch, phóng tác, rút gọn, cải biên, chuyển thể, sách nói, sưu tầm, biên soạn, chú giải, tuyển tập và hợp tuyển. Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định của cơ quan sử dụng tác phẩm khi tác phẩm đó được sử dụng làm tuyển tập, hợp tuyển, phóng tác, rút gọn, cải biên, chuyển thể, sách nói, sưu tầm và biên soạn thành tác phẩm mới hoặc dịch sang ngôn ngữ khác. Đối với tác phẩm gốc được dịch sang ngôn ngữ khác để thể hiện trên loại hình báo chí khác hoặc ấn phẩm báo chí khác của cùng một cơ quan báo chí, việc chi trả nhuận bút thực hiện theo quy định của từng cơ quan báo chí.
4. Việc phân chia nhuận bút giữa các đồng tác giả, đồng sở hữu quyền tác giả theo thỏa thuận hoặc mức độ đóng góp trong việc sáng tạo tác phẩm.
5. Chậm nhất 60 ngày, kể từ ngày tác phẩm được đăng tải, công bố, bên sử dụng tác phẩm phải trả hết tiền nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định. Trường hợp cơ quan báo chí đã liên hệ, thông báo ít nhất 3 lần cho người hưởng nhuận bút nhưng không nhận được hồi âm thì tiền nhuận bút đó được chuyển sang chi trả nhuận bút của năm tiếp theo.
6. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước thực hiện trả tiền bản quyền theo quy định.
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với chế độ nhuận bút, thù lao trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
1. Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm được cơ quan báo in, báo điện tử sử dụng tác phẩm trả nhuận bút.
2. Lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên và những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan đến sáng tạo tác phẩm báo chí được trả thù lao.
3. Người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí được trả thù lao.
1. Đối với tác phẩm do cơ quan báo in, báo điện tử tự xây dựng bản thảo, nhuận bút, thù lao được tính trong chi phí cấu thành đơn giá của từng thể loại trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động báo in, báo điện tử.
2. Đối với tác phẩm của người không hưởng lương tại cơ quan báo in, báo điện tử, nhuận bút được tính như đối với tác phẩm do cơ quan báo in, báo điện tử tự xây dựng bản thảo; thù lao được tính trong chi phí cấu thành đơn giá của từng thể loại trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động báo in, báo điện tử.
3. Đối với cơ quan báo in, báo điện tử tự bảo đảm chi phí hoạt động, việc trả nhuận bút, thù lao cao hơn mức bình quân chung do Tổng biên tập quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại, nhưng không vượt quá định mức kinh tế - kỹ thuật do Nhà nước quy định.
4. Những quy định khác
a) Tác giả bản dịch từ tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số sang tiếng Việt hoặc ngược lại hưởng từ 40 - 65% nhuận bút của tác phẩm cùng thể loại tương ứng bằng tiếng Việt. Mức nhuận bút do Tổng biên tập quyết định.
b) Tác giả của tác phẩm dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số hưởng thêm 10 - 20% nhuận bút của tác phẩm cùng thể loại. Mức nhuận bút do Tổng biên tập quyết định.
c) Tác giả là người Việt Nam viết trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, người Kinh viết trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số viết trực tiếp bằng tiếng của dân tộc thiểu số khác hưởng thêm 30 - 50% nhuận bút của tác phẩm cùng thể loại. Mức nhuận bút do Tổng biên tập quyết định.
d) Tác giả của tác phẩm thực hiện trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm được hưởng thêm tối đa bằng mức nhuận bút của tác phẩm cùng thể loại.
đ) Đối với báo điện tử, nhuận bút, thù lao thông tin do độc giả cung cấp sẽ do Tổng biên tập quyết định, trừ những trường hợp có thỏa thuận khác.
e) Đối với các bài phỏng vấn, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn được cơ quan báo chí trả nhuận bút theo quy chế của cơ quan báo chí.
g) Thù lao đối với người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí do Tổng biên tập quyết định dựa trên mức đóng góp vào việc sáng tạo tác phẩm.
1. Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm được cơ quan báo nói, báo hình sử dụng trả nhuận bút.
2. Biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ (không kể phần nhạc qua băng tư liệu) - đối với báo nói được trả nhuận bút.
3. Biên kịch, đạo diễn, quay phim, người dựng phim, nhạc sĩ (không kể phần nhạc qua băng tư liệu), họa sĩ - đối với báo hình được trả nhuận bút.
4. Lãnh đạo cơ quan báo nói, báo hình, phát thanh viên, biên tập viên, diễn viên sân khấu, điện ảnh và các loại hình nghệ thuật khác, đạo diễn chương trình, người chỉ huy dàn dựng âm nhạc, người thiết kế ánh sáng, trợ lý nghệ thuật, đạo diễn và chuyên viên kỹ thuật âm thanh, quay phim kỹ xảo được trả thù lao.
1. Nhuận bút, thù lao được tính trong chi phí cấu thành đơn giá của từng thể loại trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất chương trình phát thanh, sản xuất chương trình truyền hình.
2. Đối với cơ quan báo nói, báo hình tự bảo đảm chi phí hoạt động, việc trả nhuận bút, thù lao cao hơn mức bình quân chung do Tổng Giám đốc/Giám đốc quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại, nhưng không vượt quá định mức kinh tế - kỹ thuật do Nhà nước quy định.
3. Những quy định khác
a) Tác phẩm phát nhiều lần trên sóng hưởng nhuận bút theo thỏa thuận trong hợp đồng.
b) Đối với thể loại cầu phát thanh, cầu truyền hình, chương trình phát thanh trực tiếp, chương trình truyền hình trực tiếp và những thể loại khác chưa quy định trong Nghị định này, tuỳ theo tính chất, quy mô, Tổng giám đốc/Giám đốc quyết định mức nhuận bút, thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người liên quan thực hiện các chương trình đó.
1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của xuất bản phẩm được cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm trả nhuận bút.
2. Người sưu tầm, người biên soạn, người hiệu đính tác phẩm, người cung cấp tác phẩm, tài liệu được cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm trả thù lao đối với:
a) Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian;
b) Tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và bản dịch của những văn bản đó.
3. Biên tập viên được cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm trả thù lao theo mức độ đóng góp vào nội dung bản thảo.
Nhuận bút và tiền thù lao được tính trong giá thành xuất bản phẩm.
1. Khung chi trả nhuận bút: Nhuận bút đối với xuất bản phẩm căn cứ vào thể loại, chất lượng, số lượng tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trong khung nhuận bút dưới đây:
Nhóm | Thể loại | Tỷ lệ phần trăm (%) |
I | Xuất bản phẩm thuộc loại sáng tác: | |
1 | Văn xuôi | 8 - 20% |
2 | Sách nhạc | 10 - 20% |
3 | Thơ | 12 - 20% |
4 | Kịch bản sân khấu, điện ảnh | 12 - 20% |
5 | Sách tranh, sách ảnh | 8 - 15% |
6 | Truyện tranh | 4- 13% |
7 | Từ điển, sách tra cứu | 12 - 21% |
8 | Sách nghiên cứu lý luận về chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục | 12 - 21% |
9 | Sách khoa học - công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, công trình khoa học | 10 - 22% |
10 | Sách phổ biến kiến thức về chính trị, văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ | 8 - 15% |
11 | Giáo trình bậc sau đại học, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, sách phương pháp cho giáo viên và phụ huynh | 8 - 19% |
12 | Sách bài học, sách bài tập, sách vở bài tập, sách cho giáo viên, sách chương trình mục tiêu (theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo) | 30 - 140% mức tiền lương cơ sở/tiết theo quy định của chương trình |
13 | Sách tham khảo phổ thông theo chương trình sách giáo khoa. | 2 - 12% |
II | Xuất bản phẩm thuộc loại phóng tác, cải biên, chuyển thể, sưu tầm, biên soạn, chú giải, tuyển tập, hợp tuyển, rút gọn, sách nói | 5 - 10% |
III | Xuất bản phẩm thuộc loại dịch: | |
1 | Dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài | 8 - 15% |
2 | Dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (trừ truyện tranh) | 6 - 12% |
3 | Dịch từ một ngôn ngữ nước ngoài sang một ngôn ngữ nước ngoài khác | 12 - 18% |
4 | Dịch từ tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam | 12 - 18% |
5 | Dịch từ tiếng dân tộc thiểu số này sang tiếng dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam | 15 - 18% |
6 | Dịch từ chữ Hán Nôm hoặc tiếng dân tộc thiểu số sang tiếng Việt | 12 - 15% |
IV | Bản đồ | 7 - 23% |
2. Cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm và tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng thỏa thuận cách tính nhuận bút và mức nhuận bút đối với các loại xuất bản phẩm sau đây:
a) Xuất bản phẩm điện tử;
b) Xuất bản phẩm có giá trị lý luận, khoa học và thực tiễn cao;
c) Xuất bản phẩm chuyển nhượng quyền sở hữu vĩnh viễn;
d) Trường hợp khác do hai bên tự nguyện thỏa thuận.
3. Những quy định khác
a) Người hiệu đính tác phẩm dịch được hưởng từ 5 - 30% nhuận bút tác phẩm dịch tuỳ theo mức độ và chất lượng hiệu đính.
Trường hợp hiệu đính trên 30% tác phẩm dịch thì người hiệu đính là đồng tác giả.
b) Biên tập viên, người sưu tầm, người cung cấp tác phẩm, tài liệu được hưởng thù lao theo thỏa thuận với cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm.
c) Đối với xuất bản phẩm thuộc loại dịch, phóng tác, rút gọn, cải biên, chuyển thể, sách nói, sưu tầm, chú giải, tuyển tập, hợp tuyển, biên soạn thành tác phẩm mới hoặc dịch sang ngôn ngữ khác, cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm phải xin phép và trả nhuận bút cho tác giả của tác phẩm gốc, Mức nhuận bút do cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm và tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc thỏa thuận.
d) Tác giả phần lời của bản nhạc, truyện tranh được hưởng từ 30 - 50% nhuận bút của xuất bản phẩm đó.
đ) Đối với xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng, thông tin đối ngoại, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thị và các nhiệm vụ trọng yếu khác, ngoài khoản nhuận bút quy định theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định này được hưởng thêm từ 10 - 30% nhuận bút của xuất bản phẩm đó.
e) Nhuận bút đối với xuất bản phẩm song ngữ bằng 50% mức nhuận bút của xuất bản phẩm dịch cùng thể loại quy định trong khung nhuận bút.
g) Nhuận bút đối với xuất bản phẩm tái bản được hưởng từ 50 - 100% so với mức nhuận bút xuất bản lần đầu và được tính trên giá bán lẻ mới.
h) Nhuận bút sách nói còn được trả cho người thể hiện giọng đọc tối đa không quá 50% theo mức trong khung nhuật bút quy định tại khoản 1 Điều này.
i) Ngoài tiền nhuận bút, tác giả được nhận 05 - 10 bản xuất bản phẩm. Trường hợp xuất bản phẩm có nhiều tác giả, số lượng xuất bản phẩm các tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả được nhận do cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm quyết định.
k) Nhuận bút được trả cho mỗi lần ký hợp đồng sử dụng tác phẩm.
l) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm quy định cụ thể tỷ lệ trả nhuận bút, thù lao cho xuất bản phẩm theo quy định tại Nghị định này.
1. Nhuận bút đối với xuất bản phẩm được tính như sau:
Nhuận bút = Tỷ lệ % x Giá bán lẻ xuất bản phẩm x Số lượng in
Trong đó:
a) Tỷ lệ phần trăm (%) là tỷ lệ trả nhuận bút;
b) Giá bán lẻ xuất bản phẩm là giá tiền in ở cuối trang bìa 4 hoặc giá bán lẻ ghi trên hóa đơn bán xuất bản phẩm (đối với xuất bản phẩm không ghi giá bán) vào thời điểm thanh toán trả tiền nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở quyền tác giả;
Trường hợp sau đó giá bán lẻ thay đổi, nếu không có thỏa thuận khác được ghi trong hợp đồng sử dụng xuất bản phẩm, giá bán lẻ để tính nhuận bút vẫn giữ nguyên;
c) Số lượng in là số lượng ghi trong hợp đồng sử dụng tác phẩm.
2. Nhuận bút đối với xuất bản phẩm do nhà nước đặt hàng, được tính như sau:
Nhuận bút = Tỷ lệ % x Giá thành sản xuất x Số lượng in
Trong đó:
a) Tỷ lệ phần trăm (%) và số lượng in theo quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Giá thành sản xuất là tổng chi phí của xuất bản phẩm, bao gồm chi phí phát hành (theo kết quả đấu thầu).
3. Nhuận bút tài liệu không kinh doanh (lưu hành nội bộ hoặc phát không thu tiền) được tính như sau:
Nhuận bút = Tỷ lệ % x Giá thành sản xuất x số lượng in.
4. Nhuận bút sách bài học, sách bài tập, sách vở bài tập, sách cho giáo viên, sách chương trình mục tiêu theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại số thứ tự 12 nhóm I khung nhuận bút quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định này được tính như sau:
Nhuận bút = Tỷ lệ phần trăm (%) x Mức tiền lương cơ sở x Số lượng tiết học theo quy định của chương trình.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2023.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản hết hiệu lực.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và các cơ quan báo chí, nhà xuất bản chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.