In bài viết

Thủ tướng: Chúng ta phải 'thổi hồn', thổi sức sống mới vào vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất đất nước

18:16 - 15/10/2024

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng nêu rõ, trong thời đại ngày nay, với xu thế "ăn ngon, ăn sạch", cạnh tranh lại rất lớn, chúng ta phải "thổi hồn", thổi sức sống mới vào ngành nông nghiệp, ngành lúa gạo tại ĐBSCL, vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của đất nước.

Thủ tướng: Chúng ta phải 'thổi hồn', thổi sức sống mới vào vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất đất nước- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn

 Chiều 15/10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". 

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, các đồng chí Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn.

Đây cũng là Đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất một triệu hec-ta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp Chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết phân tích, nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng, những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của ĐBSCL.

Thủ tướng khẳng định ĐBSCL có nhiều lợi thế, tiềm năng về con người, truyền thống lịch sử văn hóa, đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ngành lúa gạo, thủy hải sản.

Thủ tướng: Chúng ta phải 'thổi hồn', thổi sức sống mới vào vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất đất nước- Ảnh 3.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết này và từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL, với số lần làm việc tại ĐBSCL là nhiều nhất so với các địa phương, các vùng khác trên cả nước.

"Không có cuộc gặp, trao đổi nào với các đối tác quốc tế mà tôi không nói đến ĐBSCL. Bởi việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn thì không thể không nói đến ĐBSCL. 

Mặt khác, với vấn đề an ninh lương thực thực phẩm trên thế giới, ĐBSCL rất có cơ hội để phát triển", Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Chúng ta phải 'thổi hồn', thổi sức sống mới vào vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất đất nước- Ảnh 4.

Thủ tướng khẳng định ĐBSCL có nhiều lợi thế, tiềm năng về con người, truyền thống lịch sử văn hóa, đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ngành lúa gạo, thủy hải sản - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng: Chúng ta phải "thổi hồn", thổi sức sống mới vào vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của đất nước

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, trong thời đại ngày nay, với xu thế "ăn ngon, ăn sạch", cạnh tranh lại rất lớn, chúng ta phải "thổi hồn", thổi sức sống mới vào ngành nông nghiệp, ngành lúa gạo tại ĐBSCL, vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của đất nước.

Thủ tướng nêu rõ, lúa gạo là ngành hàng có lợi thế của nước ta. Sản xuất lúa gạo không chỉ có vai trò thiết yếu đối với bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, mà còn là nguồn thu nhập quan trọng của hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam.

Đồng thời thúc đẩy xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thủ tướng: Chúng ta phải 'thổi hồn', thổi sức sống mới vào vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất đất nước- Ảnh 5.

Thủ tướng: Trong thời đại ngày nay, với xu thế "ăn ngon, ăn sạch", cạnh tranh lại rất lớn, chúng ta phải "thổi hồn", thổi sức sống mới vào ngành nông nghiệp, ngành lúa gạo tại ĐBSCL, vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của đất nước.

Với quan điểm đó, Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phê duyệt tháng 11/2023 đến nay đã triển khai được gần một năm.

Đây là Đề án hết sức ý nghĩa với người nông dân vùng ĐBSCL, với ngành hàng lúa gạo và với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, thời gian vừa qua, Bộ đã rất nỗ lực cùng 12 địa phương vùng ĐBSCL triển khai thực hiện Đề án và đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành và 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã có nhiều cố gắng trong triển khai Đề án và tích cực chuẩn bị tốt cho việc tổ chức Hội nghị ý nghĩa, quan trọng này.

Thủ tướng yêu cầu phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ kết quả - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Xác định rõ khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai Đề án còn nhiều khó khăn, vướng mắc về nhận thức và hành động (còn có những ý kiến khác nhau về sự cần thiết và hiệu quả của Đề án, nhiều hộ nông dân chưa mặn mà tham gia Đề án); về quy hoạch và xác định vùng trồng lúa; về cơ chế, chính sách, về việc huy động và bố trí nguồn lực triển khai Đề án.

Trong đó có việc quản lý, sử dụng vốn ODA, trao đổi tín chỉ carbon trong trồng lúa và một số vấn đề khác.

Với cảm xúc, trách nhiệm, tự hào về văn hóa, con người, về vùng đất rất đặc biệt ĐBSCL, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, các địa phương báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình triển khai Đề án, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị.

Thủ tướng: Chúng ta phải 'thổi hồn', thổi sức sống mới vào vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất đất nước- Ảnh 6.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, các địa phương báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình triển khai Đề án, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị.

Trong đó nêu rõ các kết quả đạt được sau một năm thực hiện; xác định rõ, cụ thể các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm để các bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, thống nhất các phương án, giải pháp và thẩm quyền xử lý để thúc đẩy triển khai có hiệu quả và đạt mục tiêu Đề án đề ra.

Từ đó, phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ kết quả". Đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá. 

Tinh thần là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh./.