BẢN ĐỒ CHẤN TÂM ĐỘNG ĐẤT
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Thông tin trên báo Hà Nội mới, Trưởng phòng Kinh tế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn cho biết, hồi 8h05 sáng nay (25/3) trên địa bàn huyện xảy ra trận động đất nhẹ.
Người dân nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều cảm nhận được rung lắc từ dư chấn của trận động đất này.
Tính đến 12h ngày 25/3, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện chưa ghi nhận thiệt hại về người và tài sản do động đất gây ra.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mỹ Đức chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn tiếp tục ứng trực để theo dõi sát diễn biến; sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó tình huống ảnh hưởng do động đất gây ra.
Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện tăng cường thông tin về diễn biến động đất, cảnh báo, hướng dẫn người dân biện pháp phòng tránh nếu xảy ra các trận động đất tiếp theo…
Cùng ngày, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vào lúc 3 giờ 54 phút 40 giây và 5 giờ 57 phút 18 giây, đã xảy ra 2 trận động đất có độ lớn 3.2 và 3.7, tại tọa độ 14.957độ Vĩ Bắc - 108.237 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km.
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4.7, xảy ra vào chiều 23/8/2022.
Trên TTXVN, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được cho thấy, khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng, các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5.0.
Viện Vật lý Địa cầu cũng thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này. Các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo, mức độ động đất tại khu vực này dù xảy ra nhiều nhưng chưa đến mức cảnh báo rủi ro.
Người dân không quá lo lắng mà cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; đồng thời chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất.
Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng, tránh này; đồng thời thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân.
Người dân và chính quyền khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh.
Đặc biệt, khi có động đất xảy ra, chính quyền và người dân tại khu vực bị ảnh hưởng cần thực hiện nghiêm theo các quy định tại Quyết định số 78/2007/QĐ-TTg ngày 29/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần.
Theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, người dân có thể ‘bỏ túi’ 8 biện pháp cơ bản khi có động đất để bảo vệ chính mình và người xung quanh.
Theo thống kê từ Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trong hai tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã xảy ra tổng số 25 trận động đất nhỏ, có độ lớn từ 2,5 đến 4. Mới đây nhất là trận động đất vừa xảy ra sáng nay, 25/3, nhiều người dân ở một số khu vực thành phố Hà Nội cho biết họ đã cảm nhận rõ sự rung lắc do dư chấn của trận động đất có độ lớn 4 vừa xảy ra tại huyện Mỹ Đức.
Theo tài liệu hướng dẫn cộng đồng của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, để giữ bình tĩnh và không hoảng sợ khi xảy ra động đất, người dân cần lưu ý một số biện pháp sau đây:
- Khi nhận được tin cảnh báo sớm của cơ quan chức năng thì chủ động mở cửa ra, vào và cửa sổ để đảm bảo lối thoát hiểm. Nếu xuất hiện dư trấn thì nhanh chóng thoát nạn ra ngoài.
- Nếu ở trong nhà mà không kịp thoát ra ngoài thì hãy ẩn dưới gầm bàn, tủ, giường, khu vực kiên cố gần nhất để tránh đồ đạc và đồ vật từ trên cao rơi xuống.
- Nếu bạn đang ở khu vực bếp, hãy nhanh chóng tắt bếp, khóa van gas và thoát khỏi khu vực bếp.
- Thông thường sẽ không có sự hỗ trợ từ bên ngoài trong những ngày đầu sau khi thảm họa xảy ra. Do đó, hãy chủ động tích trữ nhu yếu phẩm chủ động phục vụ giúp đỡ gia đình mình và những người xung quanh để khắc phục khó khăn trước mắt.
- Thu thập thông tin thiên tai và thông tin thiệt hại chủ động báo cho chính quyền địa phương.
- Tuân thủ các quy tắc trong sinh hoạt cộng đồng tại khu vực di tản, tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
- Luôn luôn đề phòng việc ăn, uống hay sinh hoạt chung, để ý đến người già và trẻ nhỏ tránh trường hợp dịch bệnh xảy ra.
- Tiếp tục cảnh giác với dư chấn./.