Về thực hiện chức năng thanh tra khi sắp xếp bộ máy, Điều 6, dự thảo quy định về việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sau khi sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra như sau:
Tổng cục, cục thuộc bộ có cơ quan thanh tra và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có sự thay đổi về tên gọi mà không thay đổi về chức năng, nhiệm vụ thì tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
Tổng cục tổ chức lại thành cục mà không thay đổi chức năng, nhiệm vụ thì tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
Tổng cục tổ chức lại thành các cục, vụ thì các cục tổ chức lại từ tổng cục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
Tổng cục, cục thuộc bộ tổ chức lại thành các vụ thì chức năng thanh tra chuyên ngành của tổng cục, cục thuộc bộ do Thanh tra Bộ thực hiện;
Trường hợp tổng cục, cục thuộc bộ sáp nhập với các đơn vị khác để tổ chức thành cục mới thì cục mới tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sau sắp xếp thành các cục, vụ, chi cục mới thì các cục, chi cục mới tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
Các trường hợp khác do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra cấp trên thực hiện.
Về việc thực hiện kế hoạch thanh tra và thực hiện các cuộc thanh tra chưa ban hành kết luận thanh tra, dự thảo quy định:
Cơ quan thanh tra mới được thành lập có trách nhiệm rà soát, kế thừa các kế hoạch thanh tra đã được ban hành để xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra mới trình cấp có thẩm quyền ban hành, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước mới được tổ chức lại và quy định của Luật Thanh tra 2022;
Đối với các cuộc thanh tra chưa ban hành kết luận thanh tra, Đoàn thanh tra tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng dự thảo kết luận thanh tra trình Thủ trưởng cơ quan thanh tra mới được tổ chức lại ban hành kết luận thanh tra.
Trường hợp cuộc thanh tra liên quan đến nhiều nội dung thuộc quản lý nhà nước của nhiều cơ quan mới được tổ chức lại thì Trưởng đoàn thanh tra xây dựng các dự thảo kết luận thanh tra theo nội dung quản lý nhà nước tương ứng và trình Thủ trưởng cơ quan thanh tra quản lý lĩnh vực đó ban hành kết luận thanh tra.
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Điều 7 dự thảo quy định: Trong trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi tên gọi nhưng không thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn, thì chức danh đó tiếp tục thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đang được giao.
Trong trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn, thì chức danh tiếp nhận nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn đã tiếp nhận cho đến khi có quy định mới thay thế./.