In bài viết

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

22:44 - 22/01/2025

(Chinhphu.vn) - Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành hai dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Hồ sơ các dự án Luật đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thông qua.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)- Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp

Nội dung cơ bản của Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Chiều 22/1, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và trách nhiệm của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; vị trí, chức năng của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; nguyên tắc tổ chức và hoạt động, chế độ làm việc của Chính phủ; mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với các cơ quan liên quan trong thực hiện quyền hành pháp.

Theo đó, dự thảo Luật dự kiến gồm 05 chương, 35 điều. So với Luật hiện hành giảm 02 chương, giảm 15 điều. 

Nội dung cơ bản của dự thảo Luật gồm: Hoàn thiện các quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước ở Trung ương (Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); Hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ; Hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nêu rõ, dự thảo Luật được thiết kế gồm 07 chương, 59 điều (giảm 84 điều so với Luật hiện hành). 

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và cụ thể hoá 05 chính sách tại Đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua, dự thảo Luật có những nội dung cơ bản và điểm mới chủ yếu liên quan tới: Phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp; mô hình tổ chức chính quyền địa phương;...

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ. Về cơ bản, các tài liệu trong Hồ sơ đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu với các luật có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật,... để bảo đảm đồng bộ về chính sách, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về nguyên tắc phân định thẩm quyền; phân cấp, ủy quyền; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; điều khoản chuyển tiếp. 

Trong đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện nội hàm khái niệm về “phân cấp”, “ủy quyền” tại dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi);...

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long

Liên quan tới dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. 

Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét. Đồng thời, các ý kiến cũng cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, tên gọi và bố cục của dự thảo Luật.

Ngoài ra, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể của dự án Luật như: Mô hình tổ chức chính quyền địa phương; Phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương; Cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp; Điều khoản chuyển tiếp;...

Theo đó, một số ý kiến đề nghị xác định rõ phạm vi đối tượng được nhận phân cấp; nghiên cứu nên có giới hạn thời gian thực hiện tối đa trong luật tránh việc ủy quyền bị lạm dụng, kéo dài...

Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp trong dự thảo Luật theo hướng khái quát hơn, bảo đảm phân định được một cách hợp lý, rõ ràng trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương cũng như bảo đảm tính khả thi, ổn định lâu dài của Luật.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)- Ảnh 4.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận

Đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thông qua

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, các ý kiến đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, khẩn trương của Bộ Nội vụ cùng các cơ quan liên quan trong việc xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). 

Đồng thời, cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành hai dự án Luật; Hồ sơ các dự án Luật đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm các nội dung của 2 dự án Luật phù hợp với Hiến pháp; thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị.

Bảo đảm sự thống nhất giữa các dự án Luật cùng dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, đặc biệt là dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vì giữa các dự án Luật đều có sự giao thoa với nhau. 

Đồng thời, cần chú trọng đảm bảo phù hợp với tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật...