Như vậy việc thiếu thuốc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng đến công bằng trong khám bệnh, chữa bệnh. Vì khi thiếu thuốc bảo hiểm y tế mà đã có chỉ định của bác sĩ thì người bệnh hoặc thân nhân người bệnh sẽ phải bỏ tiền túi của mình ra để mua thuốc ở ngoài, bù đắp lại những thuốc thiếu do bảo hiểm y tế cung cấp.
Tức là do các cơ sở khám chữa bệnh không có đủ nguồn thuốc để cung cấp và như vậy ảnh hưởng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng luôn cả vấn đề công bằng, cũng như tính chất an sinh xã hội của xã hội.
Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta muốn có các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế thì chúng ta phải tìm ra được các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Theo TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên nhân khách quan của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tác động dịch bệnh COVID-19, toàn bộ thế giới đều bị ảnh hưởng, cắt đứt các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các chuỗi liên quan đến logistics, bảo quản, vận chuyển, tiền công, tiền lương của tất cả những người có liên quan đến chuỗi cung ứng thuốc, vật tư y tế toàn cầu, dẫn đến cũng ảnh hưởng tới tình trạng cung ứng thuốc vào Việt Nam.
Thứ hai, là do trong quá trình chúng ta tập trung phòng, chống dịch COVID-19, nhiều người bệnh có nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh nhưng không đến khám bệnh, chữa bệnh được. Sau khi dịch đã lắng xuống thì người bệnh đến các cơ sở khám bệnh tăng đột biến, dẫn tới tình trạng cung ứng thuốc của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bảo đảm.
Nguyên nhân khách quan thứ ba là do chúng ta tập trung tất cả nguồn lực, kể cả nhân lực, vật lực, tài lực cho phòng chống dịch bệnh nên việc cung ứng thuốc chữa bệnh hiện nay cũng có những cái bị hạn chế, ảnh hưởng.
Một vấn đề nữa theo tôi cũng có liên quan là thiếu nguồn cung ứng dược liệu từ Trung Quốc về. Vì Trung Quốc thực hiện phương thức chống dịch là "Zero COVID" nên đóng cửa biên giới, khiến tất cả nguồn dược liệu của chúng ta hiện nay đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là gia hạn cấp GMP đối với các dược liệu, nguyên liệu để làm thuốc.
Đó là những nguyên nhân khách quan. Còn nguyên nhân chủ quan nữa. Nguyên nhân đầu tiên phải đề cập đến là tình trạng cơ chế pháp lý của chúng ta đang còn những tồn tại.
"Tôi cho đây là một nguyên nhân rất chủ yếu mà nếu chúng ta tháo gỡ được thì sẽ giải quyết được tình trạng này", TS. Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.
Thứ hai là do thể chế của chúng ta chưa rõ ràng, chưa minh bạch dẫn tới là các đơn vị tham gia đấu thầu, kể cả Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có được hành lang pháp lý đầy đủ, nên e dè và e ngại trong việc thực hiện tổ chức đấu thầu.
Cái này cũng tác động bởi các cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra. Hiện nay đang khởi tố rất nhiều dự án nên người ta có tâm lý e ngại.
Nguyên nhân chủ quan thứ ba là năng lực tham gia thực hiện công tác đấu thầu cả từ Trung ương cho đến cấp tuyến sở và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng có những hạn chế nhất định.
Thực hiện công việc này cần phải có những người có kinh nghiệm, am hiểu về trang thiết bị, am hiểu về vật tư y tế, am hiểu về thuốc, am hiểu về các quy định của pháp luật về đấu thầu. Hiện nay cũng có những cái thiếu mà không phải trong thời gian một sớm một chiều chúng ta có thể khắc phục được.
Vấn đề tiếp theo là các doanh nghiệp cung ứng hiện nay không tham gia đấu thầu vì người ta không có lợi nhuận trong đó. Do giá thuốc tăng cao nhưng hồ sơ mời thầu, tiêu chí mời thầu giá lại thấp hơn nên người ta không thể tham gia được.
Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác, ví dụ như vấn đề gia hạn, cấp số đăng ký cũng chậm, vấn đề tham gia đấu thầu tập trung quốc gia, vấn đề đàm phán thuốc quốc gia cũng có những hạn chế nên ảnh hưởng tới nguồn cung.
Nếu chúng ta phân tích được rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan như vậy thì mới có được các giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế và thiếu trang thiết bị y tế hiện nay.
Để khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong vấn đề mua sắm thuốc, vật tư y tế, TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng: Trước tiên phải có đánh giá về việc thiếu thuốc, thiếu thuốc ở Trung ương, ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, trung tâm y tế… mức độ thiếu như thế nào, thiếu ở những dòng thuốc nào?
Khi có đánh giá cụ thể như thế này, cần phải xem nguyên nhân ở từng đơn vị vì mỗi đơn vị ở vùng miền khác nhau, mô hình bệnh tật khác nhau, cách quản lý cũng khác nhau. Vì vậy, cần phải có đánh giá này càng sớm càng tốt.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ sớm xem xét các vướng mắc đã được Bộ Y tế đề cập trong dự thảo trình Chính phủ. Đây là những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và BHXH Việt Nam.
Thứ ba, một số văn bản sắp hết hạn như Nghị quyết 12 của Quốc hội và một số nội dung liên quan đến giá thuốc trong Luật Dược, một số quy định của Luật Đấu thầu, cần phải xem xét những vướng mắc cơ bản vì thuốc và trang thiết bị y tế là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và rất đặc trưng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, rất cần phải có những giải pháp như nào để triển khai thực hiện.
Thứ tư, về mặt thể chế, Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đối và sớm ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, thông tư về đăng ký thuốc, liên quan giá thuốc, thông tư hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế ở các mức độ khác nhau. Đồng thời rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư mà vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.
Thứ năm, nâng cao năng lực và tính chịu trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến công tác đấu thầu, trong đó có Trung tâm mua sắm đấu thầu thuốc tập trung Quốc gia, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, các sở y tế, các đơn vị khám chữa bệnh, tùy theo từng mức độ. Từ đó, phải nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác đấu thấu.
Thứ sáu, phải ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó các phần mềm quản lý về đấu thầu để theo dõi về công tác đấu thầu, việc thừa thiếu thuốc, trang thiết bị y tế…
Thứ bảy, năng cao năng lực quản trị nhà nước, trong đó có quản lý nhà nước, quản lý giữa UBND tỉnh và Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.