In bài viết

Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ

09:06 - 20/06/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ vừa cho ra đời một chuyên trang mới - "Xây dựng chính sách, pháp luật". Đây có thể chỉ là một sự kiện như muôn vàn các sự kiện trong đời sống, nhưng cũng có thể là một sự khởi đầu rất có ý nghĩa cho nền quản trị quốc gia.

Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Việc Cổng TTĐT Chính phủ vừa cho ra đời chuyên trang "Xây dựng chính sách, pháp luật" có thể chỉ là một sự kiện như muôn vàn các sự kiện trong đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, đây cũng có thể là một sự khởi đầu rất có ý nghĩa cho nền quản trị quốc gia. Ảnh VGP

Trước hết, Chuyên trang này sẽ góp phần thúc đẩy việc tham vấn công chúng, một công đoạn quan trọng của quy trình quản trị quốc gia hiện đại. Nhờ những tính năng của công nghệ số, người dân, các đối tượng có liên quan có thể truy nhập và đóng góp ý kiến trực tiếp một cách dễ dàng cho mọi dự thảo văn bản đang được xem xét, thông qua. Việc này nếu được thúc đẩy đúng hướng, chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng chính sách, đồng thời bảo đảm sự đồng thuận xã hội.

Còn nhớ, cách đây 8 năm, một điều hy hữu đã xảy ra với Luật Bảo hiểm xã hội. Hy hữu là vì ngay khi đạo luật còn chưa có hiệu lực, thì Quốc hội đã phải cho sửa đổi Điều 60 của dự luật nói trên. Cụ thể là Luật Bảo hiểm xã hội được thông qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực ngày 1/1/2016. Tuy nhiên, ngày 22/6/2015 Quốc hội đã cho sửa đổi Điều 60 của dự luật.

Lý do điều luật này phải sửa đổi chính là sự không đồng tình của nhiều công nhân đối với chính sách lập pháp được đưa ra trong đó. Cụ thể, điều luật đã quy định về việc bảo lưu bắt buộc đối với thời gian đóng bảo hiểm mà không cho nhận trợ cấp một lần.

Cho đến nay, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng đây là một chính sách lập pháp đúng đắn và về dài hạn có lợi hơn cho người lao động. Với sự bảo lưu bắt buộc, người lao động sẽ có được sự bảo đảm tài chính vững chắc hơn cho tuổi già. Tuy nhiên, thế nào là đúng đắn nếu như chính sách bị chính những người lao động phản đối?!

Ví dụ về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội cho thấy tham vấn công chúng trước lúc ban hành chính sách, pháp luật rất quan trọng.

Chính sách lập pháp được đề ra trong Điều 60 là rất tốt đẹp thực ra chỉ từ góc nhìn của các chuyên gia và các nhà lập pháp chứ không hẳn là từ góc nhìn của đối tượng bị chính sách điều chỉnh. Chính vì vậy những người công nhân đã đứng lên phản ứng lại chính sách này. Mà với sự phản đối của đối tượng bị điều chỉnh thì hệ lụy sẽ rất lớn. Hệ lụy thứ nhất là "trời không chịu đất, thì đất phải chịu trời", Quốc hội đã phải cho sửa đổi lại Điều 60 của dự luật. Hệ lụy thứ hai là trật tự an toàn xã hội bị ảnh hưởng. Hệ lụy thứ ba là nếu không sửa đổi, việc thực thi chính sách sẽ rất khó khăn, tốn kém.

Vậy tham vấn công chúng là gì? Tham vấn công chúng chính là một quy trình lập pháp trong đó, sự đóng góp của công chúng về những vấn đề đụng chạm đến họ là một đòi hỏi mang tính bắt buộc.

Thực ra, đây không phải là điều gì quá mới mẻ. Các luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước đây đều đã quy định về việc phải lấy ý kiến nhân dân. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thậm chí còn quy định phải lấy ý kiến, trong đó có ý kiến của đối tượng bị chính sách lập pháp điều chỉnh trước khi dự luật được chấp nhận đưa vào chương trình xây dựng pháp luật (Điều 36, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).

Vấn đề đặt ra là chúng ta đã tổ chức tham vấn thế nào mà khi các dự luật được thông qua, đối tượng bị điều chỉnh mới bắt đầu phản đối hoặc "té ngửa" ra vì sự bất ngờ của chính sách? Rõ ràng, đối tượng bị điều chỉnh đã không biết gì về chính sách lập pháp dự kiến được ban hành. Đây là vấn đề cần được Chuyên trang "Xây dựng chính sách, pháp luật" của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ góp phần giải quyết. Quan trọng là cần phải có cách làm sáng tạo và thiết thực hơn.

Việc tham vấn bằng cách đăng toàn bộ dự thảo văn bản lên Chuyên trang có vẻ như sẽ không phải là cách làm thật hiệu quả. Người dân khó lòng tìm ra chính sách sẽ đụng chạm đến mình nằm ở đâu trong hàng chục, hàng trăm điều khoản dài dòng của các dự thảo văn bản. Hơn thế nữa, có tìm ra thì người dân cũng khó hiểu hết các hệ lụy của một chính sách lập pháp đối với mình là như thế nào. Chính vì vậy, dự thảo chính sách mới hoặc chính sách sửa đổi cần phải được thông tin ở dạng rút tít lên trang đầu và phải được in đậm trong dự thảo văn bản. Đồng thời với dự thảo chính sách cũng cần cung cấp đường link đến các ý kiến phản biện, các ý kiến của chuyên gia.

Thứ hai, Chuyên trang cũng sẽ góp phần thúc đẩy đời sống dân chủ ở nước ta. Tham vấn công chúng là phương thức chủ yếu để thực thi nền dân chủ tham gia (dân chủ tham gia là dịch từ thuật ngữ tiếng Anh "participative democracy").

Về mặt lý thuyết, có 3 hình thức dân chủ: Dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ tham gia.

Dân chủ trực tiếp là tốt đẹp nhất, nhưng khó thực thi nhất và tốn kém nhất về mặt kỹ thuật (dân chủ trực tiếp chỉ khả thi về mặt kỹ thuật trong một cộng đồng dân cư tương đối nhỏ. Khi có hàng trăm ngàn người, hàng triệu người tham gia thì vấn đề hội trường, vấn đề cách thức tổ chức tranh luận sẽ gần như bất khả thi. Cách thức khả thi nhất ở đây chỉ là trưng cầu dân ý. Thế nhưng cách thức này rất tốn kém và nó cũng chỉ có ý nghĩa khi trước đó những tranh luận sâu rộng trong xã hội đã thật sự xảy ra).

Dân chủ đại diện khả thi hơn nhiều về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, có thể có nhiều rủi ro về năng lực đại diện và khuyến khích đại diện.

Dân chủ tham gia kết hợp được ưu điểm của hai hình thức dân chủ nói trên, đồng thời cũng khắc phục được khuyết điểm của chúng.

Chính vì vậy, dân chủ tham gia là hình thức dân chủ thiết thực hơn và được tất cả các quốc gia văn minh, hiện đại trên thế giới coi trọng.

Tổ chức tham vấn công chúng một cách thiết thực và hiệu quả chính là chúng ta đang thúc đẩy nền dân chủ tham gia trên đất nước mình. Đây cũng sẽ là đóng góp rất có ý nghĩa của Chuyên trang "Xây dựng chính sách, pháp luật" - https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ./.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng