In bài viết

Tin không khí lạnh tăng cường, rét đậm, rét hại và các chỉ đạo ứng phó

09:46 - 06/02/2025

(Chinhphu.vn) - Cập nhật tin không khí lạnh tăng cường, rét đậm, rét hại; cảnh báo mưa tuyết, băng giá; gió mạnh, sóng lớn trên biển và các chỉ đạo ứng phó.

Tin không khí lạnh tăng cường, rét đậm, rét hại và các chỉ đạo ứng phó- Ảnh 1.

Không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 2 độ, sóng biển cao tới 7m

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay (06/02), bộ phận không khí lạnh mạnh đã báo đang di chuyển xuống phía Nam.

Dự báo diễn biến không khí lạnh trong 24 giờ đến 48 giờ tới:

Trên đất liền: khoảng gần sáng và sáng 07/02, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. 

Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4, có nơi có gió giật cấp 6.

Ở Bắc Bộ từ chiều ngày 07/02 trời chuyển rét đậm, rét hại. Từ đêm 07/02 khu vực Bắc Trung Bộ trời chuyển rét đậm, khu vực từ Quảng Bình đến Huế trời chuyển rét, có nơi rét đậm. 

Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ phổ biến từ 9-12 độ, vùng núi 5-8 độ, vùng núi cao có nơi dưới 2 độ. Ở khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến 11-14 độ, ở khu vực từ Quảng Bình đến Huế phổ biến 14-16 độ.

Khu vực Hà Nội: từ chiều 07/02 trời chuyển rét đậm, có nơi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 10-12 độ.

Trên biển: Từ ngày 07/02, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao 2,0-4,0m.

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao 5,0-7,0m. 

Từ chiều ngày 07/02, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao 4,0-6,0m. 

Từ đêm 07/02, vùng biển phía Đông khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Đông quần đảo Trường Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 4,0-6,0m.

Dự báo chi tiết: 

Thời điểm dự báoKhu vực ảnh hưởngNhiệt độ thấp nhất (oC)Nhiệt độ trung bình (oC)
Ngày và đêm 07/02Bắc Bộ10-13, vùng núi 6-9, vùng núi cao có nơi dưới 713-15; vùng núi 11-13; Lai Châu, Điện Biên: 16-18
Bắc Trung Bộ12-1515-17

Cảnh báo khả năng xuất hiện thiên tai đi kèm: Đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 10/02. 

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dòng xiết trong đới gió Tây trên cao nên từ đêm 06/02 đến sáng 08/02, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rải rác.

Từ ngày 07-09/02, khu vực từ Nghệ An đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to và dông.

Vùng núi cao Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế - xã hội

Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.

Trời rét đậm, rét hại, mưa tuyết và băng giá có khả năng ảnh hưởng đến gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.

Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế - xã hội

Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.

Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.

Trời rét đậm, rét hại, mưa tuyết và băng giá có khả năng ảnh hưởng đến gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

DỰ BÁO GIÓ MẠNH, SÓNG LỚN TRÊN BIỂN 

Ở trạm Huyền Trân có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; ở đảo Phú Quý có gió giật mạnh cấp 7-8.

Dự báo diễn biến trong 24h tới:

Thời điểm dự báoVùng biển ảnh hưởngGió mạnhĐộ cao sóng
Cấp gió

 

(cấp Bô-pho)
HướngĐộ cao (mét)Hướng
Ngày và đêm 06/02Phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển ĐôngGió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.Đông Bắc2,0-4,0mĐông Bắc
Từ Khánh Hòa đến Bình ThuậnGió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.Đông Bắc2,0-3,0mĐông Bắc
Ngày 06/02Phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa)Gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.Đông Bắc2,0-3,5mĐông Bắc

Cảnh báo: Ngày và đêm 07/02, vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao 1,5-2,5m.

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao 2,0-4,0m.

Chiều và đêm 07/02, vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận, khu vực Giữa Biển Đông, vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao 2,0-4,0m.

Đêm 07/02, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Đông của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Đông quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao 2,0-4,0m.

Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.

Dự báo tác động: Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.

Đề nghị chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 813 /BNN-ĐĐ đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển.

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố:

Đối với rét (các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ):

- Tiếp tục thực hiện Công điện số 07/CĐ-TTg ngày 26/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.

- Theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến đợt không khí lạnh, rét và thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền cơ sở, Nhân dân chủ động biện pháp phòng tránh phù hợp.

- Triển khai phương án ứng phó với rét, trong đó đặc biệt tăng cường hướng dẫn việc bảo đảm sức khỏe cho người dân, học sinh tại các trường nội trú, không dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín để tránh thiệt hại về người.

- Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, dự trữ thức ăn; phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu và cây trồng khác.

Đối với gió mạnh trên biển (các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang):

Theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Yên Bái: Các địa phương cần chủ động ứng phó với không khí lạnh tăng cường

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh hiệu quả với diễn biến bất lợi của thời tiết, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Yên Bái đề nghị các thành viên và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, theo dõi chặt chẽ diễn biến không khí lạnh, rét hại có thể xảy ra, để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Triển khai các biện pháp phòng tránh rét, đảm bảo an toàn cho người dân nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh. 

Chủ động triển khai các biện pháp chống rét cho cây trồng và vật nuôi.

Sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái, Báo Yên Bái và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường đưa tin về diễn biến thời tiết, thiên tai và kỹ năng ứng phó rét đậm, rét hại, đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại (Tài liệu tham khảo: phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/Tai-lieu-truyen-thong-pctt.aspx).

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (số điện thoại liên lạc 0216.3852.708) để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Thanh Hóa: Chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển

Tối 5/2, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN&PTDS) tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 06 gửi các ngành có liên quan của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển. 

Thực hiện Công văn số 813/BNN-ĐĐ ngày 5/2/2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 24/1/2025 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển, trong đó thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm như sau:

Đối với rét, theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến đợt không khí lạnh, rét và thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền cơ sở, Nhân dân chủ động biện pháp phòng tránh phù hợp.

Triển khai phương án ứng phó với rét, trong đó đặc biệt tăng cường hướng dẫn việc bảo đảm sức khỏe cho người dân, học sinh tại các trường nội trú, không dùng bếp than, củi sưởi ấm trong phòng kín để tránh thiệt hại về người.

Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, dự trữ thức ăn; phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu và cây trồng khác.

Đối với gió mạnh trên biển, theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của rét đậm, rét hại, gió mạnh trên biển; dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời đến các cơ quan liên quan và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Báo Thanh Hoá, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá, Đài Thông tin Duyên hải Thanh Hoá, hệ thống truyền thanh cơ sở và các phương tiện thông tin đại chúng khác tăng cường thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai và biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại, gió mạnh trên biển để người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Nghệ An: Chủ động ứng phó không khí lạnh, rét đậm, rét hại 

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tại - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN và PTDS) tỉnh Nghệ An vừa có công văn số 12/VP.PCTT gửi Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố và thị xã; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ; Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại xảy ra trên địa bàn và gió mạnh trên biển.

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tại - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục thực hiện Công điện số 01/CĐ-BCH ngày 28/1/2025 của Ban Chỉ hay PCTT-TKCN và PTDS tỉnh; 

Theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến đợt không khí lạnh, xét và thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền cơ sở, nhân dân chủ động phòng tránh. 

Rà soát phương án ứng phó với rét; hướng dẫn việc bảo đảm sức khỏe cho người dân, không dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín để tránh thiệt hại về người; 

Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, dự trữ thức ăn; phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu và cây trồng khác.

Đối với gió mạnh trên biển, các huyện, thị xã ven biển theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TCKN và PTDS tỉnh.

Bộ Y tế khuyến cáo các cách dự phòng bảo vệ sức khỏe mùa lạnh, rét đậm, rét hại

Bộ Y tế vừa ban hành Công văn 557/BYT-MT về việc tăng cường hướng dẫn các biện pháp bảo vệ sức khoẻ người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại.

Theo đó tại văn bản gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung, cụ thể:

Chỉ đạo các Sở ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình rét đậm, rét hại trên địa bàn và kịp thời thông tin cho người dân biết để chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khoẻ trong mùa lạnh.

Chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan phổ biến Hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ mùa lạnh cho cộng đồng và người lao động (được gửi kèm theo) cho cán bộ y tế các cấp, nhất là tuyến y tế cơ sở để có thể tuyên truyền và tư vấn cho mọi người dân trên địa bàn;

Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức truyền thông, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp dự phòng chăm sóc sức khoẻ mùa lạnh cho người dân bằng nhiều hình thức phù hợp và có hiệu quả tại địa phương;

Chỉ đạo cơ sở y tế các cấp trên địa bàn đảm bảo bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp; tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Cùng đó, chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí của địa phương chủ động phối hợp với Sở Y tế tăng cường các biện pháp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn bảo vệ sức khoẻ trong mùa lạnh cho người dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Uống rượu vào mùa lạnh càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong

Tại Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa lạnh cho cộng đồng và người lao động ban hành kèm theo Công văn 557/BYT-MT, Bộ Y tế đã khuyến cáo về dự phòng bảo vệ sức khoẻ mùa lạnh cho người dân, đặc biệt là người già và trẻ em như sau:

- Hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9h đêm đến 6h sáng;

- Khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dầy để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang... ;

- Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh;

- Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia đặc biệt là người dân ở vùng miền núi cần chú ý vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Tránh các đồ uống có chứa chất kích thích như cafein;

- Không nên tắm khuya sau 22h00, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nước ấm để tắm, vệ sinh thân thể;

Bên cạnh đó, cần vệ sinh miệng, họng sạch sẽ thường xuyên hàng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc miệng bằng nước ấm có pha chút muối loãng giúp sát trùng cổ họng và hạn chế viêm họng.

Ngoài ra, cần thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn, virus; tiêm vaccine để phòng ngừa bệnh cúm; Ăn uống đủ chất đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét. Trong bữa ăn hàng ngày cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).

Đối với người lao động nặng, người cao tuổi, trẻ em cần cung cấp lượng tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin nhiều hơn so với những mùa khác để chống rét, đặc biệt là bổ sung vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tránh ăn uống đồ lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể nhiễm lạnh;

- Những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp… đã được chẩn đoán thì phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ;

- Rèn luyện thân thể, tập thể thao thường xuyên giúp làm ấm cơ thể, nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết lạnh;

- Thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết trên tất cả các phương tiện truyền thông.

Sở Y tế Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động phòng chống rét đậm, rét hại kéo dài

Thực hiện Công điện số 07/CĐ-TTg ngày 26/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài; công văn số 557/BYT-MT ngày 03/02/2025 về việc tăng cường hướng dẫn các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại; văn bản số 265/UBND-KTTC ngày 28/01/2025 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc chủ động biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, dự báo trong những ngày tới không khí lạnh tiếp tục tăng cường và ảnh hưởng tới thời tiết trên toàn tỉnh, có các đợt rét đậm, rét hại kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là người già, trẻ em và những người có bệnh mạn tính về tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp…

Để chủ động ứng phó với thời tiết bất thường, rét đậm, rét hại bảo vệ sức khỏe của nhân dân, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nội dung sau:

1. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh; TTYT các huyện, thị xã, thành phố:

- Chủ động tuyên truyền cho nhân dân về phòng chống rét đậm, rét hại, phòng ngừa các bệnh thường gặp do rét đậm, rét hại gây ra, đặc biệt là đối tượng người già và trẻ em; cảnh báo để nhân dân biết về nguy cơ có thể xẩy ra các tai nạn như ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng bếp than trong nhà kín, bỏng lửa hoặc ngạt thở trẻ em do mặc quá nhiều quần áo ấm,...

- Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các trạm y tế triển khai các biện pháp phòng chống rét gắn với phòng chống dịch cho bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế; thực hiện tuyên truyền cho nhân dân địa phương để phòng chống dịch bệnh và tai nạn do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra.

2. Các cơ sở khám, chữa bệnh:

- Chủ động đảm bảo các điều kiện phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại đơn vị. Nơi chờ khám, các buồng khám bệnh phải kín gió; có đủ chăn đệm và phương tiện chống rét cho người bệnh trong thời gian điều trị. Chú ý giữ ấm cho bệnh nhân trong khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật.

- Bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra như: các bệnh tim mạch, các bệnh về đường hô hấp,…

3. Yêu cầu Giám đốc các đơn vị chủ động theo dõi sát diễn biến của thời tiết để có phương án phòng chống rét cho người bệnh, đề phòng đợt rét tiếp tục kéo dài; tích cực chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống rét tại các khoa phòng; báo cáo kịp thời các diễn biến bất thường (nếu có) về Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Ngành (phòng Nghiệp vụ Y) để tổng hợp.

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện.