Ngày 16/9, một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippinnes).
Sáng 17/9, áp thấp nhiệt đới đã đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông.
Sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 04 năm 2024.
Chiều 19/9 bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Quảng Bình Quảng Trị.
Do ảnh hưởng của bão số 4 (áp thấp nhiệt đới), tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh cấp 9; Lệ Thủy (Quảng Bình) gió mạnh cấp 6, giật cấp 10.
Sáng đến chiều nay (19/9), ở khu vực Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to, có nơi mưa rất to: Tà Long (Quảng Trị) 292mm; Mai Hóa (Quảng Trị) 204mm; Hòa Thanh (Quảng Bình) 195mm;…
Chiều nay (19/9), sau khi đi vào đất liền Quảng Bình-Quảng Trị, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8 (62-74km/h); di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15-20km/h.
Hồi 17 giờ ngày 19/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16.9 độ Vĩ Bắc; 106.6 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt – Lào. Sức gió mạnh nhất: Cấp 6 (50-61km/h), giật cấp 8.
Hồi 18 giờ, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp. Vị trí tâm áp thấp ở vào khoảng 16.9 độ Vĩ Bắc; 106.4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía nam Lào. Sức gió mạnh nhất: Cấp 5 (29-38km/h), giật cấp 7.
Dự báo: Trong 3 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục suy yếu và di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.
Thời điểm dự báo | Hướng, tốc độ | Vị trí | Cường độ | Vùng nguy hiểm | Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng) |
04h/20/9 | Tây, 15-20km/h, đi sâu vào đất liền suy yếu và tan dần | 17,2 N-104,8E; trên đất liền khu vực Trung Lào | < Cấp 6 | 15,5N-19,5N; phía Tây kinh tuyến 109.0E | Cấp 3: Vùng biển từ Nghệ An đến Đà Nẵng (bao gồm Cồn Cỏ, Hòn Ngư); khu vực đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị |
Trên biển:
- Vùng biển từ Nghệ An đến Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) đêm nay (19/9) còn có gió mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 8 (62-74km/h), sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, ở khu vực biển từ Bình Định-Cà Mau, phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3,0-5,0m. Biển động mạnh.
Trên đất liền:
- Vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị trong 3-6 giờ tới còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Mưa lớn:
- Từ chiều tối 19/9 đến ngày 20/9, mưa lớn tập trung ở khu vực Thanh Hóa đến Quảng Trị, phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Đề phòng mưa cường suất lớn (>100mm/6 giờ) ở khu vực từ Hà Tĩnh-Quảng Trị trong chiều tối và đêm nay (19/9).
- Mưa lớn dẫn đến tình trạng ngập lụt cho các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư do nước không kịp thoát.
Trong đêm qua và ngày hôm nay (19/9), ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to và dông.
Lượng mưa tính từ 19h ngày 18/9 đến 15h ngày 19/9 có nơi trên 200mm như: Mai Hóa (Quảng Bình) 222.8mm, Tà Long (Quảng Trị) 363.6mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 321.3mm,…
Từ chiều tối và đêm 19/9 đến ngày 20/9, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to đến rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 350mm. Từ đêm 20/9, mưa lớn giảm dần.
Từ chiều tối và đêm 19/9 đến đêm 20/9, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Từ ngày 21/9, mưa lớn giảm dần.
Khu vực | Thời gian ảnh hưởng | Tổng lượng (mm) |
Hà Tĩnh đến Quảng Trị | Từ chiều tối và đêm 19/9 đến ngày 20/9 | 100-200, cục bộ có nơi trên 350 |
Thanh Hóa, Nghệ An | Từ chiều tối và đêm 19/9 đến đêm 20/9 | 100-200, cục bộ có nơi trên 300 |
Ngoài ra, trong chiều tối và đêm 19/9 ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Thừa Thiên Huế có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 70mm. (Thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: cấp 1; khu vực từ Hà Tĩnh - Quảng Nam cấp 2.
Dự báo tác động của mưa lớn: Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
Trong 24 giờ qua (từ 14 giờ ngày 18/9 đến 14 giờ ngày 19/9), khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum đã có mưa to đến rất to như: Cửa Đạt 83mm (Thanh Hóa); Thủy Điện Hủa Na 62,4mm (Nghệ An); Hồ Mạc Khê 162mm (Hà Tĩnh); Mai Hóa 193mm (Quảng Bình); Đập thủy điện La Tó 321mm (Quảng Trị); Hương Phú 330,6mm (Thừa Thiên Huế); Hòa Bắc 155mm (TP. Đà Nẵng); Trà My 264mm (Quảng Nam); Trà Thanh 206mm (Quảng Ngãi); Mường Hoong1 122mm;...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Cảnh báo mưa trong thời gian tiếp theo:
Trong 03-06 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến như sau: Khu vực Thanh Hoá, Nghệ An, phía bắc Thừa Thiên Huế mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 100mm; khu vực Hà Tĩnh đến Quảng Trị mưa phổ biến từ 50-120mm, có nơi trên 150mm; tỉnh Kon Tum mưa phổ biến 10- 40mm, có nơi trên 50mm.
Cảnh báo nguy cơ:
Trong 06 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện (Chi tiết được đính kèm trong trong Phụ lục 1).
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1, riêng TP.Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế: Cấp 2.
Cảnh báo tác động của lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy:
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
TT | Tỉnh/TP | Huyện |
1 | Thanh Hóa | Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân |
2 | Nghệ An | Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Tương Dương |
3 | Hà Tĩnh | Cẩm Xuyên, Can Lộc, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Thạch Hà, TX. Hồng Lĩnh, TX. Kỳ Anh, Vũ Quang |
4 | Quảng Bình | Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa |
5 | Quảng Trị | Cam Lộ, Đa Krông, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong, Vĩnh Linh |
6 | Thừa Thiên Huế | A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, TP. Huế, TX. Hương Thủy, TX. Hương Trà |
7 | TP.Đà Nẵng | Hòa Vang, Quận Liên Chiểu, Quận Sơn Trà |
8 |
Quảng Nam | Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Núi Thành, Phú Ninh, Phước Sơn, Tây Giang, Thăng Bình, Tiên Phước |
9 | Quảng Ngãi | Ba Tơ, Bình Sơn, Minh Long, Sơn Tịnh, Trà Bồng |
10 | Kon Tum | Đắk Glei, Đắk Hà, Đắk Tô, Tu Mơ Rông |
Hồi 07 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, cách Quảng Bình-Quảng Trị khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.
Ở đảo Huyền Trân có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8-9; ở đảo Lý Sơn có gió giật mạnh cấp 7; Phú Quý có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; ở Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Bạch Long Vỹ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6; vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9.
Dự báo diễn biến trong 24h tới:
Thời điểm dự báo | Vùng biển ảnh hưởng | Gió mạnh | Độ cao sóng | ||
Cấp gió (cấp Bô-pho) | Hướng | Độ cao (mét) | Hướng | ||
Ngày và đêm 19/9
| Phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) | Sáng cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Sau gió giảm dần. | Nhiều hướng | 2,0-4,0m | Nhiều hướng |
Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) | Cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Biển động mạnh. | Nhiều hướng | 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m | Nhiều hướng | |
Vịnh Bắc Bộ | Phía Bắc gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Phía Nam gió cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. | Đông Bắc | 2,0-5,0 | Đông Bắc | |
Từ Bình Định đến Cà Mau; phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) | Cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. | Tây Nam | 3,0-5,0 | Tây Nam | |
Vùng biển phía Bắc của khu vực Giữa Biển Đông | Cấp 6, giật cấp 8. Biển động. | Tây Nam | 3,0-5,0 | Tây Nam | |
Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan | Cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động. | Tây Nam | 2,0-3,0 | Tây Nam |
Ngoài ra, ngày và đêm 19/9, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Bắc, Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Cảnh báo ngày và đêm 20/9: Vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực Giữa Biển Đông, vùng biển phía Bắc của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao 2,0-5,0m.
Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-3,0m.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2, riêng vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi cấp 3.
Dự báo tác động: Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Lao động - Thương Binh và Xã hội, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
Công điện nêu rõ: Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông vẫn đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền các tỉnh miền Trung nước ta. Hồi 22 giờ đêm nay (ngày 18 tháng 9 năm 2024), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc, 111,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 320km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ 0h - 18h ngày 18 tháng 9, các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 70-250mm, có nơi trên 250mm.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong đêm ngày 18 tháng 9.
Từ sáng sớm ngày mai (ngày 19 tháng 9 năm 2024), bão có thể gây gió mạnh, sóng lớn ven biển và đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam với sức gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10 (89-102 km/h); gây mưa lớn tại khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Định trước, trong và sau bão.
Diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ còn rất phức tạp (dự báo có thể thay đổi cả về cấp độ gió, tốc độ di chuyển, hướng di chuyển, phạm vi ảnh hưởng và lượng mưa).
Tiếp theo công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2024, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, nhất là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt đô thị và vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi, sườn dốc để đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Một là, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, cập nhật liên tục thông tin diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ; chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế trên địa bàn, quán triệt phương châm "bốn tại chỗ", chủ động xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Rà soát, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền không đi vào, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện tại nơi neo đậu tránh trú và các hoạt động sản xuất trên biển, ven biển, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu du lịch, dịch vụ ven biển.
Triển khai phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân.
Triển khai các biện pháp để hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, sản xuất kinh doanh, đê điều, hồ đập, công trình xây dựng, nhất là công trình giao thông, đê kè đang thi công dở dang; khẩn trương hoàn thành việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị, nhà cửa, trụ sở, nạo vét, khơi thông cống rãnh, hệ thống tiêu thoát nước.
Vận hành, điều tiết các hồ đập thủy điện, thủy lợi trên địa bàn khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra tình trạng lũ chồng lũ.
Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Chủ động triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh; kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các hộ dân tại các khu vực bị cô lập; tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở, thiếu nước uống.
Thứ hai, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai có hiệu quả công tác ứng phó theo quy định.
Thứ ba, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7, theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thứ tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với tàu thuyền vận tải hoạt động trên biển, trên sông; đảm bảo an toàn hoạt động giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không; triển khai các biện pháp phòng, chống bão, lũ bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và các dự án quan trọng quốc gia, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đang thi công tại khu vực.
Thứ năm, Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với các địa phương nêu trên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vận hành hợp lý, khoa học các hồ đập thủy điện, thủy lợi để bảo đảm an toàn công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.
Thứ sáu, Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các lực lượng cứu hộ, cứu nạn ứng trực thường xuyên, sẵn sàng cứu dân, tài sản và các yêu cầu khẩn cấp khác.
Thứ bẩy, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông tăng thời lượng phát sóng, đưa tin để người dân nắm được thông tin đầy đủ, chính xác về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ và chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, qua đó kịp thời triển khai các hoạt động ứng phó phù hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản.
Thứ tám, Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này.
Thứ chín, Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc các Bộ, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Trước đó, ngày 17/9/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 97/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an.
Công điện nêu: Theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng nay (ngày 17 tháng 9 năm 2024), áp thấp nhiệt đới đã vượt qua đảo Ludong (Philippines) vào vùng biển phía đông khu vực bắc biển Đông; hồi 10 giờ sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc, 119,9 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20km/giờ về hướng quần đảo Hoàng Sa và có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới.
Bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta, gây gió giật mạnh, mưa lớn ở khu vực Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ trong những ngày tới.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, đặc biệt là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Một là, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó theo quy định.
Hai là, Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ để chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai có thể ảnh hưởng đến phạm vi quản lý của ngành, địa phương.
Trong đó: Tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển.
Rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tập trung bảo đảm an toàn tính mạng hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân, vận hành khoa học, an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi.
Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Ba là, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông tăng thời lượng phát sóng, đưa tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, biết được kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt nhằm hạn chế thiệt hại.
Bốn là, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7 theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Năm là, Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Ngày 17/9, Bộ Công an có Công điện số 16/CĐ-BCA-V01 gửi Công an các đơn vị, địa phương về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Bộ Công an điện: Giám đốc Công an 17 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa;
Thủ trưởng các đơn vị: Cục An ninh kinh tế, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Kế hoạch và tài chính, Cục Quản lý xây dựng và doanh trại, Cục Trang bị và kho vận, Cục Y tế, Cục truyền thông Công an nhân dân.
Thực hiện Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão; lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, tổ chức theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và Nhân dân.
Hai là, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn giao thông và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, nhất là tại các địa phương dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm, các hoạt động trên biển, ven biển.
Phối hợp kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh, trật tự, xã hội; đảm bảo an toàn hồ đập, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia; sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ.
Ba là, chủ động các trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ; bảo đảm an toàn về các lực lượng, trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc của lực lượng Công an nhân dân.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, kịp thời về hoạt động công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và lan tỏa hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân.
Bốn là, các đơn vị chức năng của Bộ chủ động lực lượng, phương tiện, vật tư, cơ số thuốc men, y tế, kinh phí để kịp thời chi viện cho các địa phương, các địa bàn và triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; chỉ đạo Công an các địa phương nắm chắc tình hình, diễn biến áp thấp nhiệt đới, phối hợp các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ và tham mưu chỉ đạo việc xả lũ các hồ thủy điện đảm bảo đúng quy trình, an toàn hồ đập và đặc biệt lưu ý việc thông báo, hỗ trợ di dời dân vùng hạ lưu khi có nguy hiểm.
Năm là, tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, truyền đạt mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương, nhất là cấp cơ sở; đảm bảo quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai.
Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Bộ theo quy định (qua Văn phòng Bộ, SĐT: 069.2299150, 0904231899 hoặc 0979087633).
Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) vừa ra Công điện gửi các đơn vị có liên quan trong Ngành hàng không về triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông.
Để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 4, Cục HKVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức trực 24/24 giờ theo Quy chế Trực ban phòng, chống thiên tai; thực hiện nghiêm Quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng.
Cục HKVN yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng; liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.
Đối với các Cảng hàng không, các Hãng hàng không, các cơ sở cung cấp Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cần tăng cường công tác phối hợp, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để có phương án điều chỉnh kế hoạch bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp tại một số địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp và đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.
Đồng thời cập nhật đầy đủ thông tin khí tượng từ các cơ sở khí tượng hàng không liên quan và căn cứ tình hình thực tế để triển khai các hành động ứng phó cần thiết, giảm thiểu tác động đến khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản của đơn vị trước thiên tai.
Ngoài ra, các Cảng hàng không, các Hãng hàng không, các cơ sở cung cấp Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cần triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách.
Đặc biệt lưu ý tại các cảng hàng không bị ảnh hưởng trong khu vực từ Quảng Ninh đến Bình Thuận.
Cục HKVN yêu cầu các Cảng vụ hàng không giám sát công tác triển khai các nội dung ứng phó tại các Cảng hàng không liên quan; bảo đảm liên lạc thông suốt với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Cục HKVN, các cơ quan, đơn vị liên quan trong phạm vi trách nhiệm để triển khai ứng phó trong mọi tình huống.
Nhận định về diễn biến áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông trên TTXVN, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, khoảng sáng 17/9, áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông và ngày 18/9 mạnh lên thành bão (bão số 4) với sức gió mạnh cấp 8 khi di chuyển đến vùng biển giữa Biển Đông (khu vực Hoàng Sa).
Kịch bản thứ nhất: Bão có khả năng di chuyển về phía khu vực Trung Trung Bộ. Nếu diễn ra theo kịch bản này thì tác động của bão đối với khu vực trên sẽ có thể sớm hơn từ 1-2 ngày (khoảng ngày 19-20/9).
Kịch bản thứ hai: Bão đổi hướng và di chuyển theo hướng Tây Bắc đi về phía khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nếu diễn ra theo kịch bản này thì tác động của bão đến đất liền sẽ vào cuối tuần này.
Đề cập đến các lưu ý đối với cơn bão này, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, trước mắt cần chú ý về khả năng tác động của gió mạnh, sóng lớn trên khu vực phía Đông của khu vực Bắc của Biển Đông (phía Đông kinh tuyến 114; phía Bắc vĩ tuyến 14).
Theo đó, từ sáng 17/9, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào, dông mạnh, gió mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9 (75-88km/h), biển động.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Đối với việc ảnh hưởng của bão đến đất liền, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tác động của bão vì nhiều khả năng bão sẽ có những thay đổi sau khi vào Biển Đông.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, vị trí hình thành của cơn áp thấp nhiệt đới hiện nay khá giống với siêu bão YAGI - bão số 3 (cùng ở khu vực phía Đông của đảo Luzon - Philippines).
Tuy nhiên, điều kiện môi trường hiện nay không được thuận lợi như cơn bão số 3 (YAGI) mà nó phải chia sẻ lượng ẩm với cơn bão Pulasan (đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương) vì thế khi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới không mạnh ngay thành bão mà phải mất khoảng 1-2 ngày hoàn thiện cấu trúc để có thể phát triển thành bão.
Ngoài chịu tương tác với cơn bão Pulasan (đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương); khi vào Biển Đông trường dòng dẫn quy mô lớn từ áp cao cận nhiệt đới cũng đang có biến động nhiều.
Ngoài ra, vào khoảng sau ngày 19/9 còn có khả năng có khối không khí lạnh nhẹ đầu mùa từ phía Bắc di chuyển xuống, tất cả những điều kiện khí quyển hiện tại và tương lai khiến cho đường đi của áp thấp nhiệt đới, sau sẽ là cơn bão sẽ phức tạp hơn nhiều so với siêu bão YAGI.
“Tất cả các mô hình dự báo hiện tại của Việt Nam và quốc tế đều thống nhất cường độ của cơn bão này sẽ không mạnh như bão YAGI”, ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh.
Theo TTXVN, ngày 16/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện số 6851/CĐ-BNN-ĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ đạo theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Cụ thể, để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới.
Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Dự báo về tình hình thời tiết thời gian tới, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, thời tiết Bắc Bộ trong 7 ngày tới chủ yếu ít mưa, ngày nắng gián đoạn.
Từ nay đến hết ngày 17/9, khu vực Bắc Bộ trong đó trọng tâm là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh và Hải Phòng có mưa vừa, lượng mưa phổ biến 10-30mm/ngày, cục bộ có mưa to trên 50mm/ngày.